Cây đa cổ thụ với bộ rễ “khổng lồ” có tuổi đời hàng trăm năm ở Đình Cổ Vũ
(Dân trí) - Không chỉ được coi như nhân chứng sống chứng kiến những thăng trầm lịch sử, người dân xung quanh còn coi cây đa cổ thụ như báu vật thiêng.
Cây đa án ngữ ngay cổng Đình, có chiều cao trên 20m, đường kính khoảng 3m, lá cây xanh mướt, bộ rễ đồ sộ ôm trùm cả vùng đất rộng lớn.
Theo bà Nguyễn Thị Thành (67 tuổi, người trông coi Đình Cổ Vũ), không ai biết cây đa có từ bao giờ. Theo tích xưa kể lại, Đình cổ được xây dựng từ thời Lý. Khi đó, nhà vua cho trồng hai cây đa lớn trước cửa đình. Trải qua năm tháng, với những biến động của lịch sử cho đến nay chỉ còn lại một cây đa cổ thụ.
Theo người dân vị trí của cây đa cổ thụ và Đình Cổ Vũ được xem là khu đất thiêng. Đền thờ Bạch Mã Đại Vương (vị thần trấn giữ phía Đông) và Linh Lang Đại Vương (vị thần trấn giữ phía Tây) Kinh Thành Thăng Long xưa. Nhiều người cho rằng, vì mọc ở trong vùng đất thiêng nên cây đa mới có hình dáng đặc biệt, cành lá xum xuê và trường tồn cùng năm tháng.
Trong lịch sử hàng trăm năm tồn tại, cây đa thụ gắn liền với những truyền thuyết và câu chuyện kể ly kỳ được truyền từ đời này sang đời khác. Ngày nay, dưới gốc cây người dân trong vùng lập một ban thờ nhỏ, vào ngày lễ tết nhiều người lại đến thắp hương, thờ cúng.
Bộ rễ của cây tạo thành một khối đồ sộ với nhiều lớp đan xen, ôm trọn cả ngôi miếu thờ
Theo bà Nguyễn Thị Thành, để tránh việc rễ cây ôm trùm sân Đình cổ, hàng tháng bà đều phải dùng kéo cắt tỉa bớt.
Cây đa có phần thân khá to nhưng phần lớn bị khuất chìm phía sau cổng Đình. Ngày nay, nhiều phần cành cây được cắt tỉa, cưa bớt để tránh việc ảnh hưởng đến các ngôi nhà xung quanh và tầm nhìn của người đi đường
Tán cây đa xòe rộng, tỏa bóng mát ra xung quanh. Vào những ngày hè oi ả, nhiều người đi đường thường dừng chân nghỉ ngơi dưới gốc cây.
Theo người dân xung quanh, mỗi khi trời chuẩn bị mưa, bộ rễ của cây đa cổ thụ lại chuyển màu sang trắng.
Ngoài cây đa cổ gần nghìn năm tuổi, Đình Cổ Vũ còn là nơi bảo lưu nhiều bộ sưu tập di vật văn hóa có giá trị lịch sử. Trong đó, có 3 tấm bia đá cổ, bia sớm nhất dựng năm Mậu Tuất niên hiệu Cảnh Hưng thứ 39 (1778), bia muộn nhất được dựng năm Tân Tỵ niên hiệu Tự Đức thứ 34 (1881)
Hình ảnh Đình Cổ Vũ xưa kia với cây đa cổ thụ trước sân đình. Ảnh tư liệu
Hà Trang
Ảnh, video: Trọng Trinh