Chàng trai 9x và những “việc tử tế” vì cộng đồng
(Dân trí) - Hoàng Quý Bình (1995, Hải Dương) cùng các bạn trẻ tham gia và thực hiện hàng loạt dự án tình nguyện vì môi trường và giáo dục., góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng và xã hội.
Hoạt động tình nguyện đầu tiên xuất phát từ một lời hứa
Khi được hỏi về dự án cộng đồng đầu tiên thực hiện, Quý Bình nhớ lại: “Những ngày đầu lên Hà Nội học tập mình cũng chưa hiểu khái niệm về “hoạt động xã hội” mà chỉ mong muốn thực hiện lời hứa của mình từ hồi cấp 2. Khi đó mình biết các bạn nhỏ ở làng SOS qua truyền hình và mình đã tự hứa là khi trở thành sinh viên sẽ qua đó thăm các bạn nhỏ ấy”.
Năm nhất Đại học, Quý Bình đã thực hiện lời hứa với bản thân đến thăm các bạn nhỏ ở làng trẻ em SOS. Nhận thấy sự khó khăn của các bạn nhỏ ở việc học tập và thiếu thốn rất nhiều sự quan tâm giúp đỡ, Quý Bình đã quyết định dạy học cho các em và sau một năm anh thành lập đội gia sư miễn phí và có thêm sự tham gia của rất nhiều bạn sinh viên khác.
Trải qua 6 năm hoạt động đội gia sư miễn phí đã có hơn 1000 tình nguyện viên và cộng tác viên tham gia. Nhiều bạn đã từng là học sinh được kèm cặp bởi các thành viên trong đội sau này cũng trở thành tình nguyện viên đi giúp đỡ các em nhỏ khác.
Không chỉ dạy học cho hơn 250 bạn nhỏ ở làng trẻ em SOS mà đội gia sư tình nguyện cũng dạy học miễn phí cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở một số phường trên địa bàn Hà Nội… Nhờ sự giúp đỡ của Đoàn Thanh niên các phường, Quý Bình và các thành viên có thể nắm được danh sách các gia đình khó khăn và có con em đang có nhu cầu học tập.
“Nếu không có danh sách và không đi tìm hiểu, mình cũng không nghĩ ngay giữa trung tâm Hà Nội lại có nhiều gia đình khó khăn đến vậy. Chúng mình đã đến từng nhà để trò chuyện, lắng nghe nguyện vọng các gia đình để có thể giúp đỡ họ”, Quý Bình chia sẻ.
Sứ mệnh hoạt động vì môi trường và giáo dục
Với thành công của hoạt động xã hội đầu tiên, Bình càng tìm hiểu nhiều hơn về những dự án vì môi trường và giáo dục. Tháng 12/2018 một tổ chức phi lợi nhuận vì môi trường đã ra đời với mục đích xây dựng cộng đồng bền vững, có ý thức và trách nhiệm với lượng rác thải chúng ta tạo ra hàng ngày.
Hoạt động này hướng đến với giá trị cốt lõi: Tử tế với môi trường- Trách nhiệm với thế hệ tương lai- Kết nối với cộng đồng. Hoạt động chính mà các tình nguyện viên trong nhóm thực hiện là tổ chức “đổi rác lấy quà” ở các địa điểm tập trung đông người với tần suất 3- 4 hoạt động trên tháng.
Trò chuyện với chúng tôi, Quý Bình cho biết: “Hiện tại chúng mình thu gom các loại rác thải có thể tái chế như giấy viết, bìa sách, nhựa, kim loại, vỏ lon, pin, thiết bịn điện tử hỏng… Đổi lại các bạn sẽ nhận được 1 trong 3 phần quà là các loại cây (sen đá, xương rồng, lưỡi hổ,…), sản phẩm thân thiện với môi trường bàn chải tre, nước rửa bát hữu cơ,…) hoặc là các sản phẩm tái chế (sổ tay, giấy gói quà, giấy đa năng,…)”.
Cũng từ hoạt động “đổi rác lấy quà” này mà nhóm cũng đã thu gom rất nhiều sách, truyện còn dùng được. Từ đó, Quý Bình đã nảy ra thêm ý tưởng thành lập nên một thư viện cộng đồng hoàn toàn miễn phí. Cá nhân Bình cũng đã có một tủ sách hơn 200 cuốn. Sau khi kêu gọi thành lập rất nhiều người đã góp sức cùng Bình để tạo nên thư viện.
Đến nay, thư viện cộng đồng đã mở ra hai cơ sở ở Đại La và Cầu Giấy phục vụ hoàn toàn miễn phí cho tất cả mọi người. Cứ thế, mỗi bạn đến đọc sách tại thư viện lại đóng góp một vài cuốn để chia sẻ cùng cộng đồng. Khi số lượng sách tăng lên, các bạn lại tặng cho các đội tình nguyện khác để xây dựng tủ sách cho các điểm trường khó khăn trên cả nước.
Không dừng lại ở đó, chàng trai trẻ Hoàng Quý Bình và các tình nguyện viên tiếp tục mở thêm các lớp học ngoại ngữ, kỹ năng, nghệ thuật miễn phí được các bạn gọi là “lớp học dịu dàng”. Quý Bình mong muốn tạo được một môi trường tốt cho các bạn học tập mà tiêu chí ở đó là“ học là phải vui”.
Hoạt động này của Quý Bình đã nhận được nhiều sự giúp đỡ và ủng hộ từ các tình nguyện viên là các anh chị có chuyên môn tốt về nhiều mảng lĩnh vực khác nhau. Lớp học miễn phí ấy đã mở ra cơ hội khám phá bản thân cho rất nhiều bạn trẻ.
Mình đã nhận lại nhiều hơn những gì cho đi
Tổ chức và duy trì một loạt các hoạt động xã hội hoàn toàn phi lợi nhuận, đôi khi cũng khiến cho Quý Bình và các tình nguyện viên khác gặp rất nhiều áp lực. Những sinh viên trẻ còn đang đi học và bản thân Quý Bình cũng vừa tốt nghiệp Đại học Bách Khoa. Quý Bình cho biết, để duy trì hoạt động tình nguyện từng thành viên trong câu lạc bộ tự đóng phí mỗi tháng.
Có những khi gặp vấn đề về tài chính để tổ chức các hoạt động, các tình nguyện viên cũng phải lên phố đi bộ để bán kẹo mút, bán cây để có thêm chi phí. Ngoài ra nhóm cũng có được nguồn kinh phí nuôi các hoạt động thiện nguyện từ việc đem rác thải đến các nhà máy tái chế, bán cây và các sản phẩm thân thiện với môi trường tại các sự kiện nhằm gây quỹ.
Tất cả số tiền thu về được, đội tình nguyện đều sử dụng hết để lo tiền thuê nhà cho hai thư viện cộng đồng miễn phí, đầu tư trồng cây, mua chậu và làm các sản phẩm tái chế; đầu tư các đồ dùng và để thuê địa điểm tổ chức các sự kiện.
Khi được hỏi làm thế nào để các hoạt động được nhân rộng và duy trì lâu dài đến vậy? Quý Bình cười nói: “Bản thân mình khi đã bắt đầu làm việc gì mình luôn có niềm tin sẽ có thể duy trì bền vững, không chỉ là dài lâu mà giá trị đem lại cho cộng đồng phải luôn được giữ gìn. Hãy luôn tự cảm thấy mình làm các hoạt động xã hội là mình đang nhận lại được nhiều hơn là cho đi. Cái mình nhận được là cuộc sống tốt đẹp hơn mỗi ngày cho cộng đồng, là niềm vui của những người đã được mình giúp đỡ”.
Mỗi thành viên trong các câu lạc bộ thiện nguyện này giống như một ngọn lửa. Ngọn lửa của tuổi trẻ, ngọn lửa của trái tim biết yêu thương và sẻ chia. Họ đã gặp nhau và sự ấm áp từ họ đã và đang lan tỏa trong xã hội, cho cộng đồng ngày một tươi đẹp hơn.