Bố Nhâm Mạnh Dũng đi cày thuê, mẹ làm công nhân từng mong con vào đại học

Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Nhâm Mạnh Dũng học rất giỏi, từng đạt giải học sinh giỏi tỉnh nên vợ chồng ông Ngoan luôn kỳ vọng con cái học hành chăm chỉ, sau này có công ăn việc làm ổn định, thoát nghiệp ruộng đồng.

Dành tặng bàn thắng cho người hâm mộ và bố mẹ

Ngày 23/5, trong căn nhà mái bằng hai gian ở thôn Thanh Long (xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), ông Nhâm Văn Ngoan (50 tuổi) luôn tay rót nước mời khách.

Niềm vui và hạnh phúc hiển hiện rõ trên gương mặt người đàn ông thôn quê chân chất bởi con trai ông - cầu thủ Nhâm Mạnh Dũng vừa trở thành người hùng của bóng đá Việt Nam. Dũng là cầu thủ ghi bàn thắng duy nhất trong trận đấu tối 22/5 giúp Đội tuyển U23 Việt Nam giành huy chương vàng môn bóng đá nam tại SEA Games 31.

Bố Nhâm Mạnh Dũng đi cày thuê, mẹ làm công nhân từng mong con vào đại học - 1

Ông Ngoan tất bật đón tiếp các đoàn khách đến chúc mừng gia đình. (Ảnh: H. A)

Chia sẻ với PV Dân trí, ông Ngoan cho hay, chiều 22/5, gia đình ông gồm 8 thành viên hai bên nội ngoại thuê xe du lịch lên Hà Nội để xem trận chung kết SEA Games 31. Ngồi trên khán đài, ông hồi hộp dõi theo từng đường bóng của các cầu thủ và đặc biệt là của con trai.

Đến gần cuối hiệp 2, khi thấy trận đấu vẫn ở trong thế giằng co, ông vô cùng sốt ruột, chỉ ước Việt Nam sớm có bàn thắng để bù đắp cho công sức của con cùng đồng đội và ban huấn luyện.

"Khi Việt Nam có bàn thắng và lại là bàn thắng do con trai mình ghi, tôi vô cùng vui sướng và xúc động. Đến giờ cảm giác vẫn còn lâng lâng, không diễn tả nổi.

Bố Nhâm Mạnh Dũng đi cày thuê, mẹ làm công nhân từng mong con vào đại học - 2

Ông Nhâm Văn Ngoan vẫn lâng lâng vui sướng khi nhớ lại khoảnh khắc con trai ghi bàn. (Ảnh: H. A)

Khi kết thúc trận đấu, chuẩn bị trao huy chương, Dũng có chạy đến gần khu vực khán đài A để vẫy tay chào gia đình. Cả gia đình tôi cũng chỉ biết chia sẻ niềm vui với con qua ánh mắt và những cái vẫy tay vì khi đó không khí tại sân vận động như bừng cháy, chúng tôi không thể nói gì cũng không thể nghe được gì", ông Ngoan nhớ lại.

Sau khi kết thúc trận đấu, vượt qua biển người "đi bão" mừng chiến thắng, 2h đêm ông Ngoan mới về được quê nhà Thái Bình. Vì quá vui sướng ông không ngủ được nên bật ti vi xem lại trận đấu bóng tới 4h sáng. Lúc này, ông mới có dịp quan sát kỹ hơn bàn thắng của con và nhận thấy đây thực sự là một pha ghi điểm đắt giá.

Bố Nhâm Mạnh Dũng đi cày thuê, mẹ làm công nhân từng mong con vào đại học - 3

Nhâm Mạnh Dũng là người hùng giúp U23 Việt Nam giành HCV SEA Games (Ảnh: Tiến Tuấn).

Người cha này cũng cho biết thêm, trên đường ông về quê, con trai đã liên tục gọi điện cho ông nhưng không hiểu vì lý do gì ông không nhận được cuộc gọi. Sau đó, khoảng 1h sáng, ông nhận được tin nhắn của Nhâm Mạnh Dũng nhắn cảm ơn bố mẹ và gia đình, đồng thời nói muốn tặng bàn thắng quý giá này cho người hâm mộ và bố mẹ.

Bố Nhâm Mạnh Dũng đi cày thuê, mẹ làm công nhân từng mong con vào đại học - 4

Gia đình dành một góc trang trọng để trưng bày huy chương, cúp và bằng khen của Nhâm Mạnh Dũng. (Ảnh: H. A)

Buổi sáng sau ngày con trai lập công, bà Thương vẫn tất tả đi làm. Ở nhà, ông Ngoan khá bất ngờ khi liên tiếp được bà con lối xóm, lãnh đạo các đoàn thể đến chúc mừng.  

Bố lái máy cày thuê, mẹ làm công nhân nên vốn chỉ mong con học chữ

Ngồi trong căn nhà tràn ngập huy chương, bằng khen của con trai, ông Nhâm Văn Ngoan kể rằng, từ nhỏ, Nhâm Mạnh Dũng đã bộc lộ niềm say mê với bóng đá. Hồi 5 tuổi, cứ mỗi lần đến trường mầm non, Dũng lại đòi mang theo trái bóng nhựa. Nếu bố mẹ không đồng ý là sẽ khóc, không chịu đến trường.

Bố Nhâm Mạnh Dũng đi cày thuê, mẹ làm công nhân từng mong con vào đại học - 5

Nhâm Mạnh Dũng và bố. (Ảnh: FBNV)

Sau này lớn lên, ngoài giờ học, cầu thủ quê Thái Bình lúc nào cũng say sưa đá bóng. Nhiều hôm đi làm về, thấy chân tay con bầm giập, sây sát, đầu gối hết lần này đến lần khác bị thương choe choét, vợ chồng ông Ngoan lo lắng lắm.

Sợ con ham chơi bóng quá mà có ngày bị thương nặng hơn, ông Ngoan không kìm được tức giận, đã quát mắng, không cho con chơi nữa. "Có lần tôi còn đập bẹp cả quả bóng của con nhưng Dũng sau đó vẫn lén nắn lại, nhồi thêm ruột vào trong để có bóng chơi với bạn bè", ông Ngoan nhớ lại.

Vợ chồng ông Ngoan vốn là những người nông dân chân chất. Ông Ngoan ngoài việc cấy mấy sào ruộng của gia đình còn sắm máy cày, máy gặt để làm thuê. Mẹ Dũng, bà Vũ Thị Thương (45 tuổi) ngoài việc đồng áng còn làm công nhân cho công ty gần nhà.

Bố Nhâm Mạnh Dũng đi cày thuê, mẹ làm công nhân từng mong con vào đại học - 6

Xa nhà, Nhâm Mạnh Dũng thường gọi điện về trò chuyện với mẹ. (Ảnh: FBNV)

Chính vì vất vả mưu sinh nên cả hai luôn kỳ vọng con cái học hành chăm chỉ, sau này có công ăn việc làm ổn định, thoát nghiệp ruộng đồng cho đỡ vất vả.

Nhâm Văn Dũng từ nhỏ vì thế rất chịu khó học hành. Suốt từ năm lớp 1 đến lớp 5, cầu thủ quê Thái Bình luôn đạt thành tích học sinh giỏi và từng đạt giải ba học sinh giỏi Toán cấp tỉnh.

Học kỳ 1 lớp 5, Nhâm Mạnh Dũng tham gia thi đấu giải bóng đá nhi đồng toàn tỉnh Thái Bình và được các thầy Trường Năng khiếu Thể dục thể thao Thái Bình đánh giá cao.

Cậu bé quê lúa sau đó chuyển lên học ở trường năng khiếu tỉnh 1 năm rồi gia nhập Trung tâm thể thao Viettel, tham gia các câu lạc bộ bóng đá và đi thi đấu nhiều nơi.

Bố Nhâm Mạnh Dũng đi cày thuê, mẹ làm công nhân từng mong con vào đại học - 7

Áo thi đấu và bằng khen của Nhâm Mạnh Dũng được gia đình lưu giữ cẩn thận. (Ảnh: H. A)

Từ đó đến nay, thấm thoắt đã 12 năm Nhâm Mạnh Dũng xa nhà tập luyện, thi đấu.

Chia sẻ về quyết định cho con theo nghiệp quần đùi áo số, ông Nhâm nói: "Thực ra thời gian đầu, vợ chồng tôi cũng phân vân lắm. Trước khi cho con lên thành phố học bóng đá, chúng tôi cũng đã tham khảo ý kiến của rất nhiều người. Cô giáo rồi hiệu trưởng trường tiểu học đều tỏ ra tiếc nuối, khuyên gia đình nên suy nghĩ kỹ vì Dũng học rất giỏi.

Nghĩ đến tương lai lâu dài sau này, chúng tôi cũng chỉ muốn con học tốt có thể vào đại học sau có công việc ổn định.

Sau cùng, vợ chồng tôi xin ý kiến một người bác họ làm trong ngành giáo dục. Bác ấy mới động viên chúng tôi rằng, con trai đã yêu và say mê nghề cầu thủ thì nên tạo điều kiện cho cháu. Cuối cùng chúng tôi cũng đồng ý nghe theo và ủng hộ con".

Những tháng ngày con xa nhà, bà Vũ Thị Thương thường xuyên gọi điện trò chuyện, quan tâm con từng chút từ bữa ăn, giấc ngủ. Nếu con vui vẻ, phấn chấn thì bà yên tâm. Còn nếu thấy gương mặt Dũng buồn bã, ủ rũ… bà lại lo sốt vó, tìm mọi cách hỏi han, hỏi cho ra khúc mắc con đang gặp phải.

Ông Ngoan bảo: "Vì cháu sống xa nhà, chúng tôi cũng chỉ biết quan tâm con bằng cách ấy. Khi nào con về nhà thì "cấm" không cho con đụng chân đụng tay vào việc nhà để cháu có thời gian nghỉ ngơi sau những giờ tập luyện căng thẳng. Biết con thích ăn thịt bò, chúng tôi thường mua và chế biến nhiều món để tẩm bổ cho con".

Bố Nhâm Mạnh Dũng đi cày thuê, mẹ làm công nhân từng mong con vào đại học - 8

Ngôi nhà nhỏ của gia đình Nhâm Mạnh Dũng ở Thái Bình. (Ảnh: H. A)

Dũng xa nhà từ nhỏ và tham gia tập huấn, thi đấu ở nhiều nơi cùng các câu lạc bộ của Viettel. Mỗi lần con thi đấu ở tỉnh thành miền Bắc như Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nội… vợ chồng ông Ngoan lại cố gắng sắp xếp công việc đi cổ vũ, động viên con.

Cũng theo chia sẻ của ông Ngoan, Nhâm Mạnh Dũng là người trầm tính, không quá sôi nổi nhưng sống rất tình cảm và yêu thương gia đình. Dũng xa nhà từ mùng 4 Tết đến nay. Suốt hơn 4 tháng vợ chồng ông không được gặp mặt con. Dù tập luyện, thi đấu bận rộn nhưng Dũng thường tranh thủ gọi điện về nói chuyện với bố mẹ, bà nội và anh trai…

Bố Nhâm Mạnh Dũng đi cày thuê, mẹ làm công nhân từng mong con vào đại học - 9

Vợ chồng ông Ngoan luôn dõi theo ủng hộ con. (Ảnh: FBNV)

Nói về kế hoạch ăn mừng chiến thắng của con trai, ông Ngoan cho hay: "Gia đình không lớn thì nhỏ chắc chắn sẽ tổ chức một bữa liên hoan để mời anh em cùng bà con lối xóm tới chung vui. Bác trưởng họ còn nói sẽ tổ chức một buổi vinh danh kết hợp khích lệ phong trào khuyến học của họ".

Hiện tại, Nhâm Mạnh Dũng vẫn đang bận rộn với các hoạt động hậu SEA Games. Theo chia sẻ của gia đình, cầu thủ dự kiến về thăm nhà vào khoảng cuối tháng 6 này. Khi đó cả gia đình mới có dịp gặp gỡ, trò chuyện trực tiếp sau nhiều tháng ngày xa cách.