"Bữa cơm 0 đồng" dành cho hàng trăm người dân vùng cao Đắk Nông
(Dân trí) - Những bữa cơm trưa được phục vụ miễn phí đã làm ấm lòng hàng trăm người dân khó khăn huyện Đắk R'Lấp. Tất cả kinh phí để duy trì bữa ăn đều được các thành viên kêu gọi, vận động các mạnh thường quân.
Từ sáng sớm, "Nhà ăn không đồng Nhất Tâm" (thôn 11, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông) đã rộn ràng vui vẻ, tiếng nói, tiếng cười của các cô, các bác đang tất bật chuẩn bị bữa cơm trưa.
Những món chay bình dị, nhưng không kém phần hấp dẫn như mít kho dầu hào, rau củ xào sả ớt và canh nấm cà chua… được mọi người chuẩn bị kỹ lưỡng từ nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm.
Miệng nói tay làm, mỗi người mỗi việc, tất cả đều rất khẩn trương để hoàn thành 200 phần cơm chay trước 10 giờ 30 phút.
Bà Nguyễn Thị Kim Tuyết, người có ý tưởng sáng lập nhà ăn chia sẻ, mỗi lần thấy các cháu nhỏ học ngày 2 buổi xa nhà phải mang cơm theo để ăn, hay những người bán vé số, xe ôm chỉ ăn ổ bánh mì nguội lạnh cho qua bữa.
Từ đó, bà đã nảy ra ý tưởng nấu bữa cơm trưa cho người nghèo. Ý tưởng này được bà Tuyết bàn với những người bạn và được mọi người vui vẻ ủng hộ.
Sau đó, nhóm của bà Tuyết đã kết nói và kêu gọi từ TP.HCM khoảng 150 triệu đồng để trang bị lò hấp cơm, bếp, tủ kính và bàn ghế phục vụ cho bà con nhân dân. Những người đứng bếp trực tiếp nấu ăn đều là người dân địa phương và không nhận thù lao.
Chủ nhân của bếp ăn chia sẻ thêm, ban đầu hoạt động, nhà ăn chủ yếu huy động sự đóng góp của những người sáng lập và 20 thành viên tham gia phục vụ. Thế rồi, tiếng lành đồn xa, chỉ sau gần 1 tháng đỏ lửa, nhà ăn đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài huyện.
"Người có tiền giúp tiền, người có gạo giúp gạo, có người cho trái cây, thực phẩm, đồ gia vị, góp phần giúp những bữa cơm chay luôn ngon miệng, đủ đầy. Đặc biệt nhất là góp phần duy trì đều đặn mỗi ngày những bữa cơm không đồng này", bà Tuyết nói.
Bữa cơm ấm lòng người khó khăn
Khoảng 10 giờ 30 phút, những thực khách đầu tiên bắt đầu xuất hiện tại nhà ăn. Đó là những em nhỏ đi học xa nhà, học sinh dân tộc thiểu số, người nghèo, người già neo đơn, người lao động thu nhập thấp, khách vãng lai lỡ bữa.
Đến với nhà ăn, bất kể là ai, đến từ đâu cũng đều cảm nhận được sự thân thiện, gần gũi của những lời chào đon đả, ánh mắt ân cần, trìu mến. Có lẽ vì thế mà món ăn chay dù giản đơn nhưng được mọi người ăn vui vẻ, ai cũng khen ngon, khiến người nấu vui lòng, còn người ăn cũng ấm lòng.
Em Nguyễn Thị Yến Nhi, học sinh Trường THCS Nguyễn Công Trứ (xã Nhân Cơ, huyện Đắk R'Lấp) cho biết: "Nhà ở xa trường nên trước đây, em thường mang cơm theo để ăn trưa rồi ở lại học luôn đến chiều mới về. Nhưng từ ngày được cô giáo chỉ cho biết nhà ăn này, thì cả tuần nay, chúng em đều rủ nhau đến đây ăn cơm".
Ông Trần Văn Hạnh chạy xe ôm (xã Đắk Wer, huyện Đắk R'lấp) vừa ăn cơm vừa tâm sự, hoàn cảnh đơn độc, không có ai nương tựa nên hàng ngày ông Hạnh mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm kiếm sống qua ngày. Từ khi taxi về địa bàn hoạt động rồi xe dịch vụ nên khách đi xe ôm rất ít, bữa được bữa mất.
"Một đĩa cơm giờ đã 30.000 đồng rồi nên nhiều khi đành ăn bánh mì cầm hơi. Thế nhưng, từ ngày có bếp cơm không đồng, tôi ngày nào cũng ghé ăn. Cơm nấu rất ngon mà anh chị em ở đây còn nhiệt tình tiếp đón nên tôi cũng đỡ ngại. Quan trọng nữa là tôi có thể để dành được ít tiền lo thuốc thang lỡ may đau ốm", ông Hạnh tâm sự.
Ông Nguyễn Quang Huy, người đồng ý tưởng sáng lập "Nhà ăn không đồng" cho biết, hiện tại, nhà ăn đang duy trì hoạt động 5 ngày/ tuần, từ thứ 2 - thứ 6.
Khi mọi người đến với nhà ăn, nhất là học sinh, bếp ăn không đơn thuần chỉ là phục vụ bữa ăn mà còn muốn gieo vào tâm hồn các em tấm lòng thiện nguyện, biết yêu thương, giúp đỡ người khó khăn.