Cá heo tấn công và cắn 18 khách bị nghi do ức chế về hành vi tình dục
(Dân trí) - Giới chức miền trung Nhật Bản đang kêu gọi người dân và du khách cần tránh xa cá heo khi đi biển giữa bối cảnh số vụ bị tấn công có dấu hiệu tăng nhanh.
Nhật Bản phát cảnh báo tình trạng cá heo tấn công người
"Kể từ đầu năm, 18 người đã bị cá heo cắn ở các bãi biển địa phương", ông Shoichi Takeuchi, quan chức lực lượng bảo vệ bờ biển Tsuruga, cho biết.
Hầu hết các vết cắn không quá nghiêm trọng, nhưng cũng có trường hợp cá biệt một người phải khâu 30 mũi.
Tương tự, giới chức ngành du lịch ở thị trấn Mihama đã cảnh báo trên trang web, khuyến cáo người dân và du khách không lại gần cá heo khi tới bãi tắm Suishohama để thư giãn.
"Cá heo nhìn có vẻ điềm tĩnh và đáng yêu nhưng chúng sở hữu bộ răng sắc nhọn có thể khiến đối phương bị chảy máu. Thậm chí có người bị chúng lôi xuống nước, đe dọa tính mạng", một phần nội dung cho biết.
Kể từ năm 2022, các vụ cá heo tấn công khiến 45 người bị thương ở vịnh Wakasa, nơi cách Tokyo gần 320km về phía tây, thì nay các sự cố xảy ra xuất hiện ở gần thị trấn Echizen và Mihama.
Nguyên nhân do ức chế về hành vi tình dục
Sau khi xem xét các bức ảnh và video về một số vụ tấn công trong 3 năm trở lại, các chuyên gia kết luận rằng, chúng liên quan tới một con cá heo mũi chai Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
The New York Times đưa tin, ông Ryoichi Matsubara, giám đốc Thủy cung Echizen Matsushima ở Fukui, cho biết nhiều khả năng các vụ tấn công trong năm nay đến từ cùng một con cá heo mũi chai.
Nhóm chuyên gia đã lý giải hành vi của nó có thể do bị ức chế tình dục. Bà Putu Mustika, giảng viên và nhà nghiên cứu về sinh vật biển tại Đại học James Cook (Australia), cho rằng, con cá heo vô tình làm hại người bởi sức mạnh tự nhiên khi thực hiện các hành vi giao phối.
"Khi cá heo giao phối, chúng trở nên rất hoang dã. Hành động lao lên trên cơ thể người được coi là hành vi tình dục, cũng là dấu hiệu nhận biết con vật đang cô đơn và ham muốn", bà Putu phân tích.
Vị chuyên gia này cũng lưu ý, bản chất của loài cá heo là hung dữ và chúng khó chịu khi con người cố ý chạm tay vào cơ thể nó.
Trước đó, một con cá heo mũi chai có tên Moko từng rất nổi tiếng ở New Zealand vào những năm 2000 vì hành vi của nó với con người. Nó từng ngăn cản một người phụ nữ tìm cách bơi trở lại bờ.
Tương tự vào năm 2018, một thị trấn ở Pháp cũng ban hành lệnh cấm bơi ở vùng biển địa phương tạm thời sau khi một con cá heo mũi chai giống đực có tên Zafar thể hiện hành vi tình dục bằng cách cọ sát vào người bơi và tàu thuyền đi trên mặt nước.
Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và du khách, hiện chính quyền Nhật Bản thử nghiệm một số biện pháp ngăn ngừa các cuộc tấn công. Họ lắp đặt các thiết bị âm thanh dưới nước để phát ra tần số cao nhằm xua đuổi cá heo, đồng thời dựng biển cảnh báo rằng chúng có thể cắn hoặc kéo người bơi xuống nước sâu.
Trước đó, ông Tetsuya Matsuoka, chuyên gia về biển đồng thời là quản lý thủy cung Notojima ở Nanao, cho biết, nhiều người vẫn nhầm tưởng cá heo là loài dễ thương, nhưng dù sao chúng vẫn là động vật hoang dã.
"Đừng cố chạm tay vào chúng bởi đây là loài có bộ răng vô cùng sắc nhọn", ông Tetsuya cảnh báo.