Cảnh "ngồi đất ăn cơm, đêm ngủ vạ vật" của tài xế tắc biên ở Lạng Sơn
(Dân trí) - Hàng chục ngày tắc biên ở Lạng Sơn khiến các tài xế xe container nông sản ở đây không còn cách nào khác ngoài việc ăn ngủ tại chỗ trong điều kiện thiếu thốn, đắt đỏ.
Những ngày vừa qua, hoạt động thông quan bị đóng băng khiến cho hàng nghìn container chở hàng hóa sang Trung Quốc bị ùn ứ tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn. Hàng hóa bị mắc kẹt, nhiều tài xế phải "ăn bờ, ngủ bụi" ngay tại cửa khẩu.
Anh Dương Thanh Tâm, tài xế container chia sẻ: "Từ xưa tới giờ chưa bao giờ chúng tôi gặp tình cảnh như vậy cả, bình thường chỉ chở hàng ra khoảng 3 - 4 hôm là về thôi nhưng lần này mắc kẹt ở đây 13 - 14 ngày rồi mà vẫn chưa dỡ được xe hàng.
Chúng tôi ăn uống luôn tại bãi xe, mấy anh em tài xế rủ nhau đi mua đồ ăn rồi tự nấu cho đỡ tốn kém. Tự nấu ăn cũng an toàn hơn, ra quán ăn đông người, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao".
"Công việc vất vả lắm, nhưng nghề lái xe là vậy, chúng tôi đâu biết làm gì hơn. Giờ tôi chỉ mong được dỡ xe hàng để tôi được về nhà. Đi lâu quá rồi, nhớ nhà, nhớ gia đình lắm", anh Tâm chia sẻ thêm.
Trong khi đó, anh Nguyễn Hoàng Phước, một tài xế xe khác cho hay, trung bình một chuyến đi được trả công từ 10-11 triệu đồng, nếu xe có hai người thì chia nhau. Việc hàng hóa bị "kẹt" lại nhiều ngày khiến cho các tài xế phải tự bỏ tiền túi lo chi phí sinh hoạt.
"Tôi ở đây chờ đợi đã gần cả tháng rồi, tính ra lương 10 triệu đồng không đủ để trả tiền thuê nhà, sinh hoạt. Chúng tôi chạy xe phải tính đến rủi ro hao hàng hóa, mà về chủ xe chắc gì đã đưa đủ tiền công. Giờ chỉ mong muốn được thông xe, để hàng hóa lưu thông, anh em lái xe vui vẻ, mau mắn, cuối năm cho trọn vẹn", anh Nguyễn Hoàng Phước nói.
Không chỉ phải ngồi đất ăn cơm, các tài xế chia sẻ họ tranh thủ chợp mắt ngay trên ô tô, hoặc mắc võng ven đường để ngủ trông hàng hóa. Tuy nhiên, ngủ cũng chập chờn vì canh cánh nỗi lo hàng hóa bị hỏng.
Mỗi ngày, các xe chở hàng mất 80.000 - 100.000 đồng để trả tiền phí gửi xe, tính trung bình nhiều ngày bị mắc kẹt cũng xấp xỉ 1.000.000 đồng, đó là chưa kể chi phí ăn uống, sinh hoạt đắt đỏ trong những ngày bị mắc kẹt tại cửa khẩu.