Cảnh giác với "dê xồm" ngay trên đường phố

“Tuần trước, khi em đang tham gia giao thông trên đường, bất ngờ có một người đàn ông khoảng 50 tuổi đi sát bên cạnh. Anh ta lập tức phun ra những lời lẽ rất thiếu văn hóa: “Ngủ với anh không”, “Cho anh sờ… nhé” khiến em vô cùng lo lắng… ”


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đi đường cũng bị quấy rối

Trên đây là phản ánh của bạn Nguyễn Thu Hà, 21 tuổi, ở ngõ 495 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội tới Đường dây nóng Báo ANTĐ. Bạn Hà còn cho biết thêm, “khi đến điểm dừng chờ đèn đỏ, người đàn ông đó đỗ xe ngay sát xe Hà và đưa tay chạm vào tay Hà. Khi bị Hà nhìn thẳng vào mặt và hất tay ra, thì ông ta bất ngờ sửng cồ: “Mày đi với giai mà còn giở chứng à, mày thích chết không? Về nhà rồi tao cho mày biết tay”.

Những lời nói này đã khiến những người xung quanh hiểu nhầm Hà và người đàn ông có quan hệ với nhau nhưng đang xảy ra xích mích nên không ai muốn can thiệp. “Rất may sau đó vài giây, khi đèn xanh bật, em đã tăng tốc vượt lên và cắt đuôi được gã đàn ông bệnh hoạn đó. Về đến nhà em vẫn còn run, chỉ lo hắn đuổi theo được, không biết hậu quả sẽ thế nào” - Hà chia sẻ.

Cũng theo Hà, hiện tượng trên còn xảy ra đối với không ít các bạn gái khi đi bộ, trong siêu thị hoặc trên các phương tiện giao thông công cộng… Thủ đoạn của các đối tượng này là thường tìm cách tiếp cận những bạn nữ đi một mình. Sau đó, chúng nhanh chóng rút ngắn khoảng cách, quấy rối bằng những lời lẽ vô cùng thô tục, kiểu như: “Đi với anh không em”, “Cho anh xem... của em nhé”, “…em đẹp quá”… và lặp đi lặp lại nhiều lần.

Khi đối phương sợ hãi, hốt hoảng không dám phản ứng, đối tượng sẽ lấn tới để giở trò sờ soạng những vị trí nhạy cảm của chị em hoặc cố tình “khoe hàng”. Còn nếu đối phương có phản ứng gay gắt, đối tượng lập tức giở chiêu lu loa nhằm để những người xung quanh tưởng giữa anh ta và cô gái có một khúc mắc cá nhân nào đó trong tình cảm nên không muốn tham gia cho đỡ… rách việc.

Thời gian qua, trên các mạng xã hội, chúng ta dễ dàng bắt gặp tâm sự, chia sẻ của những nạn nhân đã từng một lần hoặc nhiều lần bị quấy rối tình dục với các hình thức và cấp độ khác nhau. Trong đó có đối tượng đã bị phát hiện, bắt giữ, cụ thể như hồi cuối tháng 5, đối tượng Bùi Hoàng Hải (quận Hải Châu, Đà Nẵng) đã bị lực lượng công an bắt tạm giam do đã có hành vi dâm ô, quấy rối tình dục với nhiều bé gái.

Trước đó, lợi dụng chốn đông người nơi chùa chiền, Lê Văn Út (ở TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đã thực hiện hành vi quấy rối tình dục đối với nhiều phụ nữ rồi chụp ảnh nạn nhân lưu trữ vào điện thoại. Nghiêm trọng hơn là vụ việc liên quan đến đối tượng Trần Hữu Phúc (ở TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) dùng bút chì, que nhọn đâm vào vùng kín nữ sinh, cô giáo, người đi đường tại khu vực xung quanh các trường đại học, nhà nghỉ chỉ vì cảm thấy… thích?!

Nạn nhân cần phản kháng lại

Có thể nói, hành vi “khoe hàng”, sàm sỡ hay nói lời tục tĩu của một số đối tượng là biểu hiện của bệnh lệch lạc tình dục. Những người này thích nói ra lời lẽ mang tính khiêu dâm, thích được xem trộm phụ nữ thay đồ, thích động chạm vào những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể phụ nữ, thậm chí có thể có những hành vi bạo lực và thường có cảm giác thỏa mãn khi  thấy đối phương tỏ ra sợ hãi, bỏ chạy - chuyên gia tư vấn tâm lý Lê Thị Túy cho biết.

Do các đối tượng thường nhắm vào các cô gái hiền lành, nhút nhát, sợ hãi với những phản ứng quyết liệt từ đối phương nên khi bị quấy rối, dù hoảng sợ nhưng chị em cần bình tĩnh và không nên im lặng mà phải phản kháng mạnh mẽ, cần hô hoán để tìm sự trợ giúp từ những người xung quanh. Trong trường hợp bị quấy rối trên đường, các bạn gái nên nhìn thẳng vào mặt đối tượng và quát to.

Nếu phát hiện bị đeo bám, không nên phóng xe về nhà đề phòng đối tượng bám theo và biết chỗ ở của mình mà hãy nhanh chóng dừng xe tại những điểm có đông người như nhà chờ xe buýt hay quán cà phê… để tìm sự giúp đỡ. Với đối tượng thích “khoe hàng”, các bạn nữ nên phớt lờ và nhanh chóng rời đi, không nên chọc giận đối tượng bằng những câu mang tính châm biếm như “bé tí mà còn thích khoe” vì có thể khiến đối tượng tức giận và có hành động bạo lực.

Còn theo luật sư Nguyễn Thành Chung - Đoàn luật sư Hà Nội, mặc dù hành vi quấy rối tình dục diễn ra khá phổ biến, song số đối tượng thực hiện hành vi này bị bắt quả tang và xử lý rất ít. Nguyên nhân là do việc bắt quả tang mất khá nhiều thời gian và công sức, công tác thu thập bằng chứng cũng không hề đơn giản bởi hành vi thường diễn ra trong thời gian ngắn, ở nơi có đông người. Ngoài ra, quy định hiện hành về vấn đề này còn thiếu cụ thể trong việc đưa ra các tiêu chí, dấu hiệu để nhận diện hành vi quấy rối tình dục. Bên cạnh đó, hầu hết người bị quấy rối tuy khá lo lắng và bức xúc, song không phải ai cũng đủ dũng cảm để lên tiếng tố cáo hành vi đó.

“Để ngăn chặn hành vi này, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc cần bổ sung “tội quấy rối tình dục” vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi), trong đó quy định cụ thể mức nghiêm trọng của từng hành vi và chế tài xử lý tương ứng. Còn đối với những hành vi chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm cần bị xử phạt vi phạm hành chính. Có như vậy mới bảo đảm tính răn đe và sự nghiêm minh của pháp luật” - luật sư Thành Chung đề xuất.

Theo An ninh Thủ đô