"Bún mắng, cháo chửi" thách thức Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng của Hà Nội

(Dân trí) - (Dân trí) -Theo PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, những vị khách chấp nhận cung cách phục vụ kém chỉ để được thưởng thức một món ăn ngon cần phải xem lại mình. Tại sao lại phải hạ thấp mình, chấp nhận kiểu phục vụ như thế chỉ để đổi lấy một bữa ăn ngon?

Quyền lực mạnh mẽ của người tiêu dùng

Sau khi Dân trí đăng tải bài viết về cách phục vụ thô lỗ, thiếu văn hóa của một số quán ăn nức tiếng Hà Nội, rất nhiều ý kiến bày tỏ bức xúc. Còn riêng ông, cảm xúc của ông thế nào khi xem những hình ảnh chủ quán bún văng tục, chửi bậy với khách?

Tôi không phải là người Hà Nội gốc nhưng cũng sống ở Hà Nội được hơn 50 năm. Vì thế, tình yêu tôi dành cho Thủ đô cũng không khác gì những người sinh ra ở Hà Nội. Câu chuyện “bún mắng, cháo chửi” không phải là mới mà đã diễn ra nhiều năm. Đây thực sự là điều rất đáng buồn, đáng tiếc nhất là khi hiện tượng lệch chuẩn này lại diễn ra giữa Thủ đô, nơi được coi là trung tâm văn hóa – kinh tế - chính trị của cả nước.

Người xưa vẫn có câu “lời chào, cao hơn mẫm cỗ”, tôi không hiểu vì sao chỉ vì “mâm cỗ ngon” mà nhiều người lại bất chấp, để người ta xúc phạm mình như thế. Tôi nghĩ, những vị khách có lòng tự trọng chắc chắn họ không bao giờ bước chân vào những quán ăn kém văn hóa như thế!

Bún mắng, cháo chửi thách thức Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng của Hà Nội - 1

PGS.TS Lê Quý Đức, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển cho rằng sự tồn tại của những quán ăn có hiện tượng "bún mắng, cháo chửi" là một điều đáng buồn và rất đáng tiếc ở Hà Nội.

Chúng ta từ trước đến nay, vẫn hay lên án, phê phán người bán hàng nhưng tôi cho rằng, ngay cả bản thân những vị khách chấp nhận vào đây ăn cũng nên xem lại mình. Tại sao lại phải hạ thấp mình, chấp nhận kiểu phục vụ như thế chỉ để đổi lấy một bữa ăn ngon?

Phải nên hiểu rằng, “cái ăn” của mình không chỉ giúp mình thỏa mãn món ăn, “cái ăn” đó còn phải góp phần làm cho người chủ quán phục vụ tốt hơn và làm cho văn hóa tiêu dùng văn minh hơn.

Bản thân ông đã từng bao giờ đi ăn gặp trường hợp chủ quán thiếu thân thiện với khách hàng thậm chí là là cư xử thiếu lịch sự chưa? Với những trường hợp như vậy, ông nghĩ mình sẽ ứng xử ra sao?

Tôi chưa đi ăn ở những quán “bún mắng, cháo chửi” bao giờ, và chắc chắn cũng không có ý định nếm thử đồ ăn ở đây. Tuy nhiên, trong một vài lần đi ăn, tôi cũng có bắt gặp, chứng kiến cảnh chủ quán và nhân viên ứng xử với khách chưa tốt như: thiếu lịch sự, ăn nói bỗ bã hoặc văng tục, chửi bậy với người khác trong quán.

Trong những tình huống đó, thú thật bản thân tôi cảm thấy rất khó chịu, thấy bữa ăn của mình cũng kém ngon miệng. Ngay cả việc đi ăn hàng, mà gặp người ngồi bên cạnh nói to, ồn ào, văng tục tôi cũng đã thấy không thoải mái và không muốn ngồi lâu.

Bún mắng, cháo chửi thách thức Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng của Hà Nội - 2

Sự tồn tại của những quán ăn có hành vi xấu xí, cư xử thô lỗ với khách có phần lỗi đến từ khách hàng khi họ chấp nhận kiểu phục vụ kém chỉ để đánh đổi một bữa ăn ngon.

Vì thế, nếu bị bà chủ quán nói mát mẻ, chửi tục thì chắc chắn là tôi sẽ không chấp nhận. Có thể tôi sẽ nhẹ nhàng góp ý nếu bà chủ thiện chí, rồi đứng dậy ra về. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ không có lần thứ 2 tôi quay lại quán ăn đó.

Trên thế giới, những cửa hàng, doanh nghiệp làm ăn không tốt, gian dối, vi phạm pháp luật vẫn thường bị người tiêu dùng tẩy chay, đó là quyền lực mạnh mẽ thể hiện thái độ của người mua. Không ai có thể đi cãi nhau, tranh luận với bà bán bún, bán phở làm gì!

“Sự dễ dãi khiến những quán bún mắng cháo chửi ngày một đông khách”

Rõ ràng bún mắng, cháo chửi không phải là mới thế nhưng theo ông tại sao kiểu phục vụ lạ đời này vẫn tồn tại cho đến nay. Thậm chí, tại nhiều hàng quán, người ta phải chen chúc, xếp hàng...?

Sự tồn tại của những quán bún mắng, cháo chửi trước hết là do nhận thức của những người bán hàng kém. Ban đầu, họ văng tục, chửi bậy có thể là do “vô thức” nhưng sau đó, thấy khách không phản ứng, thì thành thói quen. Thậm chí, có nhiều nơi, người bán hàng còn tự hào, xem đây là cung cách phục vụ độc đáo, để thu hút khách đến quán ăn của mình.

Mặt khác, chính sự dễ dãi của những khách hàng cũng góp phần làm cho những quán ăn như thế này tồn tại. Họ chấp nhận thưởng thức một tô bún, tô phở ngon nhưng lại bị xúc phạm về tinh thần.

Ở đây, theo tôi những vị khách đó dường như đã đề cao lợi ích vật chất hơn là nhu cầu được phục vụ tốt về mặt tinh thần. Đấy chưa thể gọi là thưởng thức ẩm thực. Một món ăn ngon như cụ Tản Đà nói rồi: “Đồ ăn ngon, giờ ăn ngon, chỗ ngồi ăn ngon và người cùng ăn phải ngon”. Nếu xét ra theo tiêu chí này thì nhiều quán ăn được đánh giá là ngon “nức tiếng” ở Hà Nội cũng chưa thể gọi là “ngon” theo đúng nghĩa.

Bún mắng, cháo chửi thách thức Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng của Hà Nội - 3

Hiện tượng "bún mắng, cháo chửi" tuy không phải là phổ biến, đại diện cho cách phục vụ ở Hà Nội những rõ ràng nó đã làm xấu xí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến bộ mặt Thủ đô. 

Trong vô vàn những bình luận về hiện tượng phục vụ ngược đời này, rất nhiều bạn đọc đã đặt câu hỏi: Tại sao ở nhiều địa phương, thành phố du lịch đông đúc khác không có “bún mắng, cháo chửi” mà hiện tượng này lại chỉ phổ biến ở Hà Nội?”. Là người nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa, bản thân có suy nghĩ gì?

Tôi đã đi và thấy rằng ở một vài nơi như Sài Gòn hoặc Đà Nẵng, đúng là chất lượng phục vụ của họ có tốt hơn, người bán cũng cư xử lịch sự, thân thiện với khách hàng hơn.

Nhiều người đã từng lý giải rằng, hiện tượng “bún mắng, cháo chửi” của Hà Nội là do chúng ta bị ảnh hưởng của một thời kỳ bao cấp kéo dài. Khi đó, hàng hóa khan hiếm, người bán hàng coi người mua “như ban ơn, phát huệ”, lâu dần cung cách phục vụ này ăn sâu và còn rơi rớt lại cho đến tận bây giờ.

Tuy nhiên, điều này không hẳn đúng. Đô thị của Hà Nội xuất phát từ nền kinh tế tiểu nông, sản xuất nhỏ, chịu ảnh hưởng của văn hóa nông thôn tràn vào. Trong khi Sài Gòn là đô thị thương mại, công nghiệp vận động theo quy luật kinh tế thị trường. Sự khác nhau này cũng dẫn đến cách ứng xử khác nhau trong cung cách phục vụ. Một bên là coi khách hàng như thượng đế, đề cao khách hàng, làm mọi cách giữ chân khách hàng, còn một bên bán hàng “như ban ơn, phát huệ”.

Cũng phải nói thêm rằng, những quán bún, quán phở nổi tiếng ở Hà Nội xưa thì ban đầu cũng xuất phát từ sự gồng gánh của những người nhà quê, ở nông thôn mang ra phố bán. Ngoài đồ ăn, họ mang theo cả cách ứng xử, thói quen phục vụ "suồng sã”,  lâu dần trở thành phong cách bán hàng quen thuộc với khách.  

"Bún mắng, cháo chửi" cần phải điều chỉnh và xóa bỏ

Cần tẩy chay những quán “bún mắng, cháo chửi” coi thường khách hàng!

Hà Nội đã từng nhiều lần quyết liệt, tuyên bố sẽ xóa sổ bún mắng cháo chửi. Năm 2017 UBND TP cũng ban hành Bộ quy tắc văn hóa ứng xử nơi công cộng. Tuy nhiên, đến giờ hiện tượng xấu xí này vẫn tồn tại. Phải chăng chúng ta chưa có chế tài xử phạt quyết liệt dẫn đến những chủ quán này “nhờn” và vẫn tiếp tục tái diễn?

Trước đây, khi Hà Nội ban hành Bộ quy tắc ứng xử, tôi là người rất ủng hộ. Bộ quy tắc này thể hiện thái độ kiên quyết của Hà Nội đối với những hiện tượng lệch chuẩn, xấu xí. Nó cảnh tỉnh, giác ngộ và gợi mở cho cách ứng xử của người Hà Nội.

Tuy nhiên, để xóa bỏ hoàn toàn những quán “bún mắng, cháo chửi”, không chỉ cần nỗ lực của các cơ quan, đoàn thể mà cần phải sự quyết tâm, nhận thức của người dân. Chúng ta phải mạnh mẽ lên án, tẩy chay, thể hiện thái độ không đồng tình với cách ứng xử coi thường khách hàng, kém văn hóa của người bán. Tôi tin rằng chỉ cần người tiêu dùng có nhận thức đúng đắn, lên án, bài trừ kiên quyết không bước chân vào những quán ăn “bún mắng, cháo chửi” thì chắc chắn hiện tượng xấu xí này sẽ tự khắc bị xóa sổ.

Đặc biệt, nếu tuyên truyền, vận động thuyết phục mãi mà những quán ăn có hiện tượng trên không thay đổi, chấn chỉnh thì các cơ quan chức năng cũng phải có biện pháp quyết liệt hơn đó là xử phạt, đình chỉ thậm chí tước giấy phép. Không nên để một hiện tượng xấu xí, phản cảm ảnh hưởng đến hình ảnh con người, du lịch của Hà Nội, tồn tại trong bao nhiêu năm như vậy.

Chia sẻ với Dân trí, bà Bùi Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở văn hóa Hà Nội cho rằng, sau khi những hiện tượng phản cảm trên được báo chí thông tin, dư luận phản ánh Sở văn hóa Thể thao Hà Nội cũng có ra các văn bản yêu cầu các cấp chính quyền chấn chỉnh và đưa ra các biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ để xóa bỏ (?).

Hiện nay, Hà Nội đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng, chúng ta cũng hướng đến xây dựng hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thì những hiện tượng “lệch chuẩn”, người bán văng tục, chửi bậy, cư xử thô lỗ với khách hàng càng phải được thay đổi và điều chỉnh.

“Trong nội dung của Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng nói rõ là phải ứng xử nhã nhặn, lịch thiệp, những hành vi không nên làm là nói tục, chửi bậy và xúc phạm danh dự của người khác. Trong thời gian tới những cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương mà có người quán ăn, hiện tượng như thế thì cũng phải tuyên truyền vận động và có những chế tài để xử lý vi phạm, không để hiện tượng này tái diễn”, bà Hiền khẳng định.

Trước đó, vào năm 2017, Hà Nội ban hành Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng. Mục đích là từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, xây dựng Thành phố văn minh, hiện đại. Đồng thời góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Hà Trang - Đỗ Quân