Cam Vân Đồn vào mùa thu hoạch

Những ngày này chúng tôi có dịp đến Vạn Yên, xã có diện tích trồng cam lớn nhất của huyện Vân Đồn (khoảng 90ha cho thu hoạch). Dọc con đường xã, trải dài là những vườn cam sai trĩu quả, chín vàng, đung đưa trong sắc nắng. Người trồng cam ở đây đang rất phấn khởi, tất bật cho mùa thu hoạch hứa hẹn bội thu...

Cam Vân Đồn vào mùa thu hoạch - 1

Chị Lê Thị Bảy, Giám đốc Hợp tác xã Cam 10-10, giới thiệu giống cam đường Vạn Yên đang vào mùa thu hoạch.

Dẫn chúng tôi thăm vườn cam của HTX Cam 10-10, ông Chu Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Yên, cho biết: Nhiều năm qua, cây cam đã trở thành một trong những nguồn thu nhập chính giúp người dân nơi đây thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Năm nay, diện tích trồng cam tập trung của xã được mở rộng thêm khoảng 40ha. Đây là cơ sở, điều kiện để những hộ trồng cam nơi đây tiếp tục đầu tư, nhân rộng diện tích trồng cam bản địa, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn...”.

Tại vườn cam, chúng tôi gặp chị Lê Thị Bảy, Giám đốc HTX Cam 10-10, cũng là một trong những hộ trồng nhiều cam ở thôn 10-10 (xã Vạn Yên). Chị cho biết: Cam ở đây được chia làm 2 đợt thu hoạch. Đợt 1 khoảng từ đầu tháng 10 đến hết tháng 11 (âm lịch) đối với giống cam sáp; đợt 2 thu hoạch từ đầu tháng 11 (âm lịch) đến Tết Nguyên đán đối với giống cam đường. Mỗi ngày riêng gia đình chị thu hoạch được khoảng từ 2-3 tạ cam, thương lái thu mua chủ yếu là ở trong huyện. Năm nay sản lượng thu hoạch của xã khoảng 140 tấn quả, có thấp hơn năm ngoái đôi chút, nhưng giá bán tại vườn thì vẫn như mọi năm, khoảng 35.000-40.000 đồng/kg. Hỏi chị làm thế nào để phân biệt được 2 giống cam này, chị bảo: “Đối với giống cam đường cách nhận biết đó là quả tròn, hơi dẹt, chín vỏ quả có màu vàng lẫn đỏ, ruột màu vàng, mọng nước, ít hạt, có vị ngọt thanh mát đặc trưng. Còn đối với giống cam sáp, quả tròn, dẹt, chín vỏ quả có màu vàng lẫn xanh, hơi rám, ruột màu vàng, nhiều sơ, có vị ngọt đặc trưng. Khách đến thu mua đều nhận biết giống cam này theo cách trên”.

Chúng tôi tận tay hái những trái cam chín từ trên cây giúp chị Bảy thu hoạch. Cuộc nói chuyện của chúng tôi nhiều lúc bị ngắt quãng bởi điện thoại của các thương lái. Bận rộn như vậy, nhưng thấy chị lúc nào cũng vui vẻ. Chị bảo: Không chỉ chị mà tất cả các hộ xã viên đều rất phấn khởi vì sản phẩm cam Vân Đồn, Vạn Yên luôn giữ được truyền thống, thương hiệu, được người tiêu dùng tin chọn. Chị đã có 18 năm gắn bó với cây cam. Những năm trước, chị thuê người đến thu hoạch, sau đó đóng gói sẵn để giao cho khách. Nhưng vài năm gần đây thì khách đến thu mua, chị để họ vào tận vườn tự hái cam, tự chọn, họ rất thích thú. Cách làm này giúp chị tiết kiệm chi phí, dành để đầu tư vụ sau. Chị cũng chia sẻ về những khó khăn đối với người trồng cam nơi đây. Đó là có cung nhưng cầu chưa đáp ứng; nắng nhiều, nguồn nước tưới cho cây cam chưa đủ; đường vào xã đã được mở rộng, nhưng ô tô chưa thể vào tận nơi thu mua. Vì thế, nếu số lượng thu mua nhiều hơn cũng hơi khó khăn cho việc vận chuyển...

Để phát huy giá trị loại cây trồng này, mới đây HĐND huyện đã thông qua Quy hoạch phát triển vùng sản xuất cam tập trung đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, đến năm 2020 huyện mở rộng thêm gần 880ha cam, nâng tổng số trên 1.030ha cam toàn huyện. Theo ông Chu Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Yên: Hiện sản lượng phần lớn tiêu thụ tại chỗ (70%), tỷ lệ xuất bán thị trường ngoài huyện còn thấp. Phương thức tiêu thụ chủ yếu thông qua thương lái thu mua và đem đi tiêu thụ tại thị trường huyện và các vùng lân cận. Việc sản xuất và tiêu thụ tại địa phương còn nhỏ, lẻ chưa hình thành mối quan hệ với doanh nghiệp, chưa sản xuất theo hợp đồng, tác động của khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế... Để khắc phục tình trạng trên, huyện và xã đã bước đầu có những giải pháp về cây giống; phổ biến, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân; giới thiệu, quảng bá thương hiệu cam tại hội chợ, lễ hội, trưng bày giới thiệu nông sản; tổ chức hội thảo, hội nghị khách hàng với các tư thương trong và ngoài huyện, các doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả...

Theo Vân Anh

Báo Quảng Ninh