Cách nhận biết mít và sầu riêng chín ép bằng hóa chất

(Dân trí) - Những trái mít, sầu riêng non được tẩm hóa chất chỉ sau một đêm đã dậy mùi thơm để thương lái đem bán ra thị trường và điều này luôn khiến người tiêu dùng nơm nớp lo sợ.

Mít và sầu riêng là những loại trái cây được nhiều người ưa thích với màu sắc và hương vị hấp dẫn. Tuy vậy, hai loại trái cây này cũng nằm trong top những thực phẩm thường bị chín ép siêu tốc bằng hóa chất độc hại, gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Nếu như trước kia, mít thường được người dân làm chín bằng kiểu truyền thống như đóng cọc, phơi nắng, bôi vôi đầu cuống… thì nay để trục lợi nhiều tiểu thương đã tiêm hóa chất hóa chất thúc mít chín nhanh. Và những trái mít xanh sau khi được tiêm thuốc thì chỉ sau 1 ngày mít sẽ chín đồng loạt.

Đối với sầu riêng, vào đầu tháng 9/2015 tại tỉnh Đăk Lăk phát hiện một số nhà kho là nơi tập kết trái cây từ các vườn về đã thực hiện việc ủ sầu riêng bằng hóa chất thúc chín. Sau khi được nhúng hóa chất 4-5 ngày, những quả sầu riêng bắt đầu chín đều và ăn được, những trái chưa già khi bổ ra múi chỉ có màu vàng nhợt.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đăk Lăk, loại hóa chất được nhúng cho sầu riêng nhanh chín có tên Tebuconazole và Carbendazim. Đây là hai loại hóa chất diệt nấm, thuộc nhóm cực độc, phân hủy chậm và có khả năng gây vô sinh, quái thai hay ung thư.

Sầu riêng chín ép thường có múi màu vàng nhạt và khó tách rời (Ảnh: Internet)
Sầu riêng chín ép thường có múi màu vàng nhạt và khó tách rời (Ảnh: Internet)

Để tránh mua phải mít hay sầu riêng chín ép bằng hóa chất gây nguy hiểm đến sức khỏe, người tiêu dùng có thể dựa vào những đặc điểm nhận biết cơ bản dưới đây.

Cách nhận biết mít chín ép bằng hóa chất và mít chín cây

Gai và mắt mít: Mít chín tự nhiên sẽ có gai nở to màu và xanh vàng, xam xám. Còn mít chín ép sẽ có gai dày đặc, cứng và nhọn.

Về hình dáng và mủ mít: Quả mít chín tự nhiên thân thường rất mềm, quả chín đều từ cuống cho đến đít quả. Khi bổ mít ra sẽ có ít mủ và đặc biệt không có mủ trắng. Trong khi đó mít tiêm thuốc có những dòng mủ trắng chảy ra từ trong ruột mít, do tác động của thuốc. Ngoài ra khu vực gần cuống quả mít (chỗ thường để tiêm thuốc kích chín) sẽ bị nhũn thối, trong khi phần đít quả lại vừa chín tới.

Về múi mít: Mít chín cây sẽ có múi mít màu vàng óng, cùi dày, xơ mít màu vàng nhạt hoặc màu trắng. Trái lại, mít chín ép dù múi vẫn vàng nhưng ăn cảm giác bị sượng, xơ mít màu vàng đậm như múi mít.

Về mùi thơm: Mít tiêm thuốc sẽ không có mùi thơm lừng như mít chín cây thậm chí là không có mùi gì. Mít chín thường có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt bùi, đi từ xa đã có thể cảm nhận được mùi thơm của mít.

Mít chín ép dù có múi vàng đậm nhưng ăn có cảm giác bị sượng (Ảnh: Internet)
Mít chín ép dù có múi vàng đậm nhưng ăn có cảm giác bị sượng (Ảnh: Internet)

Cách nhận biết sầu riêng chín ép bằng hóa chất và sầu riêng chín cây

Về cuống sầu riêng: Cuống sầu riêng ngâm hóa chất thường héo vì bị mất hết nhựa, nếu để lâu cuống sẽ thối, hoặc bị rụng. Trong khi đó, cuống của sầu riêng chín cây khi dùng ngón tay ấn nhẹ vào có cảm giác cuống ướt, cuống đó vẫn còn tươi.

Về gai sầu riêng: Sầu riêng chín cây có gai trông tươi mới, xanh cứng. Ngược lại, sầu riêng chín ép bằng thuốc sẽ có màu xạm đi, gai bị bầm dập.

Về múi sầu riêng: Với sầu riêng chín tự nhiên, chỉ cần lấy tay tách nhẹ là đã lộ ra những múi vàng óng, béo ngậy và cơm sầu riêng rất dẻo mịn. Trong khi đó, sầu riêng chín do hóa chất đều rất khó tách rời từng múi, cơm thường bị sượng đồng thời khi bổ ra múi có có màu vàng nhạt, nhiều trái ăn rất nhạt.

Về mùi vị: Trái sầu riêng chín cây tự nhiên có hương thơm lừng, đi từ xa vẫn có thể ngửi thấy được. Còn sầu riêng bị ngâm hóa chất, khi chín không có mùi hương nồng đặc trưng, đôi khi không có mùi.

Nhữ Trang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm