Các thương hiệu hạng sang tính kế ngăn chặn hàng nhái

(Dân trí) - Hàng nhái, hàng giả đang tràn lan khắp nơi và không khó để bắt gặp những chiếc túi với các logo “LV”, hay Chanel ở quanh các ngõ nhỏ, phố nhỏ hay thậm chí là cả trên con phố đông đúc Canal ở New York.


Khi các hàng xa xỉ tràn lan ngoài chợ.

Khi các hàng xa xỉ tràn lan ngoài chợ.

Hàng nhái đang làm lao đao ngành thời trang xa xỉ với sụt giảm lên tới 10% doanh số mỗi năm và cũng đang huỷ hoại danh tiếng của những thương hiệu mà họ đã nhọc công xây dựng. Chỉ riêng châu Âu thì ngành thời trang và phụ kiện xa xỉ có giá trị ước tính khoảng 30 tỷ USD.

Các thương hiệu hạng sang từ lâu đã tốn kém trong các hoạt động nhờ đến các cơ quan hành pháp để ngăn chặn vấn nạn làm và buôn bán hàng nhái. Tuy nhiên gần đây, các hãng chỉ nhắm đến giới thượng lưu đã tìm ra nhiều giải pháp mang tính công nghệ hơn.

Tuần trước, thương hiệu Moncler đã tuyên bố bắt đầu từ bộ sưu tập thời trang Xuân/Hè 2016, tất cả các sản phẩm của họ sẽ được gắn một loại chip RFID với một mã ID đặc biệt, cho phép khách hàng có thể quét và nhận diện có phải là hàng xịn hay không thông qua smartphone hoặc thông qua trang web code.moncler.com. Việc triển khai công nghệ giống với dịch vụ Appple Pay để người dùng có thể quẹt điện thoại thay vì thẻ thanh toán, khách hàng sẽ biết được liệu chiếc áo mang hiệu Moncler giá 1.200 USD vừa mua có phải là hàng chính hãng hay không.


Moncler đã lắp chip RFID cho tất cả các sản phẩm của mình.

Moncler đã lắp chip RFID cho tất cả các sản phẩm của mình.

Moncler không phải là thương hiệu hạng sang duy nhất của Ý sử dụng chip RFID để ngăn chặn nạn hàng nhái. Bắt đầu từ bộ sưu tập Pre-Fall 2014, nhãn hiệu Salvatore Ferragamo đã bắt đầu gắn chip RFID vào trong chiếc giày trái của những đôi giày nữ để xác định đó có phải là hàng chuẩn hay không. Kể từ đó nhà sản xuất này cũng đã gắn chip vào các sản phẩm khác, như túi nữ, valy, giày nam và các mặt hàng da khác.

Chip RFID không phải là công nghệ mới, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ. Các đại siêu thị như Walmart và Marks & Spencer của Anh nhiều năm nay đã gắn chip RFID vào các sản phẩm để giúp họ quản lý và kiểm tra hàng trong kho nhờ đó họ có thể biết còn bao nhiêu hàng còn lại và có bao nhiêu hàng tại những cửa hàng bất kỳ. Kể cả các thương hiệu thời trang giá rẻ, như Gerry Weber của Đức cũng đã gắn chip RFID từ năm 2011 và đã ghi nhận mức tăng doanh số lên tới 2 con số vì có thể quản lý và phân phối hàng trong kho một cách hiệu quả hơn.


Việc triển khai công nghệ RFID sẽ giúp người dùng phát hiện được đâu là hàng chính hãng từ các thương hiệu hạng sang.

Việc triển khai công nghệ RFID sẽ giúp người dùng phát hiện được đâu là hàng chính hãng từ các thương hiệu hạng sang.

Và những bằng chứng rõ ràng về tính hiệu quả của việc sử dụng chip RFID nên việc các thương hiệu hạng sang tiến tới sử dụng công nghệ này là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, việc có những lý do khiến nhiều thương hiệu chậm chạp trong việc triển khai công nghệ này là bởi phải xây dựng hệ thống nhận diện và theo dõi toàn bộ danh mục sản phẩm cần phải có sự đầu tư đáng kể, gây tốn kém tới “vài triệu USD” cho một doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện. Riêng thương hiệu Gerry Weber đã chi 9 cents cho mỗi chip gắn trong khoảng 30 triệu sản phẩm quần áo mỗi năm.

Thật không khó để tưởng tượng rồi sẽ đến một ngày tất cả mọi thứ, từ dao cạo râu đến những tờ USD ở trong ví chúng ta cũng được gắn chip RFID khi chi phí của nó đã thấp đi.

Khôi Linh