Cách làm sáng tạo nâng cao nhận thức về bình đẳng giới của phụ nữ miền núi

Lê Thanh Xuân

(Dân trí) - Thời gian qua, nhiều địa phương đã tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới của phụ nữ dân tộc thiểu số với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo.

Chăm lo cho phụ nữ, trẻ em

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó giai đoạn 1 từ 2021 đến 2025 có một nội dung hướng tới là nhóm đối tượng là phụ nữ và trẻ em gái tại các xã và thôn đặc biệt khó khăn, ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái là người dân tộc thiểu số trong các hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, di cư lao động không an toàn, lấy chồng nước ngoài trở về, người khuyết tật.

Cách làm sáng tạo nâng cao nhận thức về bình đẳng giới của phụ nữ miền núi - 1

Các hoạt độn bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em hướng tới thực hiện mục tiêu bình đẳng giới (Ảnh: Tiến Tuấn).

Chương trình đặt mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Trong thời gian qua, các địa phương triển khai dự án đã đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, thành lập và ra mắt nhiều mô hình cụ thể, thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ, trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Những cách làm hay

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bình đẳng giới, cùng với cấp ủy, chính quyền tỉnh Sơn La, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Sơn La cũng quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhằm thúc đẩy mọi người dân thay đổi hành vi thực hiện bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.

Trên cơ sở các mục tiêu nhiệm vụ của công tác bình đẳng giới cũng như vì sự tiến bộ của phụ nữ, các cấp Hội đã triển khai phong trào thi đua "Phụ nữ vun đắp giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam" với các tiêu chí cụ thể, phù hợp, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Bên cạnh đó, còn phối hợp triển khai dự án "Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch tại tỉnh Lào Cai và tỉnh Sơn La" với 11.805 phụ nữ được hưởng lợi, số phụ nữ tăng thu nhập là 7.885 ở địa bàn huyện Mộc Châu, Vân Hồ.

Cách làm sáng tạo nâng cao nhận thức về bình đẳng giới của phụ nữ miền núi - 2

Mô hình tổ truyền thông cộng đồng (Ảnh: Trần An, Hội LHPN Quỳnh Nhai).

Chỉ đạo các cấp Hội chủ động xây dựng kế hoạch, thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, thường xuyên cập nhật các quy định pháp luật, chính sách hiện hành chủ động lựa chọn các nội dung giám sát phù hợp với quyền và lợi ích hợp pháp của từng nhóm phụ nữ; đề xuất những vấn đề liên quan đến phụ nữ, gia đình, bình đẳng giới trong quá trình tham gia xây dựng văn bản...

Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Điện Biên Phủ đã hoàn thành kiện toàn, ra mắt 9 tổ truyền thông cộng đồng; đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ năng vận hành, duy trì tổ truyền thông cộng đồng cho 79 cán bộ xã, đảm bảo thu hút sự tham gia của nam giới.

Chủ động trang bị kiến thức về bình đẳng giới và kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc, tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Điện Biên Phủ đã tổ chức tập huấn cho 139 đại biểu là chủ tịch, phó chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ bốn xã: Pá Khoang, Nà Tấu, Nà Nhạn, Mường Phăng…

Cụ thể tại huyện Mường Nhé, đã thành lập được 22 tổ truyền thông cộng đồng với 217 thành viên tham gia (trong đó có 70 thành viên là nữ). Các tổ truyền thông cộng đồng cùng Hội phụ nữ 100% xã trong huyện đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến 4 gói chính sách hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm