Bỏ nghề cầu đường, chàng kỹ sư kiếm tiền tỷ từ sản xuất hương trầm

(Dân trí) - Từng lăn lộn với nghề kỹ sư cầu đường, anh Nguyễn Đình Kỳ Nam (Quảng Nam) đột ngột chuyển sang nghề làm hương trầm. Sau không ít gian nan, anh đã có thu nhập cao và tạo việc làm cho nhiều người.

Dám chấp nhận thử thách và sáng tạo là điều người ta nhận xét về anh Nguyễn Đình Kỳ Nam (SN 1980, thôn Bàng Tân, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam).

Câu chuyện khởi nghiệp của anh bắt đầu từ năm 2014. Khi đó, anh Kỳ Nam quyết tâm rời phố về quê kế thừa nghề làm hương trầm truyền thống của gia đình trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Bởi lúc đó, anh đang là kỹ sư cầu đường với mức thu nhập cao từ công việc.

Bỏ nghề cầu đường, chàng kỹ sư kiếm tiền tỷ từ sản xuất hương trầm - 1

Anh Nguyễn Đình Kỳ Nam- kỹ sư bỏ phố về quê với nghề sản xuất hương trầm truyền thống cho thu nhập cao

Trên cơ sở sẵn có của gia đình, anh phát triển thêm quy mô xưởng, đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại vào sản xuất và tập hợp những người thợ lành nghề tại địa phương.

Bỏ nghề cầu đường, chàng kỹ sư kiếm tiền tỷ từ sản xuất hương trầm - 2
Bỏ nghề cầu đường, chàng kỹ sư kiếm tiền tỷ từ sản xuất hương trầm - 3

Trên cơ sở gia đình, anh mở rộng thêm quy mô và đầu tư máy móc hiện đại để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm

Chia sẻ về quyết định của mình, anh Kỳ Nam nói: “Nhiều năm bôn ba làm việc ở thành phố khiến tôi cũng mỏi mệt, muốn quay về quê. Lúc đầu cũng băn khoăn, nhưng được sự động viên của cha mẹ, tôi định hướng chú trọng phát triển nghề hương trầm truyền thống của gia đình. Tên Kỳ Nam của tôi cũng có ý nghĩa rất đặc biệt, nó như cơ duyên để mình gắn với nghề trầm hương vậy”.

Theo anh Kỳ Nam, nghề làm hương trầm không quá khó nhưng đòi hỏi người thợ phải thật cẩn thận, tỉ mỉ và dày dạn kinh nghiệm cùng với máy móc hiện đại để cho ra các sản phẩm chất lượng.

Bột hương trầm được làm từ trầm hương miếng, trầm sánh, hay từ gỗ trầm hương được nghiền nát và xay mịn. Bột hương trầm khi xay ra được xử lí làm khô và được trộn cùng bột cây bời lời với chất keo tự nhiên. 

Bỏ nghề cầu đường, chàng kỹ sư kiếm tiền tỷ từ sản xuất hương trầm - 4

Tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với mức thu nhập khá

“Với tôi chất lượng luôn đặt lên hàng đầu, sản phẩm làm ra phải tốt cho người tiêu dùng, an toàn và hoàn toàn tự nhiên. Các sản phẩm luôn được cải tiến, mẫu mã đa dạng phù hợp nhu cầu thị trường, từ khách hàng bình dân cho đến cao cấp. Việc đầu tư máy móc hiện đại góp phần hạ giá thành, tăng cao chất lượng cũng như năng suất làm ra sản phẩm”, anh Kỳ Nam chia sẻ.

Hiện nay, anh đã phát triển lên 4 cơ sở sản xuất, mỗi cơ sở một công đoạn riêng biệt để dễ dàng quản lý và vận hành.

Hiện tại, cơ sở sản xuất của anh Kỳ Nam tạo việc làm cho hơn 10 lao động thường xuyên với mức thu nhập 3-6 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm chính của cơ sở sản xuất Hương trầm Kỳ Nam là: nhang, trầm nụ, giác sông, nhang không tăm, nhang vòng…

Tổ hợp tác hương trầm được thành lập từ đầu tháng 10/2019 do anh Kỳ Nam làm tổ trưởng, gồm 3 thành viên đều là những cá nhân có mong muốn giữ gìn và phát huy nghề hương trầm, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trong thôn, khỏi phải đi làm ăn xa quê.

Bỏ nghề cầu đường, chàng kỹ sư kiếm tiền tỷ từ sản xuất hương trầm - 5

Sản phẩm của cơ sở Hương trầm Kỳ Nam tham gia các hội chợ thương mại lớn, các kênh siêu thị và mong muốn đưa sản phẩm tiêu thụ ra nước ngoài

Hiện mỗi tháng, doanh thu của cơ sở sản xuất Hương trầm Kỳ Nam khoảng 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Mỗi năm giúp anh “bỏ túi” hơn 1 tỷ đồng từ việc sản xuất hương trầm, nhờ vậy mà anh đã ổn định cuộc sống, xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi các con ăn học.

“Trong tương lai Tổ hợp tác muốn đưa sản phẩm hương trầm cao cấp không tăm vốn thân thiện, an toàn với người sử dụng đến rộng rãi với thị trường, đặc biệt sâm nhập vào kênh siêu thị và ước mơ xa hơn là xuất khẩu đi nước ngoài….”, anh Nguyễn Đình Kỳ Nam cho hay.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vĩ - Chủ tịch UBND xã Đại Đồng nhận xét: “Cơ sở sản xuất hương trầm của anh Nguyễn Đình Kỳ Nam là một trong những mô hình kinh tế điển hình của xã Đại Đồng. Ngoài việc làm kinh tế giỏi, anh còn giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động tại địa phương, bên cạnh đó anh còn rất nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật cho bà con có nhu cầu làm nghề hương trầm. Thời gian tới, xã sẽ khuyến khích nhân rộng mô hình này nhằm tăng thu nhập cho bà con…”.

Công Bính - Ngô Linh