Cách thoát hiểm khi chung cư bạn ở bị cháy
(Dân trí) - Thời gian qua, việc “bà hỏa” liên tiếp "ghé thăm" các chung cư cao tầng đã khiến người dân cảm thấy lo lắng. Do đó, hãy trang bị cho mình những kỹ năng thoát hiểm cần thiết khi gặp hỏa hoạn.
Vụ cháy tại chung cư HH4A, khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) khiến người dân chưa hết bàng hoàng thì tối ngày 11/10 vừa qua lại một vụ hỏa hoạn nghiệm trọng đã sảy ra ở tòa nhà CT4A, cao 34 tầng khu đô khi Xa La (Hà Đông, Hà Nội). Sau hơn 4 giờ cháy nổ đã khiến 200 xe máy, gần 50 xe đạp dưới tầng hầm tòa nhà bị thiêu rụi, đồ đạc của người dân sinh sống từ tầng 1 đến tầng 5 bị ám khói đen và cháy xém.
Hiện chưa có kết điều tra của cơ quan chức năng về nguyên nhân vụ cháy nhưng theo ban quản lý đô thị cho rằng, sự cố ở bốt điện dưới tầng hầm tòa CT4A khiến lửa nhanh chóng lan theo đường dây điện, hộp kỹ thuật lên các tầng phía trên.
Việc liên tiếp các vụ hỏa hoạn xảy ra tại các chung cư cao cấp xây dựng trên địa bàn Hà Nội lại một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh báo về công tác phòng chống và chữa cháy ở các chung cư hiện nay còn rất nhiều bất cập. Do vậy, mỗi hộ gia đình sống trong chung cư cần trang bị cho mình những kỹ năng thoát hiểm cần thiết khi gặp hỏa hoạn.
Khi phát hiện đám cháy
Khi phát hiện có cháy, việc đầu tiên cần làm là bình tĩnh để dập lửa và thoát hiểm bằng bình bột, bình khí CO2, cát, chăn, nước... Ngoài ra, nhanh chóng ấn chuông báo động tòa nhà, hô hào thông báo cho mọi người biết có cháy. Trong trường hợp đám cháy quá lớn không thể dập tắt, phải nhanh chóng nghĩ đến phương án thoát hiểm. Trên đường thoát hiểm gọi 114 để thông báo cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy.
Trường hợp đám cháy không xảy ra ở phòng của bạn, cần xác định vị trí nguồn khói và ngọn lửa. Nếu luồng khói từ trên cao hoặc ngay trong tầng hãy chạy ra cửa thoát hiểm thoát xuống các tầng dưới. Nếu khói xuất phát từ tầng dưới, cách tốt nhất là di chuyển ngược lên trên tầng thượng bởi ở trong môi trường dày đặc khói sẽ khiến bạn ngất xỉu trước khi thoát.
Tuyệt đối không di chuyển bằng thang máy khi hỏa hoạn vì có thể có quá nhiều người hoặc điện bị ngắt đột ngột phòng cháy. Hãy thoát hiểm theo đường thang bộ, nơi có đèn “Exit-lối ra”. Khi di chuyển, hãy bò thấp hoặc đi khom người vì nồng độ oxy phía dưới nhiều hơn.
Trường hợp không thể thoát ra khỏi phòng, hãy đóng chặt cửu lại. Nếu khói lùa vào qua khe cửa, dùng rẻ ướt chèn chặt, nhanh chóng di chuyển hướng ra cửa sổ, la hét lớn và dùng vật dụng dễ nhận biết để ra hiệu chú ý. Nếu ở tầm thấp có thể dùng rèm hay quần áo buộc nối để đi xuống. Nếu cao thì tuyệt đối không nhảy và cố gắng ra hiệu người đến cứu.
Trường hợp phải băng qua lửu để tới điểm an toàn hơn hoặc cứu người thân mắc kẹt, hãy làm ướt quần áo, dùng chăn, áo chất liệu cotton nhúng nước trùm lên đầu. Nếu quần áo bắt đầu bén lửa, hãy nằm xuống dùng tay che mặt và lăn qua lăn lại. Tuyệt đối không được chạy vì gió làm lửa cháy to hơn.
Khi thoát nạn ra ngoài an toàn nên tập trung ở một nơi và kiểm tra xem còn có người bị kẹt lại trong đám cháy không để cứu người ra ngoài an toàn.
Phòng chống hỏa hoạn
Tuyệt đối không chứa số lượng lớn những chất nguy hiểm dễ gây cháy nổ trong nhà như xăng, dầu, bình gas mini… Lắp chuông báo khói và kiểm tra thường xuyên.
Nếu dùng gas để nấu ăn cần lưu ý chỗ để bếp ga, bình ga phải thiết kế an toàn, không để các vật dễ cháy ở gần. Khóa van bình gas trước, sau đó mới khóa van bếp khi sử dụng.
Nắm rõ các lối thoát hiểm trong nhà, trong khu vực. Các thiết bị điện phải thật an toàn. Không vứt thuốc lá bừa bãi, lưu ý khi sử dụng nến thắp…
Nhữ Trang
Tổng hợp