Chân mọc ở… mông

(Dân trí) - Một bé gái người Zambia sắp phải trải qua ca phẫu thuật để loại loại bỏ đôi chân thừa ở mông - được cho một phần cơ thể của người em song sinh dính liền chưa hình thành.

Chân mọc ở… mông - 1
Bé Faith Mwampe
 
Ngay từ khi chào đời hồi tháng 4 năm ngoái, bé Faith Mwampe đã có thêm một đôi chân nhô ra ở mông. Điều này có nghĩa cô bé có thể sẽ không bao giờ đi được trừ khi đôi chân này được cắt bỏ.

Với hình thù kỳ dị, các bác sĩ tại Zambia đã phải giấu cô bé khỏi mẹ trong hơn 2 ngày sau khi sinh vì sợ bà mẹ có thể bị sốc nặng.

Nhưng giờ đây, khi bé Mwampe được 9 tháng tuổi, các bác sĩ đã quyết định thực hiện ca phẫu thuật để loại bỏ đôi chân thừa cho bé. Dự kiến, ca phẫu thuật sẽ diễn ra trong khoảng 5 giờ tại Bệnh viện Đại học Thực hành ở Lusaka vào thứ 5 tuần tới.

Bà mẹ Mercy Lenganji, 18 tuổi, không khỏi lo lắng, hồi hộp khi 10 bác sĩ chuyên khoa giỏi, đứng đầu là giáo sư Lupando Munkonge, sẽ thực hiện việc cắt bỏ đôi chân thừa. Bé Mwampe đã trải qua các xét nghiệm trong 26 ngày qua trước ca phẫu thuật rủi ro.

Khi có bầu, Mercy biết cô đang mang song thai khi đi siêu âm. Nhưng trong ca sinh mổ tại bệnh viện Mine Malcolm ở thành phố Mufilira, các bác sĩ phát hiện ra rằng 1 trong 2 thai nhi đã không phát triển hoàn thiện.

Chân mọc ở… mông - 2
 
Lenganji nói: "Các bác sĩ đã giấu cô bé trong hơn 2 ngày sau khi Mwampe chào đời vì họ cho rằng tôi có thể bị sốc khi nhìn thấy hình dạng kỳ dị của con gái mình".

“Họ đặt Faith trong lồng kính, giống như tất cả những đứa trẻ chào đời bị dị tật khác ở Zambia. Các bác sĩ nói tôi phải chờ đợi khoảng 6 tháng mới có thể tính chuyện phẫu thuật cho bé”.

Faith Mwampe là một trong số 4 người con của Mercy. Gia đình đã giúp chị vượt qua cú sốc của Mwampe. “Tôi đã được sự hỗ trợ về mặt tài chính của chính phủ Zambia để tiến hành cuộc phẫu thuật. Và nếu không có cha mẹ và gia đình, tôi không biết phải làm gì”.

“Bạn bè đã cười vào mặt tôi khi họ nhìn thấy đứa trẻ nhưng điều đó không ảnh hưởng gì hết. Tôi yêu Mwampe và tôi rất hi vọng vào cuộc phẫu thuật này, vì thế tôi không quan tâm tới suy nghĩ của họ”.

Giáo sư Mukonge nói: “Cuộc phẫu thuật sẽ giúp cải thiện cuộc sống của bé Mwampe nhưng tất nhiên cũng bao hàm những rủi ro. Đó sẽ là cuộc phẫu thuật dài, phức tạp, và chúng tôi mong nó sẽ thành công tốt đẹp”.

Bác sỹ Munkonge nói thêm: “Ngay sau khi Faith hồi phục sau ca phẫu thuật, chúng tôi sẽ đưa bé vào một chương trình phục hồi chức năng và công việc mới thực sự bắt đầu”.

Lưu Ly
Theo Theo Sun