Bỏ tiền triệu mua “hàng hiệu” cho người cõi âm

Rằm tháng Bảy càng đến gần, không khí mua bán hàng mã cho người cõi âm càng nhộn nhịp. Năm nay, các mặt hàng như điện thoại iphone, xe SH, ô tô BMW, biệt thự… đang được ưa chuộng. Để có đủ bộ “hàng hiệu” tặng người cõi âm, người cõi dương phải bỏ cả bạc triệu mua hàng để hóa.

Xe máy hàng mã. Ảnh: Chí Toàn
Xe máy hàng mã. Ảnh: Chí Toàn

Bỏ cả chục triệu đồng mua hàng mã

Đến làng làm hàng mã Văn Hội (xã Văn Binh, huyện Thường Tín, Hà Nội), chúng tôi chứng kiến cảnh người, xe tấp nập ra, vào, hàng mã tập kết dọc đường làng. Dạo một vòng quanh làng, chúng tôi thấy hầu hết những món đồ hàng mã ở đây đều là “hàng hiệu”, như: điện thoại Iphone 6S, ô tô BMW, biệt thự sang trọng, thậm chí cả... máy bay!

Theo tìm hiểu của chúng tôi, có tới hơn 800 hộ dân ở ngôi làng này sống nhờ nghề “bán đồ giả, lấy tiền thật”. Người dân ở đây có thể làm ra bất cứ loại hàng mã nào khi có khách đặt, kể cả những mẫu mới, mẫu khó... Tất nhiên, để trả tiền cho những mẫu hàng “độc”, hàng mới thì khách phải “chi đẹp” vì giá thành rất đắt.

Ông Lê Văn Có, chủ một cửa hàng bán đồ mã ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chuyên cất sỉ hàng tại làng Văn Hội cho biết: “Thời gian gần, cứ một tuần/lần tôi lại phải đánh xe tải xuống làng Văn Hội để nhập hàng với số tiền từ 40 - 50 triệu đồng. Người ta bây giờ thích đốt “hàng hiệu” cho người cõi âm. Chuyện người cõi âm có nhận được hay không, tôi không biết, nhưng theo nghề này nên khách có cầu thì mình cứ đáp ứng”. Theo ông Có, khách hàng của ông có khá nhiều gia đình từng bỏ ra cả chục triệu đồng/lần để mua hàng mã đốt cho người cõi âm.

Rời làng Văn Hội, chúng tôi đến trung tâm hàng mã Hà Nội - phố Hàng Mã. Một phụ nữ khoảng 50 tuổi đang lom khom ngắm cả dãy xe máy hàng mã, nhưng chưa quyết định chọn chiếc nào. Ông chủ cửa hàng nhanh nhảu: “Chị chọn xe cho ai?”. “Cho chồng tôi”, chị khách trả lời. “Lúc còn sống đi xe máy chán rồi, sao chị không đốt cho bác ấy cái ô tô? Hàng của tôi toàn ô tô siêu sang như Rolls-Royce, Lexus, Mercedes… giá từ 50.000 - 500.000 đồng/chiếc”.

Không chỉ giới thiệu cho khách bộ mã xe hơi đắt tiền, ông chủ cửa hàng còn giới thiệu cho khách bộ mã các sản phẩm hóa mỹ phẩm khá đa dạng, như: dầu gội, nước hoa đắt tiền… “Khi còn sống ai cũng có cái vất vả riêng nên lúc chết để cho bác ấy được hưởng thụ chút cho toại nguyện”, ông chủ hàng cửa hàng bồi thêm.

“Hàng hiệu” giá cao vẫn bán chạy

Qua khảo sát của chúng tôi, các loại “hàng hiệu” cho người cõi âm khá đa dạng, bóng bẩy hơn những năm trước. Giá cả cũng được điều chỉnh, tăng thêm khoảng 10-15% so với trước đây. Chẳng hạn, giá quần áo truyền thống loại “xịn” giao động từ 60.000 - 100.000 đồng/bộ; Bộ trang sức gồm đồng hồ, nhẫn, dây chuyền, thắt lưng, điện thoại thông minh… có giá 30.000 - 40.000 đồng/bộ; Bộ váy thời trang có giá khá cao, từ 170.000 - 250.000 đồng/bộ…

Bán chạy nhất trong số những loại “hàng hiệu” này là các loại “điện thoại cao cấp” như Iphone 5, Iphone 6 với giá 120.000 – 150.000 đồng/bộ gồm cả tai nghe, dây sạc và ổ cắm; Máy tính bảng Ipad có giá 200.000 đồng/chiếc; Laptop của các hàng Acer, HP, Sony… với giá từ 70.000 - 100.000 đồng/chiếc… Theo quan sát của chúng tôi thì hầu hết khách hàng đều chọn “đồ sang” để hóa cho người đã khuất.

Cũng chọn đồ mã toàn “hàng hiệu”, chị Nguyễn Kim Thu (ở phố Láng Hạ) đi sắm đồ cho người cõi âm ở phố Hàng Mã bày tỏ: “Tôi theo quan điểm “trần sao âm vậy” nên ngoài quần áo, tiền, bạc, phải có điều hòa, ti vi LCD, ô tô, xe máy, Iphone, máy tính bảng... Chỉ cần lúc hóa vàng rắc thêm tí rượu, nhờ các “quan chức năng” dưới đó chuyển hàng đến đúng địa chỉ thì người thân sẽ nhận được”.

Cũng theo chia sẻ của chị Thu, gia đình chị không thuộc diện dư giả nhưng cả năm chỉ có một ngày Rằm tháng Bảy nên vẫn muốn biếu, muốn cúng các cụ tươm tất, chu đáo. Một bộ hàng “bình dân” đầy đủ cũng hết hơn 1 triệu đồng, nếu mua thêm các món hàng “công nghệ cao” sẽ phải hết thêm bằng đó tiền nữa. “Biết là tốn kém nhưng tôi thấy lòng mình yên ổn”, chị Thu chia sẻ.

Hàng năm, cứ mỗi khi đến “”, không ít người đã vung tiền triệu, thậm chí hàng trăm triệu vào đồ hàng mã, để mong được người âm phù hộ cho tiền tài, địa vị hoặc cầu mong thanh thản. Nhưng nếu vào dịp cúng này, chúng ta chỉ mua bộ quần áo mã hay đặt lên đó một ít tiền vàng và thành tâm tưởng nhớ đến tổ tiên thì đó lại là một nét đẹp trong tâm thức người Việt. Đó cũng là một cách phát huy gìn giữ những giá trị tinh thần truyền thống của mỗi gia đình, nhưng phải tránh thói lãng phí khi chạy theo xu thế đua đòi, khoe khoang!

Hàng mã online cũng hút khách

Không chỉ bán hàng trực tiếp mà hiện nay hàng mã còn được chào bán rất nhiều trên các diễn đàn online. Không ít các mục rao vặt nhận đặt làm hàng mã với những lời giới thiệu rất đáng tin cậy như “Cửa hàng số 3 chợ Khâm Thiên… làm hàng mã lâu năm, nhận đặt các mặt hàng với đầy đủ thể loại, kiểu dáng phong phú, giao hàng tận nhà, đúng hẹn, giá cả hợp lý...”. Với loại hình này, khách hàng chỉ cần đặt trước từ 3 - 5 ngày là có hàng. Sau khi làm xong cửa hàng sẽ giao hàng tận nơi và tính thêm chi phí giao hàng.

Theo Hà Phương

Báo Gia đình & Xã hội