Câu chuyện về một nữ bá tước khát máu

Xinh đẹp, thông minh nhưng tàn ác thì kim cổ không ai sánh bằng, Erzsebet Bathory có lẽ là người đàn bà có một không hai trong lịch sử về những chuyện ác độc đến khó tin.

Sinh ngày 7 tháng 8 năm 1560 trong một gia đình quyền quý và nổi tiếng ở Hungary, dòng họ Bathory của bà, có một người làm vua ở Ba Lan, các tướng công cao cấp ở Hungary và vương hầu ở vùng Transylvanie.

 

Tất cả họ đều nổi danh là những người can đảm nhưng rất tàn bạo và có hành vi bất thường, điên loạn. Do kết hôn với những người gần huyết thống, họ bị một hội chứng di truyền hành hạ, thích ám sát, bức cung, tấn công kẻ khác. Ngoài ra họ còn bị chứng hoang tưởng.

 

Cũng giống như cậu mình, vua Ba Lan  Etienne, Erzsebet luôn luôn bị nhức đầu. Để trị bệnh cho cô bé, người ta mổ bụng một con chim bồ câu sống đặt lên trán. Lập tức cô cảm thấy đỡ đau. Sau này cô bé còn có một cách trị bệnh đáng sợ khác, cô cắn các hầu gái... Trong lúc họ rú lên đau đớn, Erzsebet lại cảm thấy nhẹ nhõm...

 

Năm 10 tuổi, Erzsebet mất cha, năm 15 tuổi lấy Ferencz Nadasty, một vị tướng trẻ tuổi nổi tiếng trên chiến trận với quân Thổ Nhĩ Kỳ. Từ đây Erzsebet trở thành một người phụ nữ đầy quyền lực, tự do và bắt đầu sa vào những thú vui bệnh hoạn. Phải nói trí tưởng tượng dã man của bà rất phong phú: cắn nữ tì, chích họ bằng kim vàng để thấy máu chảy lên láng; bôi mật ong lên người một bé gái rồi cột trong vườn để côn trùng và kiến bu đầy, cắn xé!

 

Sau khi chồng qua đời năm 1604, các trò chơi của bà còn tàn nhẫn hơn. Nữ bá tước bắt đầu chiêu mộ các bé gái từ khắp nước để hành hạ chúng đến chết. Mụ phù thuỷ Darvulia cùng Dorko, Jo Ilona và Ficzko là "bộ tứ" giúp đỡ nữ chủ nhân thác loạn tích cực nhất.

 

Ví dụ bà ra lệnh lôi xềnh xệch các nữ hầu gái trần truồng trên mặt tuyết, dội nước lên người họ và chẳng bao lâu, mùa đông khắc nghiệt biến họ thành những "cây nước đá sống” giữa đồng ruộng trăng xóa tuyết.

 

Bà còn nghiên cứu đồng hồ mới được chế tạo của quận công Brunswick để làm ra "máy trinh nữ". Đây là một tượng rỗng ruột, đặt một nữ tì vào đó, đóng mạnh cửa lại, lập tức nữ tì bị một loạt dao găm bén ngót xuyên qua cơ thể!

 

Vậy mà Erzsebet chán trò này cũng rất nhanh. Bà ta có cảm giác mình chưa tham gia thật sự vào các cuộc hành hình. Giờ đây bà ta thực sự muốn tắm bằng máu người, với niềm tin mãnh liệt là máu người sẽ giúp bà... xinh đẹp và tươi trẻ mãi mãi.

 

Phù thủy Darvulia "phán" là máu tốt nhất phải đến từ các trinh nữ. Họ bị cột chặt và la hét đau đớn khi các đồ tể trích máu từ động mạch và tĩnh mạch để hứng máu và đổ lên người Erzsebet. Để khỏi phải nghe những lời đau đớn và van nài của các nạn nhân, bà ra lệnh cho vá miệng họ lại bằng chỉ thô...

 

"Danh tiếng" của Erzsebet lan nhanh đến nỗi dân chúng gọi bà ta là "con quái vật thành Csejthe", Bao nhiêu chuyện hãi hùng được truyền tai. Có đến 600 phụ nữ trẻ biến mất. Lời đồn đại oán thán cuối cùng đến tai vua Mathias Đệ nhị. Ông ra lệnh mở cuộc điều tra.

 

Chỉ mất một tuần lễ, cuộc điều tra kết thúc. Trong vòng 6 năm, kết luận của tòa án gồm 20 vị quan tòa, được đọc lên ngày 7 tháng 1 năm 1611 cũng khiến người nghe muốn bệnh với danh sách dài thườn thượt các kiểu mẫu tra tấn, nhục hình, bức cung, hành hạ, tử hình... những kẻ vô tội.

 

Nhờ công lao cứu nước của chồng, Erzsebet thoát khỏi giàn hỏa. Nhưng bà ta bị "trám kín" suốt đời trong phòng ngủ của lâu đài Csejthe đến cuối đời, không ai được liên lạc với bà, kể cả linh mục, lúc hấp hối.

 

Một đoàn quân hùng hậu áp tải "Nữ bá tước tắm máu" về Csejthe, các cửa sổ và cửa chính bị gạch bịt kín, chỉ chừa một khoảng nhỏ xíu phía trên để đưa không khí, thực phẩm và nước ra vào. Ở bốn góc của lâu đài có 4 giàn máy chém dựng lên để báo cho người qua lại biết rằng phía sau các dãy tường lặng lẽ có một nữ tử tội đang sống.

 

Câu chuyện về một nữ bá tước khát máu - 1

Lâu đài Csejthe trên đồi Carpates.

 

Khi mọi việc xong xuôi, lâu đài lập tức trở nên hoang vắng. Erzsebet sống được 3 năm rưỡi trong điều kiện như địa ngục. Nhưng "nữ ác quỷ" vẫn không hối hận, không viết thư xin tha thứ và mất bất ngờ trong đêm 21 tháng 8 năm 1614 không một ai gần gũi hoặc hay biết. Bà ta lìa đời như một cái bóng...

 

Nhưng cái bóng về câu chuyện có thực khó tin vẫn còn đến ngày nay. Tòa lâu đài Csejthe vẫn còn dấu tích trên một ngọn đồi ở vùng Carpates, loang lổ và nham nhở. Mỗi buổi chiều mùa đông lũ quạ khoang với tiếng kêu buồn thảm hoặc bầy dơi bay vù qua làm du khách chậm chân cảm thấy lạnh gáy.  

 

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp