Bữa cơm chiều 30 Tết
Mỗi năm có nhiều ngày lễ tết nhưng Tết Nguyên đán vẫn hồi hộp và náo nức nhất. Chúng tôi được may quần áo mới, bố mẹ tôi dành dụm cả năm trời để đến tết mua cho con mỗi đứa một bộ quần áo.
Nhưng, thích nhất là mẹ tôi chuẩn bị gói bánh chưng, tôi và em Hạnh rửa lá dong, đỗ xanh ngâm xong đãi cho sạch vỏ, gạo nếp ngâm xong vớt ra, cho muối tinh vào xóc đều, thịt lợn ướp muối tiêu, đỗ xanh đồ trong chõ, chín nục, dỡ ra cho vào cối giã mịn. Nắm mỗi nắm đỗ trong tay cố cho to đều nhau, thỉnh thoảng tôi và các em lại nhón mấy hạt đỗ chín chưa giã, ăn, bùi thơm ngon ghê.
Ðể cái mẹt bên dưới, mẹ kê ghế đẩu thấp ngồi, bên phải để lá dong, bên trái để gạo, đỗ, trên mẹt để thịt ướp muối tiêu thái to. Chúng tôi xúm xít ngồi quanh, gần nhau sát sạt cho nhìn kỹ và cũng để ấm hơn.
Mẹ trải lá ngang, lá dọc, để 4 sợi lạt tre đã ngâm nước cho dẻo ở bên dưới, đầu tiên đổ một bát con gạo nếp dàn ra, rồi bẻ nửa bánh đỗ xanh dàn ra, cho miếng thịt vào giữa, cho nửa bánh đậu xanh lên trên dàn ra, đổ một bát con gạo nếp lên trên dàn ra xong mới gói, bà gói một hồi thành cái bánh chưng lá dong xanh thẫm, buộc 4 sợi lạt vuông góc chành chạnh. Xem mẹ gói, chúng tôi bắt đầu ỉ ôi đòi gói đến khi mẹ đồng ý.
Thế là chúng tôi lấy lá, bắt chước mẹ, mỗi đứa tự gói chiếc bánh của mình. Những chiếc bánh bé tí, méo xẹo được chúng tôi chăm chút cẩn thận gói, đánh dấu riêng của từng đứa xong để sang một bên, nhìn mẹ gói thêm mấy cái bánh chưng ngọt nữa, nhân vẫn y như thế, riêng đậu xanh bà trộn thêm đường cát vàng. Gói xong, buộc thêm một lạt màu điều thì biết ngay là bánh chưng nhân ngọt.
Bánh chưng xếp vào nồi đồng to, bếp đặt giữa sân, đun bằng trấu và củi to, bên cạnh bếp để nồi nước cho nóng, cứ đun bánh một hồi lại đổ thêm nước nóng ở nồi bên vào nồi bánh, lửa cháy hồng rực, trấu cháy ngun ngún, cứ thế đun suốt đêm. Chúng tôi ngồi xung quanh bếp lửa cho đến lúc díp hết mắt lại ngủ gà ngủ gật, mẹ bế em Tuấn (con út) vào nhà, nói chúng tôi vào nhà ngủ đi sáng mai dỡ bánh chưng sẽ gọi các con dậy. Chúng tôi gà gật vào nhà, lạnh quá, chui tọt vào chăn ngủ say tít ngay.
Sáng hôm sau, mẹ gọi. Chúng tôi vẫn cố rúc vào chăn không chịu dậy, mẹ lại gọi:
- Dậy đi, bánh chưng chín rồi!
Chúng tôi nhất loạt choàng ngay dậy, mắt nhắm mắt mở lao ngay ra nồi bánh chưng. Bánh vớt ra rổ tre để nguội, mẹ xếp vào mâm, đặt các vật nặng lên trên ép cho bánh săn chắc.
Việc quan trọng nhất của tết đã xong, đến lượt nấu măng, gói giò thủ, làm thịt bò kho, bóng thả, miến, nem, hạnh nhân, mọc, thịt nấu đông…
Món ăn ngày tết, mẹ tôi nấu mà tôi đã học được từ bà, cho đến bây giờ, cứ tết về là tôi lại làm những món như mẹ tôi đã làm để cúng ông bà, tổ tiên. Tôi không gói được bánh chưng, tết đến là phải mua bánh chưng và giò thủ.
Phần trang trí nhà ngày tết do bố tôi đảm nhiệm, ông cùng mấy con trai kê kê, dọn dọn, bưng lên, hạ xuống, xếp lại chỗ này, bày lại chỗ kia, loáng cái nhà đã đẹp ơi là đẹp.
Cái đôn gỗ cao, trên đặt chậu chi mai trắng toát, nhị đỏ điều nghiêng nghiêng, đối diện cây hoa đá rủ cành xanh phấn mọng; này chậu cúc đại đoá tím huyết dụ buông cánh uốn tròn lộ ra màu tím phớt hồng nhạt bên góc bàn. Chậu thanh lan, mạc lan lá xanh ngắt, hoa vươn cao thơm thoang thoảng, thêm chậu cúc vàng cánh hoa xoắn tít cuộn vào nhau, bên ngoài những cánh hoa xoà xuống như đan bằng tơ vàng; ngoài sân hàng thống màu nuôi đàn cá các loại đầu trắng, đầu đỏ, mắt đen lồi ra, đuôi to hệt chùm lưới xoè rộng bơi lượn lờ, lồng chim hoạ mi, vành khuyên và cu gáy hoà tiếng hót, trên tường bố tôi treo tranh của các con. Hai bên cánh cửa ra vào bố tôi treo tranh Ðông Hồ, lúc thì em bé ôm gà, ôm vịt; lúc đàn lợn mẹ con, đám cưới chuột; khi bức tranh lũ trẻ hái đào, Lý ngư vọng nguyệt. Bàn thờ lau chùi cẩn thận, bày mâm bồng ngũ quả, bánh chưng, mứt tết, chai rượu, phong thuốc lá…
Tất cả hoa, chim, cá đều là bố tôi tự trồng, tự nuôi. Bày xong phần “đại cục” bố tôi bắt đầu đi tìm “điểm nhấn” quan trọng. Ðiểm nhấn của bố tôi là cành đào phai và quả phật thủ.
Cứ nhẩn nha trước tết cả tuần, bố tôi ra chợ hoa, ông cứ đi đi về về, chẳng mua được gì, rồi ông khệ nệ mang về cành đào phai, tán xoè thế nghiêng ngả tự nhiên, đào phai nở xen lẫn nụ, hoa màu phấn hồng nhẹ, cánh mỏng hai ba lớp, nhị vàng, nở thấp thoáng, thế đào tự nhiên. Ông không thích đào cứ có một gốc, xong bên trên lùm lùm một chùm tròn ủm, nở màu hồng gắt, thế đào không tự nhiên, gần như cây nào cũng như cây nào giống nhau hàng loạt.
Nhà tôi dù chuẩn bị đủ mọi thứ mà bố chưa chọn được cành đào ưng ý là chưa xong, chỉ khi cành đào phai bố mang về rồi, đốt gốc đào xong, lấy lọ sành nâu to, cắm vào, để cạnh bàn thờ, phòng bỗng sáng rực lên, đúng là đào đã mang tết đích thực về nhà tôi rồi!
Bố tôi cắm đào xong, pha ấm trà Tàu, ngồi rít điếu thuốc lào, phà khói, uống ngụm nước trà xong, ngắm cành đào, thở phào một tiếng, yên tâm rồi. Rồi chúng tôi bắt đầu được nếm bánh chưng, mỗi đứa bóc bánh của mình ra, cả nhà cùng ăn, bánh chưng nóng hôi hổi.
Chiều 30 Tết nào, nhà tôi đun nồi nước to, mùi thơm ngào ngạt, cả nhà lần lượt tắm nước mùi.
Bố tắm trước, rồi đến chúng tôi, sau cùng là mẹ. Bố mẹ bảo:
- Tắm lá mùi để xả hết mọi thứ không tốt của năm trước, giữ mình thơm tho sạch sẽ đón năm mới tốt lành các con ạ.
Chúng tôi lần lượt tắm, người cứ thơm nức, thay quần áo mới xúng xính hồi hộp đợi giao thừa, đợi bố mẹ mừng tuổi, đợi đốt pháo, đợi đón năm mới sang, đợi cả nhà cùng nhau quần tụ ngồi vào mâm cỗ tất niên, thế nào cũng có: Gà luộc, canh măng, canh bóng thả, nem, giò chả, hạnh nhân xào. Thịt bò kho đặc biệt mẹ tôi làm: Bắp bò xẻ ra, gừng thái chỉ, hạt tiêu đen đập giập, thịt ba chỉ thái chỉ ướp muối tiêu, tất cả cho vào trong bắp bò, lấy lạt buộc thật chặt kho với gừng thái miếng, khi ăn cắt ra, miếng thịt bò như những bông hoa, nhân trắng vàng ở trong, bên ngoài bọc bởi thịt bò, mùi gừng, mùi tiêu lẫn mùi thịt bò thơm nức. Sau này, tôi học mẹ tôi làm nhiều món, nhưng tôi chẳng thể nấu ngon được bằng mẹ tôi.
Cả nhà thơm hương lá mùi, ai cũng thơm tho sạch sẽ, hồng hào, hớn hở, mắt mở to, háo hức chờ đợi năm mới tốt lành hơn năm cũ sẽ đến với chúng tôi và mọi người.
Hoạ sĩ: Nguyễn Thị Hiền
Theo Dân Việt