Cây dừa duy nhất ở Việt Nam được mặc cà sa, lập bàn thờ sau khi chết

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Cây dừa sáp ở chùa Chợ (Trà Vinh) được xác định là tổ của tất cả dừa Sáp ở Việt Nam. Sau khi chết vì già, gốc dừa được các nhà sư mặc áo cà sa, đặt lên bàn thờ và thường xuyên hương khói.

Chùa Chợ ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh khác biệt những ngôi chùa khắp cả nước vì ngoài thờ Phật chùa còn thờ một gốc dừa cổ. Lãnh đạo huyện Cầu Kè cho biết gốc dừa được thờ tại đây là cây dừa tổ của tất cả những cây dừa sáp ở Việt Nam.

Gốc dừa cao khoảng 1m, có đường kính cũng khoảng 1m, màu đen xám. Gốc cây được quấn áo cà sa màu cam, được bao quanh bằng tủ kính.

Cây dừa duy nhất ở Việt Nam được mặc cà sa, lập bàn thờ sau khi chết - 1

Gốc dừa được mặc áo cà sa, để trong tủ kính và đặt trên bàn thờ (Ảnh: Nguyễn Cường).

Theo Hòa thượng Thạch Dung, sư cả chùa Chợ, gốc dừa sáp này được sư của chùa là Hòa thượng Thạch Sô đưa giống từ nước ngoài về trồng năm 1924. Đến năm 1930, cây dừa bắt đầu cho trái, từ đó các sư trong chùa đã phân phát giống dừa quý cho người dân Trà Vinh trồng.

"Khi kết thúc khóa tu học ở nước ngoài, Hòa thượng Thạch Sô mang 2 trái dừa sáp giống về, tuy nhiên khi trồng chỉ mọc được một cây. Biết giống dừa quý, các sư trong chùa đều chăm sóc rất cẩn thận, khi cây có trái thì phân phát giống ra khắp vùng", sư Thạch Dung cho biết.

Cây dừa sáp tổ sống đến năm 1996, năm nào cũng cho nhiều trái. Lúc này, cây đã cao hơn 20m vượt lên hẳn những tán cây xung quanh nên đã bị một trận gió lớn xô gãy.

Cây dừa duy nhất ở Việt Nam được mặc cà sa, lập bàn thờ sau khi chết - 2

Gốc dừa được thờ cùng sư Thạch Sô, người đã đưa dừa sáp về Việt Nam (Ảnh: Nguyễn Cường).

Để tưởng niệm, "di thể" của gốc dừa sáp đầu tiên ở Việt Nam được các sư chùa Chợ mặc áo cà sa, để vào tủ kính rồi đặt lên bàn thờ.

"Chúng tôi coi cây dừa như một thành viên của chùa. Cây đã giúp người dân có giống dừa quý, để từ đó có cuộc sống tốt hơn, vì thế chúng tôi tôn trọng, thờ cúng ", sư Thạch Dung cho biết.

Từ gốc dừa tổ này, ngày nay người dân Trà Vinh đã có rừng dừa sáp rộng gần 1.300ha. Dừa sáp được biết như đặc sản nổi tiếng nhất của tỉnh, được bán với giá từ gần 100.000 đồng đến hơn 200.000 đồng mỗi trái tùy theo chất lượng.

Dừa sáp có đặc trưng phần cùi dày, nhão như cháo, thơm béo. Nhờ trồng dừa sáp, nhiều nông dân ở Trà Vinh đã trở nên khấm khá. Giống dừa quý này hiện cũng được nông dân nhiều tỉnh ở miền Tây đưa về trồng để phát triển kinh tế.

Cây dừa duy nhất ở Việt Nam được mặc cà sa, lập bàn thờ sau khi chết - 3

Một trái dừa sáp chất lượng (Ảnh: CTV).

Để kỷ niệm 100 năm cây dừa sáp được trồng ở Việt Nam và mừng lễ Vu lan Thắng hội được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tỉnh Trà Vinh sẽ tổ chức Festival 100 năm Dừa sáp kéo dài 7 ngày (25-31/8).

Lễ hội sẽ diễn ra ở thị trấn Cầu Kè với loạt hoạt động hấp dẫn như bắn pháo hoa, liên hoan lân sư rồng, chơi trò chơi dân gian, thực hành tín ngưỡng Ông Bổn, trưng bày gian hàng trái cây đặc sản trong đó có nhiều gian hàng dừa sáp, hội thi chế biến món ăn từ dừa sáp và không gian ẩm thực, hội chợ thương mại…

Dừa sáp là trái cây đặc trưng của tỉnh, Vu lan Thắng hội là lễ hội đặc trưng của người Hoa tại Trà Vinh. Tỉnh Trà Vinh kỳ vọng qua sự kiện, giá trị của dừa sáp và lễ Vu lan Thắng hội sẽ được quảng bá đến du khách gần xa, thu hút khách du lịch và nhà đầu tư tới địa phương.