Cách phòng tránh và thoát thân khi bị chó dữ tấn công
(Dân trí) - Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chó nghiệp vụ - Học viện Nông Nghiệp Việt Nam, để phòng tránh các vụ tai nạn chó tấn công lại chủ, người nuôi chó cần nuôi dưỡng, huấn luyện đúng cách và có các biện pháp đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.
Những ngày qua, một đoạn clip ghi lại cảnh 4 con chó Tây tấn công một người đàn ông (phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) được chia sẻ khắp các diễn đàn mạng gây ra sự hoảng sợ cho rất nhiều người. Điều đặc biệt, nạn nhân trong vụ tấn công lại chính là chủ nhân của lũ chó. Bất chấp việc bị người khác cầm gậy dài xua đi nhưng lũ chó vẫn tiếp tục lao vào cắn nạn nhân.
Sau khi bị tấn công, nạn nhân phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng đứt gân tay, cánh tay gần như bị nát, chân có nhiều vết thương. Trước khi tấn công chủ nhân, đàn chó đã xông vào cắn một người hàng xóm lớn tuổi khiến bà bị thương tích ở tay, bắp chân và ngất xỉu.
Được biết trong số 4 con chó hung hãn trong vụ tấn công thì 2 con thuộc giống Rottweiler và 2 con giống Doberman. Hai giống chó này luôn được xếp vào những loại chó dữ, nguy hiểm nhất thế giới.
Ngay khi đoạn clip được chia sẻ trên cộng đồng mạng, nhiều người đã tỏ ra lo lắng trước việc nuôi những giống chó dữ dễ gây nguy hiểm cho con người.
Trao đổi với PV Dân trí, Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chó nghiệp vụ - Học viện Nông Nghiệp Việt Nam cho biết, chủ nhân của chó có 2 loại là chủ thật sự và chủ danh nghĩa. Chủ thực sự là người nuôi dưỡng chó từ nhỏ, dạy dỗ và huấn luyện chó đúng cách. Ngoài việc tạo được tình cảm tốt đẹp với chó thì người chủ phải tạo được uy quyền tuyệt đối với con chó của mình. Loài chó sẽ tuyệt đối nghe lời và sẵn sàng sống chết bảo vệ người chủ thực sự.
Ngược lại, chủ danh nghĩa thường không có ý nghĩa nhiều đối với loài chó. Chủ danh nghĩa là người mua và nuôi chó đã trưởng thành. Qua quan sát clip vụ tấn công, ông Hà nói: “Những con chó tấn công nạn nhân không có sự tôn trọng và nghe lời cho dù đó là chủ nhân của mình. Qua 1 số nguồn tin đáng tin cậy thì tôi được biết, những con chó đó đều không được chủ nhân nuôi từ nhỏ. Do đó nạn nhân là chủ danh nghĩa chứ không được những con chó đó coi là chủ thật sự. Ngoài ra chủ nhân còn mắc sai lầm nghiêm trọng là dắt chó ra ngoài đường nhưng không rọ mõm và không sử dụng cổ dề và dây dắt. Thực tế cho thấy con chó dù dữ đến đâu nhưng nếu bị rọ mõm và dùng cổ dề dây dắt thì đều phục tùng và chủ sẽ kiểm soát rất dễ dàng”.
Sự nguy hiểm của hai giống chó Rottweiler và Doberman
Nhận định về 2 giống chó Rottweiler và Doberman trong vụ tấn công, ông Mạnh cho biết: “Đây đều là 2 giống chó Đức quý nhưng nổi tiếng hung dữ. Chúng rất khỏe và có khả năng sát thương lớn nên rất nguy hiểm, nếu không nuôi dưỡng, giáo dục đúng cách và có biện pháp quản lý đúng đắn. Hai giống chó này được sử dụng rất tốt trong công tác bảo vệ và làm nghiệp vụ”.
Ngoài ra, nếu nuôi dưỡng hai giống chó Rottweiler và Doberman (không nuôi vì mục đích kinh doanh), ông Mạnh khuyến cáo mỗi gia đình chỉ nên nuôi 1 con, nếu nuôi 2 con thì tối ưu là 1 con đực, 1 con cái. Khi nuôi phải có phương án đề phòng như nuôi từ nhỏ, giáo dục đúng cách, có đủ điều kiện chuồng cũi để quản lý thật an toàn, khi dắt chó đi ngoài đường phải rọ mõm và kiểm soát bằng dây dắt. Chủ nhân nuôi các giống chó dữ nên đi học ở những trung tâm huấn luyện có uy tín và đặc biệt phải có biển cảnh báo "có chó dữ" trước cổng nhà.
Cách phòng chống khi bị chó tấn công
Theo các huấn luyện viên chó nghiệp vụ, đối với các tai nạn do chó gây ra thì 100% nguyên nhân đều do con người. Mặc dù ở nước ngoài, số lượng chó được nuôi dưỡng lớn gấp nhiều lần so với Việt Nam nhưng họ có điều kiện và ý thức để đảm bảo an toàn cao nên rất ít xảy ra tai nạn. Trong khi đó ở nước ta hiện nay việc nuôi chó lại không được cẩn trọng. Rất nhiều con chó được thả rông ngoài đường mà không có biện pháp kiểm soát. Nếu tình trạng này không được khắc phục thì tai nạn chắc chắn sẽ tiếp diễn.
Để biết cách phòng tránh và thoát thân khi bị chó tấn công ông Mạnh đã đưa ra những khuyến cáo:
a/ Phòng
- Tránh xa những con chó dữ, chó đẻ.
- Không tiếp xúc khi chó đang ăn.
- Không kích thích chêu chọc chó.
- Không nhìn lâu vào mắt chó.
- Chó dọa thì đứng yên như cây, không bỏ chạy.
- Nếu kịp thì leo lên nới cao chó không nhảy tới.
b/ Chống:
- Tốt nhất là có 1 chiếc gậy sẽ dễ dàng hơn nhiều để cách li chó hoặc tấn công lại chó.
- Chủ động đưa 1 vật như que, khăn, áo ... cho cho chó cắn.
- Cố gắng không cho chó cắn vào chỗ hiểm như cổ họng, mặt, hạ bộ ... có thể chấp nhận cho nó cắn vào tay trái, tay khỏe hơn dùng để tấn công chọc vào mắt, tai, sườn, đá vào bộ hạ, xương cụt hoặc hậu môn chó.
- Kêu to gọi người đến cứu giúp.
Nhữ Trang