Câu chuyện về người đàn ông đi nhặt ve chai ở Thanh Hóa

Thanh Tùng

(Dân trí) - Hơn 1 năm qua, anh Nam ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đạp xe nhặt phế liệu, góp tiền giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Công việc thầm lặng của anh khiến nhiều người thán phục và nhiệt tình ủng hộ.

Người dân vùng biển huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã quen thuộc với hình ảnh người đàn ông đạp xe đi nhặt ve chai, quyên góp tiền hỗ trợ người nghèo. Anh là Nguyễn Văn Nam, 35 tuổi, thôn Thắng Phúc, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc.

Anh Nam mồ côi bố từ khi 5 tuổi, sau khi học hết cấp 2, anh đi làm thuê rồi ra Hà Nội học nghề làm tranh đá quý. Năm 2018, anh về quê mở tiệm kinh doanh, bán tranh tại con hẻm nhỏ ở quê nhà.

Câu chuyện về người đàn ông đi nhặt ve chai ở Thanh Hóa - 1

Hàng ngày, anh Nam dành thời gian để đạp xe đi nhặt ve chai (Ảnh: Thanh Tùng).

Anh Nam cho biết, năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, qua mạng xã hội, thấy có nhiều hoàn cảnh khó khăn được cộng đồng mạng kêu gọi, giúp đỡ nên anh thường trích tiền bán tranh để ủng hộ. Không chỉ vậy, nhiều lần anh còn tham gia cùng các đoàn từ thiện đi trao quà đến người nghèo.

Tháng 7/2023, trong một lần đi thể dục, thấy dọc khu dân cư có nhiều vỏ chai nhựa vứt dọc đường, gây mất vệ sinh môi trường, anh Nam nảy ra ý tưởng nhặt ve chai để góp tiền giúp đỡ những người nghèo, hoàn cảnh khó khăn.

"Tôi đi nhặt ve chai nhằm gom góp chút tiền giúp đỡ người nghèo, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Mặt khác, tôi cũng mong muốn lan tỏa những điều tốt đẹp nhất, để nhiều người phát tâm, chia sẻ lòng yêu thương, hỗ trợ được nhiều hoàn cảnh hơn", anh Nam nói.

Câu chuyện về người đàn ông đi nhặt ve chai ở Thanh Hóa - 2

Anh Nam (ngoài cùng bên trái) cùng nhóm thiện nguyện trao quà đến hoàn cảnh khó khăn tại xã Minh Lộc (Ảnh: Thanh Tùng).

Theo anh Nam, những ngày đầu, khi biết đi nhặt ve chai, mẹ và các anh chị trong gia đình kịch liệt phản đối. Thậm chí nhiều người thân, bạn bè còn nghĩ anh bị "gàn", thích làm việc bao đồng, không lo đến tương lai và cuộc sống cá nhân.

"Sau một thời gian giải thích, mẹ và các anh chị trong nhà cũng hiểu và đồng hành. Thậm chí, có những hôm mẹ tôi còn đi gom nhặt, xin đồ dùng cũ của hàng xóm để tôi tặng đến các hoàn cảnh khó khăn", anh Nam chia sẻ.

Thời gian đầu, tham gia cùng anh Nam còn có anh Nguyễn Văn Bảy (trú cùng xã Ngư Lộc), nhưng sau ít tháng, vì lý do công việc nên anh Bảy không thể tiếp tục công việc thiện nguyện của mình.

Kể từ đó, không quản nắng hay mưa, cuối buổi chiều hàng ngày, anh Nam đạp xe đạp đi quanh các xóm làng để nhặt ve chai. Ban đầu, chủ yếu đi lượm nhặt ở các con đường, ngõ hẻm. Sau này, nhận thấy hành động của anh Nam rất thiết thực và ý nghĩa nên khi có vỏ chai, lọ, đồ phế liệu, nhiều người chủ động gọi điện đến tận nhà lấy.

"Công việc bán tranh đá quý không quá bận rộn, nên khi có người gọi lấy phế liệu là tôi lập tức lên đường. Có những hôm thu gom nhiều, bán cũng được khoảng 200.000-300.000 đồng nhưng cũng có hôm chỉ được vài nghìn đồng", anh Nam nói.

Câu chuyện về người đàn ông đi nhặt ve chai ở Thanh Hóa - 3

Công việc hàng ngày của anh Nam là làm tranh đá quý (Ảnh: Thanh Tùng).

Theo anh Nam, mỗi tháng anh sẽ tổ chức đi trao quà một lần, vào ngày đầu tháng. Đến nay, đã có hàng trăm hộ gia đình ở 6 xã vùng biển huyện Hậu Lộc được anh giúp đỡ, tặng quà đều đặn. Thậm chí, nhiều người dân địa phương thấy hành động của anh Nam ý nghĩa nên cũng đồng hành, cùng tham gia.

"Khi thấy anh Nam nhiệt tình, chúng tôi rất xúc động nên đã hưởng ứng, đồng hành cùng anh. Hiện nhóm của chúng tôi có khoảng 5 người, vào dịp đầu tháng, chúng tôi thường cùng anh Nam tham gia trao quà đến người dân trên địa bàn", chị Nguyễn Thị Dung, xã Minh Lộc chia sẻ.

Anh Hoàng Ngọc Dương, Bí thư Đoàn xã Ngư Lộc, cho biết anh Nam là người có đức tính hiền lành chịu khó. Hành động nhặt ve chai, góp tiền giúp đỡ người nghèo của anh đã lan tỏa câu chuyện tử tế, ý nghĩa đến người dân địa phương và các xã lân cận.

Từ đó, nhiều hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn được nhóm của anh Nam tận tình giúp đỡ, hỗ trợ, có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.