Cha đưa con đến vùng chiến sự để “cai” game bạo lực
(Dân trí) - Một nhà báo người Thụy Điển nhận thấy các con mình quá đam mê những trò chơi điện tử về chiến tranh đã quyết định đưa chúng đến vùng chiến sự tại Israel và Syria để biết chiến tranh thực sự là thế nào, để từ đó bỏ thói đam mê game bạo lực.
Ý tưởng táo bạo này xuất hiện tại một buổi ăn tối vào năm ngoái, khi Leo (11 tuổi) và Frank (10 tuổi) đã cầu xin cha của mình, anh Carl-Magnus Helgegren mua cho chúng phiên bản game mới nhất “Call of Duty”, là một tựa game hành động bắn súng. Vào thời điểm đó, Helgegren nhận ra rằng các con của mình đã quá ám ảnh với những trò chơi bắn súng bạo lực và tự hỏi rằng chúng đã thực sự nhận ra hậu quả thực sự của chiến tranh và những nạn nhân của chiến tranh.
Vì vậy, Helgegren đã nghĩ ra một kế hoạch đặc biệt để dạy cho các con một bài học ý nghĩa về chiến tranh, khi thỏa thuận với Leo và Frank rằng nếu đồng ý đi cùng mình đến những khu vực chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh và dành thời gian cho các nạn nhân chiến tranh, anh sẽ mua cho chúng bất kỳ trò chơi điện tử nào mà chúng muốn.
“Tôi muốn cho chúng thấy những tác hại của chiến tranh và những hậu quả mà chiến tranh để lại”, Carl-Magnus Helgegren, 29 tuổi, hiện đang là một phóng viên, cho biết. “Những người chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh có thể là cha, mẹ, anh, chị em của một ai đó. Bản thân tôi cũng chưa thể trải nghiệm được cảm giác bên trong cuộc chiến như thế nào, cũng như các con trai của tôi”.
Leo và Frank chụp ảnh cùng những người lính Israel
Ban đầu, Leo và Frank không tin vào thỏa thuận với cha mình và cho rằng đó chỉ là một trò đùa, nhưng sau đó cả 2 đã chấp nhận thỏa thuận sau khi biết cha mình hoàn toàn nghiêm túc. Trong khi đó, Elisa, người vợ hiện đang ly thân của Helgegren, lại khá miễn cưỡng khi chấp thuận để 2 con đi cùng cha chúng vì lo lắng cho sự an toàn của họ.
“Khi tôi đưa ra ý tưởng của mình, cô ấy đã ngập ngừng hỏi lại liệu điều đó có an toàn hay không”, Helgegren chia sẻ. “Nhưng sau đó cô ấy đã đồng ý và muốn đi cùng chúng tôi để có thể chăm sóc cho bọn trẻ”.
Helgegren là phóng viên tự do từng làm việc tại khu vực Trung Đông, cho biết chuyến đi hoàn toàn không vì mục đích chính trị cũng như không liên quan đến công việc của mình. Ban đầu Helgegren dự định mang gia đình đến Iraq hoặc Afghanistan, nhưng nhận thấy rằng những quốc gia này quá nguy hiểm, vì vậy quyết định chọn một địa điểm khác giúp cả gia đình “đến gần được chiến trường bằng một chiếc vé du lịch”.
Vì vậy, cả gia đình đã quyết định thực hiện một chuyến đi kéo dài 10 này đến Israel và Cao nguyên Golan (Syria). Điểm dừng chân đầu tiên của họ là tại Jerusalem, nơi 4 người ở chung với một gia đình người Do Thái, mà theo Helgegren là để giúp các con của mình hiểu rõ hơn về văn hóa bản địa.
“Tôi muốn các con của mình gặp gỡ với mọi thành phần của xã hội”, Helgegren cho biết.
Sau đó, cả gia đình đã đến ghé thăm trại tị nạn Shuafat, nơi điều kiện vật chất, đặc biệt là nguồn nước, thiếu thốn hơn, mặc dù trại tị nạn này vẫn nằm thuộc một phần của thành phố Jerusalem. Helgegren đã mang 2 con của mình đến bệnh viện của trại tị nạn, nơi nhiều người đang được điều trị do vết thương từ những cuộc xung đột giữa quân đội Israel và người Palestine.
Leo và Frank tại một trạm kiểm soát ở Jerusalem
Helgegren đã nhờ các nhân viên y tế làm việc tại đây giải thích thêm cho 2 con trai của mình về những khó khăn và nguy hiểm mà trẻ em ở khu vực phải chịu đựng mỗi ngày.
“Tôi muốn cho các con của mình thấy rằng mục đích của súng đạn dùng để làm gì và đem lại điều gì”, Helgegren giải thích. “Tôi không có ý muốn nói đến một thế giới không có súng đạn, nhưng muốn cho các con của mình biết được vì sao trẻ em nên tránh xa súng đạn và các vấn đề bạo lực”.
“Các con sẽ không thấy điều này trong trò chơi điệu tử, nhưng đây là điều mà súng đạn gây ra. Súng đang được chĩa vào những đứa trẻ bằng tuổi các con”, Helgegren nói với các con của mình.
Trong chuyến đi, gia đình của Helgegren cũng đã đến thăm thị trấn Majdal Shams nằm trên cao nguyên Golan (Syria), một cao nguyên đá có ít nhất 2.000 bãi mìn. Tại đây, gia đình của Helgegren đã nói chuyện với nhiều người, từ lớn đến nhỏ, về những khó khăn mà họ gặp phải trong thời gian diễn ra cuộc chiến tranh tại Syria. Đáng ngạc nhiên, cả Leo lẫn Frank đều tỏ ra thích thú với những câu chuyện và bắt đầu hiểu được nỗi đau của những người dân Syria phải ly tán khỏi gia đình của họ.
Helgegren đã đăng tải lên mạng xã hội nhiều hình ảnh của 2 con mình trong suốt chuyến đi, trong đó có những hình ảnh được chụp Leo và Frank bên trong trại tị nạn hoặc bên cạnh xe tăng. Tuy nhiên, nhiều người đã chỉ trích hành động của Helgegren và cho rằng chuyến đi là không cần thiết cho những đứa trẻ.
“Tôi đã nhận được nhiều tin nhắn mà họ gọi tôi là ông bố tối tệ nhất thế giới, họ cho rằng tôi đang gây tổn thương những đứa con của mình. Nhiều người còn gọi tôi là tên khốn kiêu ngạo và tôi xứng đáng bị tử hình. Tôi thực sự không mong đợi những phản ứng như vậy”, Helgegren chia sẻ. “Đây là những đứa con của tôi vì vậy tôi sẽ làm bất cứ điều gì tôi thất là tốt nhất cho chúng”.
Helgegren không ngần ngại để các con làm quen và biết được tác hại của những loại vũ khí thực sự
Helgegren cho biết hành trình của gia đình được bắt đầu từ tháng 4, vào thời điểm chiến sự không thực sự căng thẳng như hiện nay. Ngoài ra, Helgegren đã thử đến những địa điểm mà anh đưa gia đình đến để đảm bảo an toàn.
“Tôi đã từng đến đó 2 lần trước khi mang cả gia đình đến đó, và tôi hoàn toàn cảm thấy an toàn. Nếu có chiến tranh, chúng tôi đã không đi. Thật sai lầm khi nghĩ rằng những nơi chúng tôi đến chỉ toàn chiến tranh và chết chóc”, Helgegren cho biết.
Cuối cùng, cả gia đình của Helgegren đã hoàn tất chuyến đi dài 10 ngày và quay trở về Thụy Điển mà không có vấn đề gì xảy ra. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là Leo và Frank cho biết không còn quan tâm đến trò chơi điện tử như trước đây mà thay vào đó tỏ ra thích thú với tình hình tại Israel.
“Hai con luôn hỏi tôi về những tin tức xảy ra ở Israel, điều này giúp chúng nhận thức được nhiều điều về cuộc xung đột mà ngay cả người lớn cũng chức chắc hiểu được đầy đủ”, Helgegren nói.
Helgegren cho biết anh không hiểu được vì sao nhiều bậc phụ huynh muốn bảo vệ con của mình khỏi chiến tranh thực sự, nhưng lại để chúng những trò chơi điện tử liên quan đến chiến tranh. Tuy nhiên, Helgegren cũng không hoàn toàn nghĩ rằng trò chơi điện tử là điều tệ hại và mang lại nhiều tác hại cho trẻ em.
“Thật vinh dự khi được sống tại Thụy Điển và châu Âu. Chúng tôi có được sự thịnh vượng, quyền lợi và dịch vụ xã hội đầy đủ. Tuy nhiên đi kèm với điều đó là trách nhiệm để tự giáo dục chính mình và con em mình để chúng không trở thành những cái xác vô hồn chỉ biết chơi game và tiêu thụ thức ăn nhanh”, Helgegren kết luận.
Video cậu bé Leo chia sẻ cảm nghĩ khi đặt chân đến trại tị nạn ở Jerusalem:
T.Thủy
Theo OC/The Local