Cây đa 151 năm tuổi bị cháy rừng thiêu rụi một nửa, bất ngờ hồi sinh
(Dân trí) - Cây đa mang tính biểu tượng ở Hawaii, Mỹ, bị trận cháy rừng năm 2023 thiêu rụi gần một nửa. Sau một năm, cây cổ thụ này bỗng hồi sinh trở lại một cách kỳ diệu.
Tháng 8/2023, một trận cháy rừng lớn bùng phát trên đảo Maui, Hawaii (Mỹ) đã thiêu rụi hầu hết thị trấn nghỉ mát Lahaina. Cây đa với tuổi đời hơn 150 năm vốn được coi là điểm đến ưa thích của nhiều du khách cũng cùng chung số phận.
Sau khi cây đa bị thiêu cháy một nửa, nhiều người dân lo lắng cây cổ thụ này khó lòng sống sót. Tuy nhiên sau gần một năm, nhờ sự nỗ lực của các chuyên gia trồng cây, một phần thân cây đang phát triển thậm chí xanh tốt trở lại.
Tại sao cây đa Lahaina đặc biệt quan trọng với người dân trên đảo?
Dù là cây cổ thụ lâu đời nhất hiện còn sống ở Maui nhưng đây không phải là cây bản địa trên quần đảo Hawaii.
Đây vốn là một món quà được vận chuyển từ Ấn Độ tới thị trấn nhân dịp kỷ niệm 50 năm phong trào đạo Tin Lành đầu tiên ở Lahaina. Nơi này từng là kinh đô của Vương quốc Hawaii. Hơn 20 năm sau, quần đảo Hawaii trở thành lãnh thổ của Mỹ.
Suốt hơn 150 năm tồn tại, cây đa đã phát triển thành nhiều nhánh xum xuê, phủ bóng mát lên thị trấn lịch sử. Một số nhánh vươn dài hơn 18m. Nhiều sự kiện cộng đồng được người dân tổ chức tại đây và xem cây đa như "trái tim", là "biểu tượng của hy vọng".
Tán cây khổng lồ xòe ra xung quanh tạo ra bóng mát, là nơi vui chơi của nhiều thế hệ người dân trên đảo. Trên những cành cây xòe rộng trở thành nơi sinh sống của nhiều đàn chim sáo.
Ông John-Mario Sevilla, 60 tuổi, lớn lên ở Maui và thường cùng gia đình đến thăm Lahaina. Chia sẻ với NBC News, ông Sevilla nhớ lại kỷ niệm thời thơ ấu, mỗi lần đi lễ nhà thờ, ông lại ngồi hóng những đợt gió biển thổi qua ô cửa sổ và xem điệu nhảy truyền thống dưới gốc đa.
Khi trận cháy rừng xảy ra, thân cây bị đốt cháy thành than còn lá chuyển sang màu đen. Sau khi xem xét tình trạng của cây, ông Duane Sparkman, chủ tịch Hội đồng trồng cây quận Maui cho biết, một nửa số cành cây bị chết héo. Trong những phần cây khô đó không có nhánh mới mọc trở lại.
"Một phần nửa cây bị cháy đen đã khô héo, không thể phục hồi được nữa", ông Duane nói.
Tuy nhiên sau thảm họa, các chuyên gia lập tức bắt tay tìm cách khôi phục. Họ cắt bỏ hết những cành cây bị khô cháy để nguồn năng lượng tập trung vào khu vực có khả năng sống sót.
Ngoài ra, 14 cảm biến được lắp vào cây, theo dõi quá trình phục hồi diễn ra có khả thi hay không. Ông Duane cho biết, về cơ bản hệ thống cảm biến này giống như máy theo dõi nhịp tim. Nếu cây sống sót, cảm biến sẽ mạnh hơn.
Các chuyên gia còn lên kế hoạch lắp đặt những ống nhựa thẳng đứng hỗ trợ bộ rễ khi đâm từ cành cây xuống đất. Trong những ống này chứa phân trộn để cung cấp chất dinh dưỡng quan trọng cho cành khi chúng bén rễ xuống đất. Một hệ thống tưới tiêu sẽ cung cấp nước nhỏ vào các ống.
Qua đó, nhóm chuyên gia hướng tới mục tiêu giúp rễ sinh trưởng và phát triển ổn định. Hệ thống cũng tưới cho đất xung quanh và cả tán cây.
Theo số liệu thống kê, trận cháy rừng vào tháng 8/2023 khiến Lahaina mất khoảng 25.000 cây xanh, bao gồm cả những cây ăn quả được người dân trồng trong vườn nhà và nhiều loài cây mang tính biểu tượng ở đảo Hawaii.
Để giúp phục hồi cây cối trên đảo, Duane đã thành lập một tổ chức phi lợi nhuận có tên là Treecovery. Ông cho biết nhóm đã trồng khoảng 3.500 cây trong chậu, đặt chúng trong các "vườn ươm nhỏ" trên khắp hòn đảo, bao gồm cả một số khách sạn. Đến khi cây trưởng thành, người dân có thể chuyển về nhà của họ.