Cảm động những chuyện tình “vợ nhặt” có thật ở Việt Nam

(Dân trí) - Câu chuyện “Vợ nhặt” tưởng như chỉ có trong trang viết của nhà văn Kim Lân thì nay đã xuất hiện giữa đời thực. Duyên số đưa đẩy, những phận người nhỏ bé đã tìm đến nhau, chấp nhận vượt lên hoàn cảnh, bỏ qua mọi thiếu sót để cùng san sẻ khó khăn, vui buồn của cuộc sống

“Quái nhân Hà thành” nhặt vợ ở bãi rác

Việc không mặc quần áo, cạo trọc đầu, hòa mình vào thiên nhiên được anh Nguyễn Tuấn Nghĩa xem là điều hạnh phúc nhất trần gian. Sinh năm 1974, người đàn ông “quái dị” hiện đang sống cùng vợ và con gái trong túp lều dựng ở bãi giữa sông Hồng (Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội).

Trước đây, anh Nghĩa ở phố Hàng Ngang cùng với bố mẹ. Lên 10 tuổi, anh bị xe máy va quệt dẫn đến chấn thương sọ não. Kể từ đó, anh không cảm thấy hứng thú học tập như trước nữa. Đến năm 21 tuổi, bỗng dưng anh Nghĩa “nổi hứng” đến với Phật, bắt đầu tìm hiểu và sống theo đạo lý Phật giáo.

Hai bố con anh Nghĩa có làn da rám nắng. (Ảnh: Internet)
Hai bố con anh Nghĩa có làn da rám nắng. (Ảnh: Internet)

Được biết, người đàn ông này đã có đến 5 đời vợ, đều được “nhặt” về từ những lần lang thang ngoài đường. Nhưng 4 mối tình đầu đều tan vỡ. Năm 2006, anh gặp chị Lê Thị Mùi (người đàn bà đã qua 2 đời chồng và có 3 con riêng). “Thấy mấy mẹ con lấm lem, nhặt rác dưới chân cầu Long Biên, tôi thương cảm nên ngỏ lời muốn Mùi trở thành vợ, ấy thế mà nhận được sự đồng ý”, anh Nghĩa chia sẻ. Không giấy đăng ký kết hôn, không đám cưới, duyên phận của họ cũng không được gia đình chấp thuận.

Sau khi kết duyên với chị Mùi và có con, gia đình anh chuyển về sống trong khu chung cư nhỏ tại Văn Quán (Hà Đông). Khi đó, ngày ngày, người ta thấy cả nhà đạp xe ra sông Hồng tắm và hóng gió đến tận đêm muộn mới về.

Thế rồi, vì không thích sống trong ngôi nhà tù túng, muốn hòa mình vào thiên nhiên để “tận hưởng cảm giác khoái lạc”, anh bán nhà và cả gia đình kéo nhau ra sông Hồng sống. Anh Nghĩa cho biết, từ ngày đó, anh cảm thấy khỏe ra và bắt đầu duy trì cách sống dị biệt: không lao động, không để tóc, nóng thì nhảy xuống sông, ăn ngủ cũng không cần theo giờ giấc.

Tìm được vợ ở tuổi gần đất xa trời

Ở cái tuổi 70, ông Phạm Ngọc Sơn (quê ở Nam Định) tưởng rằng mình sẽ cô đơn đến hết đời thì bỗng “nhặt” được vợ. Đó là bà Chu Thị Mận (quê ở Hải Dương). Cả hai tuy tuổi đã cao nhưng có chung cảnh ngộ và cùng bất hạnh nên dễ tìm được sự cảm thông, thấu hiểu ở chốn phồn hoa đô hội.

Trước đó, ông Sơn - bà Mận đã có gia đình riêng. Tuy nhiên, vợ ông Sơn và chồng bà Mận đều có nhân tình, bỏ mặc tình xưa nghĩa cũ. Quá đau buồn, 2 ông bà bỏ quê lên Hà Nội kiếm sống. Ông làm bảo vệ tại trạm chắn tàu trên đường Nguyễn Thái Học, còn bà thì hàng ngày đi bán ốc gần đó.

Dù cuộc sống có vất vả, ông Sơn – bà Mận không bao giờ mất đi nụ cười. (Ảnh: Internet)
Dù cuộc sống có vất vả, ông Sơn – bà Mận không bao giờ mất đi nụ cười. (Ảnh: Internet)

Công tác ở trạm chắn, hàng ngày ông Sơn thấy một người đàn bà gầy còm, vất vả bán cua, bán ốc nhưng chẳng bao giờ được ăn bữa cơm tử tế. Thương cảm với hoàn cảnh khốn khó, mỗi ngày ông đưa cho bà bán hàng nước gần trạm 20.000 đồng để biếu người phụ nữ tội nghiệp.

Thấy ông thương người lại chỉ sống một mình, mọi người bảo ông ngỏ lời mời bà về sống chung. Phải mãi về sau, bà Mận mới đồng ý. Khi đó, ông Sơn 68 tuổi, còn bà cũng đã trải qua 61 mùa xuân

Kể từ ngày hai ông bà dọn về ở chung, dù thiếu thốn về vật chất nhưng luôn có sự quan tâm, chia sẻ. Khó khăn thì không kể xiết, phải kiếm cơm từng ngày, thế mà hai ông bà lại ham làm việc thiện. Hồi còn khỏe, ông bà đi vận động người dân quyên góp quần áo để gửi lên cho trẻ em nghèo vùng núi và động viên những mảnh đời nghiện ngập trú ngụ ở đường ray Nguyễn Thái Học từ bỏ ma túy.

Thế nhưng, con người không tránh được quy luật sinh – lão – bệnh – tử. Cách đây 1 năm, ông Sơn qua đời vì bệnh tật. Còn bà Mận, do quá đau buồn nên cũng trở về quê sinh sống.

Nhặt vợ giữa góc tối Sài Gòn

Cặp vợ chồng Nguyễn Văn Tài (29 tuổi) và Nguyễn Thị Thúy An (28 tuổi) hiện ở một xóm trọ nghèo tại Q.4 (TP HCM). Duyên phận đưa họ đến với nhau từ đêm giao thừa của Tết Nguyên đán năm 2014.

Vài ngày trước Tết, được nghỉ làm nên Tài hay ghé xóm trọ cũ chơi và bắt gặp An cùng đứa con trai 2 tuổi tại đây. Thúy An từ nhỏ đã không có gia đình. Bé trai là con của cô với người chồng trước. Khi An có bầu đươc 7 tháng, vì quá cực khổ nên chồng bỏ cô đi. Không nhà, không tiền, lúc này An chẳng biết bấu víu vào đâu.

Tối giao thừa, Tài ngang qua xóm trọ và gặp lại An một lần nữa. Sau đó, biết cô không có nhà cửa, chẳng nghĩ ngợi nhiều, Tài bảo An về nhà mình ở vài ngày để tránh gặp phải nguy hiểm.

Đám cưới trong mơ của đôi vợ chồng trẻ. (Ảnh: VTV)
Đám cưới trong mơ của đôi vợ chồng trẻ. (Ảnh: VTV)

Sau chút lưỡng lự, Thúy An đồng ý về nhà Tài ở tạm. Hết đợt nghỉ Tết, Tài quay trở lại công việc của mình nhưng cũng ngỏ ý khuyên An tiếp tục ở lại. Do không có công ăn việc làm, cũng chẳng biết đi về đâu nên An gật đầu chấp thuận.

Chuyện tình yêu của hai người nảy sinh rất nhanh. Chung mái nhà được một tháng thì Tài ngỏ lời yêu thương. Điều khiến nhiều người cảm động là chuyện tình của An – Tài lại được mẹ Tài ủng hộ. Bà không hề xét nét vì An có con riêng và cũng chẳng mặc cảm vì Tài tự nhiên dắt một người con gái lang thang về.

Bản thân Tài thừa nhận, từ khi An về ở chung anh vất vả hơn nhưng vô cùng hạnh phúc. Anh chăm lo cho vợ, thương bé Khang (con riêng của vợ) như chính con ruột. Anh vay mượn để mua chiếc xe máy làm ăn và gắng mua tặng vợ nhẫn cưới làm sính lễ cầu hôn.

Biết được câu chuyện tình yêu cảm động của anh Tài và chị Thuý An, chương trình Điều ước thứ 7 đã âm thầm lên kế hoạch tổ chức đám cưới hoàn hảo cho 2 người. Trong niềm hân hoan vô bờ, cặp đôi đã nhận được sự chúc phúc từ bạn bè và đông đảo cộng đồng mạng.

Vợ nhặt thời hiện đại

Suốt hơn 40 năm qua, hai ông bà Nguyễn Văn Thành (81 tuổi) và Nguyễn Thị Thủy (79 tuổi) sinh sống trên con thuyền nhỏ dưới chân cầu Long Biên, kiếm sống bằng nghề nhặt rác và phế liệu.

Ngay từ nhỏ, ông Thành đã phải chịu cảnh mồ côi, tự làm mọi việc để nuôi bản thân. Năm 16 tuổi, ông quyết tìm đường ra Hà Nội. Tình cờ, ông gặp rồi nên duyên cùng bà Thủy (quê ở Thái Bình), người con gái cùng cảnh ngộ như mình, không họ hàng thân thích.

Nụ cười hạnh phúc của ông Thành – bà Thủy trong ngày được chụp ảnh cưới. (Ảnh: Hai Lecao)
Nụ cười hạnh phúc của ông Thành – bà Thủy trong ngày được chụp ảnh cưới. (Ảnh: Hai Lecao)

“Khi đang đi lang thang ở ga Hà Nội thì thấy bà ấy nhặt những hạt gạo người ta đánh rơi cho vào ống bơ để nấu. Tôi liền lại hỏi han rồi nghe bà ấy chia sẻ hoàn cảnh. Lúc đó, không hiểu sao tôi mạnh dạn thổ lộ: Cô về ở với tôi đi, rồi cùng nhau mò cua bắt ốc sống qua ngày”, ông Thành kể lại.

Sau ít phút bối rối, ông Thành vui mừng khi nhận được cái gật đầu của người con gái ấy. Cứ như vậy, suốt hàng chục năm qua, ông bà san sẻ mọi buồn vui bên chiếc thuyền nhỏ. Để có tiền trang trải cho cuộc sống, cứ chiều đến, ông Thành lại đạp xe đi khắp phố phường nhặt sắt vụn bán lấy tiền đong gạo, mua ít thịt mỡ và chai nước mắm. Bị bệnh thấp khớp nên nhiều năm qua, bà Thủy chỉ quanh quẩn ở nhà trồng vài luống rau ăn.

Ông Thành cũng tâm sự, mặc dù rất thèm có một mụn con nhưng lại không thể được. Giờ đây, ông chỉ mong 2 vợ chồng có nhiều sức khỏe để an yên sống bên nhau nốt quãng đời còn lại.

Hoàng Ngọc

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm