Cá lóc được người Việt ưa chuộng lại trở thành loài xâm lấn nguy hiểm ở Mỹ
(Dân trí) - Loài cá vốn quen thuộc được nhiều người Việt ưa chuộng lại đang trở thành một trong những sinh vật xâm lấn nguy hiểm khiến chính quyền nhiều địa phương ở Mỹ phải lên tiếng cảnh báo.
Cá lóc thành loài xâm lấn nguy hiểm ở Mỹ
Đại diện của Sở Tài nguyên Thiên nhiên Nam Carolina (SCDNR), Mỹ, vừa lên tiếng cảnh báo người dân đặc biệt là những người thích câu cá, về sự xuất hiện của loài cá có nguồn gốc châu Á là một trong những loài xâm hại nguy hiểm.
Loài cá này có khả năng gây hại nghiêm trọng tới hệ sinh thái bản địa. Đó là cá lóc phương Bắc.
Loài cá săn mồi này đang xuất hiện ở nhiều bang nước Mỹ như Georgia, Missouri, California, Hawaii, Maryland và Virginia.
Ông Ross Self, Trưởng bộ phận thủy sản nước ngọt của SCDNR, cho biết, vào năm 2019, loài này mới chỉ xuất hiện một số lượng nhỏ trong các ao tư nhân ở Georgia và Bắc Carolina. Nay nó đã xuất hiện ở Nam Carolina.
Cách đây 15 năm, một người dân địa phương tình nguyện giao nộp cho địa phương một cá thể cá lóc. Ông ta từng nuôi nó trong bể.
Sau đó, SCDNR từng đưa ra lời cảnh báo với người dân. Nếu ai bắt được loài này có thể giao nộp lại hoặc tiêu diệt nó.
Theo các chuyên gia, cá lóc là loài phàm ăn và có khả năng sinh sản cao. Chúng mỗi lần có thể đẻ 15.000 trứng. Tại Mỹ, cá lóc ăn nhiều loài cá nhỏ, ếch và tôm càng bản địa, phá hủy lưới thức ăn ở một số môi trường sống. Trong điều kiện ẩm ướt, chúng có thể sống sót trên đất liền nhiều giờ.
Tiến sĩ Noah Bressman, nhà nghiên cứu đến từ Wake Forest, quan sát cá lóc di chuyển theo cách mà không một con cá lưỡng cư nào làm được.
Theo mô tả, nó thực hiện các động tác chèo gần như đồng thời với vây ngực và vặn vẹo vây qua lại. Những chuyển động kết hợp này có thể giúp cá lóc di chuyển trên các bề mặt không bằng phẳng như cỏ.
Thông tin từ một số tư liệu cho thấy, cá lóc lần đầu xuất hiện ở Mỹ vào năm 2002 trong một ao ở Maryland. Kể từ đó, loài cá này đã được phát hiện ở sông Potomac, Florida, thành phố New York, Philadelphia, Massachusetts, California và Bắc Carolina.
Đại diện của tổ chức Thông tin về các loài xâm lấn New York cho rằng, cá lóc xâm nhập vào Mỹ khi những người nuôi ban đầu định nuôi làm cá cảnh. Sau đó, họ thả loài ngoại lai không mong muốn này vào các tuyến đường thủy địa phương.
Tiến sĩ Bressman đã nghiên cứu quần thể cá lóc ở Maryland, nơi chúng được coi là mối đe dọa đối với lưu vực vịnh Chesapeake. Cơ quan Tài nguyên Thiên nhiên Maryland đã thu thập cá lóc bằng cách đốt điện ở các nhánh của sông Potomac và các rãnh thoát nước liền kề.
Mỹ hướng dẫn người dân cách đối phó, xử lý khi câu được cá lóc
Một trong những biện pháp xử lý khi câu được cá lóc vừa được SCDNR khuyến cáo người dân đó là "Giữ lại con cá, làm đông lạnh và liên hệ ngay với Cơ quan Tài nguyên Thiên nhiên Nam Carolina".
Các chuyên viên cũng nhắc nhở người dân lúc chụp ảnh, cần chụp cận cảnh miệng, vây và đuôi của con cá. Sau đó, người dân ghi rõ các thông tin liên quan như (nguồn nước nơi tìm thấy hoặc gửi tọa độ GPS).
Từ năm 2002, cá lóc được bổ sung trong danh sách động vật hoang dã gây hại tại Mỹ theo Đạo luật Lacey. Theo Cơ quan Cá và Động vật hoang dã Mỹ, Đạo luật Lacey nghiêm cấm người dân nhập khẩu, sở hữu hay vận chuyển một số loài cá gây hại (nằm trong danh sách).
Tại Nam Carolina, việc vận chuyển, buôn bán hay sở hữu cá lóc phương bắc còn sống bị coi là hành vi bất hợp pháp.