Cặp vợ chồng chi 50 triệu đồng, bê 2 tấn đất, làm vườn sân thượng ở Hà Nội
(Dân trí) - Vỏn vẹn một năm làm nông dân sân thượng, chị Hoa đã chinh phục đủ loại rau, trái cây ở trên cao, vừa có nguồn thực phẩm sạch để cả gia đình thưởng thức, vừa có chốn thư giãn "0 đồng" ai cũng mê.
Đầu mùa hè năm ngoái, chị Như Hoa (37 tuổi, sống ở quận Long Biên, Hà Nội) quyết định cải tạo sân thượng, làm vườn trồng rau và hoa, xuất phát từ mong muốn có một không gian xanh mát để cả gia đình thư giãn. Trước đó, khi xây nhà mới, vợ chồng chị đã lên kế hoạch, thiết kế khoảng trống dành riêng cho một khu vườn trên mái và vườn hoa ở sân thượng tầng 3.
"Trước khi làm nhà, mình đã có kế hoạch trồng cây trên mái nên lúc bắt đầu xây, hai vợ chồng liền mua đất và thuê thợ cẩu lên cao. Sau này mình bổ sung thêm đất phù sa, phân bón, chậu trồng cây và các vật liệu khác.
Vì vận chuyển lên cao khá vất vả nên mình mua mỗi lần một ít rồi nhờ chồng hỗ trợ mang lên sân thượng cho và bắt đầu làm vườn, trồng cây", chị Hoa nói.
Gia chủ ước tính chi phí hoàn thiện khu vườn khoảng 50 triệu đồng, bao gồm 7 triệu đồng làm giàn, 12 triệu đồng mua chậu nhựa, 25 triệu đồng sắm kệ sắt và tiền mua giống cây, phân bón,...
Ban đầu, khu vườn chỉ toàn thùng xốp. Sau đó, nữ gia chủ thay thế dần bằng các chậu nhựa ghép kích thước từ 2mx1m, 2.5mx1m,... rồi đặt lên giá sắt, cách mặt sàn độ cao vừa phải. Việc bài trí, thiết kế này đảm bảo tính thẩm mỹ cho không gian, tránh tình trạng ngập úng nước.
Trong vườn, người phụ nữ 37 tuổi ưu tiên trồng các loại rau theo thời vụ để hạn chế sâu bệnh và giúp cây phát triển thuận lợi, cho năng suất cao. Ngoài các loại rau xanh theo mùa như rau muống, rau cải, củ cải, bắp cải, rau thơm, cà chua,... chị còn thử sức chinh phục một số giống dưa lưới, dưa vàng và làm giàn trồng nho.
Thời gian đầu làm vườn, chị Hoa chưa có kinh nghiệm nên gieo hạt không nảy mầm, còn cây thì nhiều sâu rệp. Chị liền lên mạng học hỏi, tham khảo cách trồng trọt trên cao của những người có cùng đam mê. Dần dần, nữ chủ nhân khu vườn "dắt túi" được nhiều kinh nghiệm và gặt hái được thành quả "mỏi tay".
Người phụ nữ U40 cho hay, trước khi trồng, khâu quan trọng nhất là trộn đất. Chị thường trộn đất theo tỉ lệ 1:1 với 50% là đất thịt (đất phù sa ngoài bãi), còn lại là mùn dừa, tro trấu, vỏ trứng, vôi bột và các loại phân như phân bò, trùn quế, phân gà. Đem trộn đều các thành phần rồi ủ tầm 1-2 tuần, sau đó cho thêm nấm đối kháng Trichoderma trước khi bắt đầu trồng.
"Vì đất trộn khá nhiều phân bón rồi nên khi trồng rau xanh, mình chỉ cần tưới nước 1-2 lần/ngày, tùy vào tình trạng đất khô hay không. Không nên tưới ẩm quá. Riêng các cây dài ngày thì thi thoảng phải tưới thêm phân tự ủ như đạm cá, chuối trứng sữa, IMO,...", gia chủ chia sẻ.
Để phòng trừ và diệt sâu bệnh, chị sử dụng dung dịch pha loãng từ nước thuốc lào, vôi trong, rượu gừng sả tỏi ngâm. Ngoài ra, chị cũng tưới nước theo tỉ lệ hai lạnh, một nóng nhằm loại bỏ trứng sâu trên rau.
Với nho, chị Hoa tìm hiểu kỹ lưỡng để chọn giống chuẩn từ Ninh Thuận. Chị bắt đầu trồng từ tháng 4 năm ngoái. Đến tháng 9, cây đậu quả, mọc sai sum suê, kịp cho thu hoạch đúng dịp Tết. Chị cho hay, ngoài bón phân định kỳ thì phải biết thời điểm cắt cành thì nho mới ra hoa, trổ quả.
"Nho chỉ nuôi một cành chính cho đến khi lên giàn. Dưới giàn mà ra chồi thì vặt hết đi đến khi lên tới giàn rồi thì không vặt chồi nách nữa. Khi cây leo giàn được 2m thì tiến hành cắt bớt khoảng một mét, tạo cành cấp một. Cắt cành xong, mình vặt toàn bộ chồi nách trên giàn đi, chỉ để lại một thân chính thôi.
Lúc nảy mầm ngủ ra, mình chỉ để khoảng 4-5 mầm tốt nhất. Khi mầm ngủ này phát triển thành cành tầm 1,5-2m thì mình cắt cành lần nữa. Sau đó là giai đoạn cây ra hoa đậu trái. Khoảng 4 tháng 15 ngày từ khi cắt cành, trái mới có vị ngọt", chủ nhân khu vườn sân thượng tiết lộ.
Năm ngoái, chị Hoa cũng gieo thử năm hạt dưa lưới. Để bón cây, chị ủ các loại phân hữu cơ gồm chuối, trứng, sữa rồi pha loãng tưới cho cây 3-5 ngày/lần. Chồi ra từ lá thứ nhất đến lá thứ chín thì bị ngắt bỏ, chỉ giữ lại chồi từ lá thứ 10-12 để cây mọc quả.
Người phụ nữ này chia sẻ, việc trồng dưa lưới cần chú ý 3 giai đoạn, gồm: tuần đầu trước khi thụ phấn; sau khi thụ phấn 20 ngày và lúc quả tạo ngọt. Khoảng 20 ngày từ khi ngâm hạt đến lúc hạ thổ, trong đất có nhiều phân nên không cần bón bổ sung, chỉ tưới nước 1-2 lần/ngày. Sau 20 ngày, cây được 10 lá thì bổ sung phân dơi, phân gà, đạm cá,… và tưới luân phiên 3 ngày/lần, pha thật loãng.
"Giai đoạn này phải vặt hết nhánh phụ, chỉ giữ lại nhánh phụ từ lá thứ 10 trở lên. Sau đó phun rong biển mỗi tuần một lần, kết hợp phun phòng bọ trĩ, nấm và sâu bệnh. Ngoài ra phải phòng trừ côn trùng gây hại bằng cách tưới trichoderma, IMO 1 lần/tuần. Khi cây được 24 ngày thì bổ sung canxi", chị Hoa cho biết.
Hàng ngày, chị Hoa tranh thủ thời gian để lên vườn chăm cây, tưới nước, nhổ cỏ, kiểm tra sâu bệnh. Chị thừa nhận, làm vườn trên sân thượng có nhiều khác biệt so với làm vườn dưới mặt đất nhưng cũng có nhiều thuận lợi như đủ nắng, dễ kiểm soát sâu bệnh, côn trùng,...
Từ khi có vườn sân thượng, gia đình chị Hoa thoải mái thưởng thức rau trái sạch, hạn chế phải đi chợ mua. Các thành viên cũng có thêm không gian thư giãn, giải tỏa tinh thần. Sau một năm làm "nông dân sân thượng", chị Hoa hạnh phúc vì cả nhà có nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn, các con thì có chỗ vui chơi, biết thêm nhiều kiến thức về môi trường, cây cối.