Cần Thơ:
"Biệt đội" bốn mùa cần mẫn "thay áo" cho những con đường xuống cấp
(Dân trí) - 14 năm qua, đội vá đường từ thiện ở Cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt, Cần Thơ) không đếm hết đã vá lành bao nhiêu đoạn đường, sửa chữa bao nhiêu cây cầu, khoác cho giao thông quê hương diện mạo mới.
Tới Cù lao Tân Lộc thuộc quận Thốt Nốt, Cần Thơ, hỏi đội dặm vá đường của anh Trần Minh Trung (37 tuổi) ai cũng biết. Đường hư, sụp lún, hay ở đâu còn những cây cầu chật hẹp, nguy cơ xảy ra tai nạn, chỉ cần điện thoại là đội của anh Trung xuất hiện.
Đội trưởng Trần Minh Trung cho biết, mưa liên tiếp nhiều ngày các tuyến đường chính ở Cù lao Tân Lộc đã bám đầy rêu khiến việc lưu thông của bà con gặp nhiều khó khăn, một số xe còn bị trượt bánh vì đường trơn.
"Chúng tôi chà bỏ lớp rêu, đổ đá mi và nhựa đường để mặt đường nhám lại và cũng bền hơn. Hôm nay sửa hai đoạn một đoạn đường bị bám rong rêu, đoạn còn lại vá ổ gà", anh Trung vừa tưới nhựa đường vừa nói.
Công trường nhộn nhịp, hối hả với sự tham gia hàng chục thanh niên, trung niên và cả lão nông. Trong làn khói mù mịt của nhựa đường, đôi tay và chân của các anh, các chú cứ thoăn thoắt không ngừng. Người xúc đá, người nấu nhựa, được sắp xếp linh hoạt nên mất khoảng 3 đến 4 tiếng đã xong một "công trình".
Theo anh Trung, hoạt động vá đường được anh cùng "đồng nghiệp" duy trì hơn chục năm qua. Tuy nhiên do giãn cách xã hội, việc vá đường phải tạm nghỉ, hơn 2 tháng qua nhiều tuyến đường đã xuống cấp, cộng thêm mưa dầm khiến đường trơn nên từ đầu tháng 10 đến nay ngày nào đội cũng tất bật sửa.
Hì hục xúc từng xẻng đá cho vào xô, cụ ông Lê Văn Năm khiến mọi người giật mình vì ngấp nghé tuổi 90 nhưng cụ vẫn yêu thích việc hành thiện, giúp đỡ mọi người. Cụ cho biết: "Tôi tham gia phụ đội của chú Trung hơn 10 năm nay. Trước đó tôi đi vá đường cùng ông Năm trong xóm".
Mọi lần tôi còn khỏe thì khiêng đá, vác cát nhưng giờ tuổi cao, sức yếu nên giúp mọi người làm việc lặt vặt. Tham gia cùng mấy đứa nhỏ giúp bà con đi lại dễ dàng là thân già này vui lắm rồi".
Theo lời anh Trung, đội hiện có hơn 50 thành viên chủ yếu là nam giới từ 18 đến 89 tuổi, xuất thân từ nhiều ngành nghề tất cả tham gia vào đội với tinh thần tự nguyện.
Để có kinh phí duy trì hoạt động suốt bao năm qua, anh Trung và đồng đội tự dùng tiền cá nhân và tiền bà con địa phương đóng góp thêm. Mỗi công trình sẽ tốn khoảng 5 đến 7 triệu đồng tiền vật tư, nhiên liệu để tu sửa, riêng cất cầu sẽ tốn kém hơn lên đến chục triệu đồng.
"Hàng tháng chúng tôi góp tiền lại, có bao nhiêu góp bấy nhiêu. Đa phần trong đội là nông dân và làm thuê nên thu nhập thấp lắm, để có đủ tiền sửa đường, các anh nhận đi vá đường mướn cho các tỉnh lân cận", anh Trung chia sẻ.
Nói về việc làm "bao đồng" của mình, đội trưởng Trần Minh Trung cho biết, thời điểm năm 2007, thấy nhiều đoạn đường ở quê bị hư hỏng, đi lại khó khăn, nhiều vụ tai nạn xảy ra, anh tự lấy tiền dành dụm đi mua xi măng, cát, đá và dụng cụ mang đến dặm vá. Qua thời gian, "tay nghề" của anh nâng cao xi măng được thay thế bằng nhựa đường để tăng độ bền.
Khoảng 4 năm nay anh chuyển sang phụ giúp công việc kinh doanh của cha mẹ. Cơ sở kinh doanh của gia đình cũng chỉ là tiệm tạp hóa nhỏ, đủ trang trải cuộc sống cho gia đình, dù vậy, hàng tháng anh vẫn dành vài triệu góp vào kinh phí sửa cầu, bồi lộ.
Dần dà, dân làng vẫn thấy bóng dáng chàng thanh niên gầy vẫn nhẫn nại trên khắp các nẻo đường, âm thầm "làm chuyện bao đồng", đem lại sự an toàn giao thông trên quê hương mà cảm phục, quý mến và nhiệt tình ủng hộ.
Ông Nguyễn Văn Ty, người dân địa phương cho biết, nhờ đội dặm vá mà các tuyến đường trên địa bàn không còn ổ gà, ổ voi. Đền đáp cho tấm lòng hào hiệp của đội vá đường, bà con xứ cù lao thường chủ động nấu cơm trưa hoặc cho bánh, nước.