Bi hài chuyện cả nhà F0 "cơm bưng nước rót" chăm sóc F1

Hồng Anh

(Dân trí) - Phải ở lâu trong phòng suốt khoảng thời gian dài, con trai chị Loan có lúc cũng cảm thấy ngột ngạt, cứ ngỡ như mình là F0 chứ không phải bố mẹ hay em gái.

Tuyệt chiêu "hối lộ" F1

Chuyến về thăm gia đình ở Hải Phòng nhân ngày rằm tháng Giêng của mẹ con chị Nguyễn Bích (31 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) kéo dài hơn dự định vì Covid-19.

Khoảng ngày 14/2, bố chị Bích thấy người mệt mỏi, khó chịu nên test Covid-19 thì thấy kết quả dương tính. Để đảm bảo an toàn cho mẹ già, hai con gái và ba cháu nhỏ, ông quyết định ở phòng riêng, cách ly với mọi người trong nhà.

Một ngày sau đó, chị Bích và bà ngoại 94 tuổi lần lượt trở thành F0 dù các triệu chứng xuất hiện khá ít. Chị gái cùng hai con nhỏ và con của chị Bích may mắn vẫn âm tính.

Từ đây, gia đình 7 người quyết định "thay đổi chiến lược" ứng phó với Covid-19. Thay vì cách ly F0, họ chuyển sang cách ly các F1. Chị gái của chị Bích cùng ba trẻ nhỏ được cách ly trong căn phòng rộng 30 m2 trên tầng 2, còn 3 F0 sẽ sinh hoạt dưới ở tầng 1.

Chị Bích tuy là F0 nhưng chỉ thấy bị ngứa họng. Hàng ngày, chị vẫn có thể dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng chuẩn bị bữa ăn cho các F0 và F1 trong nhà.

Quá trình nấu nướng dọn dẹp, chị đeo hai ba lớp khẩu trang, đeo găng tay và xịt cồn sát khuẩn liên tục.

Bi hài chuyện cả nhà F0 cơm bưng nước rót chăm sóc F1 - 1

Bữa cơm F0 chăm F1 của gia đình chị Bích (Ảnh: NVCC).

Hàng ngày, ngoài đồ ăn được người thân tiếp tế, chị Bích đặt thêm dịch vụ ship hàng qua mạng. Ngoài hoa quả, thuốc men, các loại lá xông, thực phẩm tăng đề kháng… chị Bích không quên mua thêm đồ chơi, sách, truyện để "hối lộ" các F1 nhí trong nhà.

"Suốt ngày tôi phải gào thét quát bọn trẻ quay lại phòng vì thi thoảng các cháu lại chạy ra ngoài ngó nghiêng. Ngày thường các con quen chạy nhảy tự do, giờ bị giới hạn trong không gian chật hẹp như thế không tránh khỏi cảm giác bí bách, cuồng chân. Khi các con chơi chán đồ chơi thì tôi cũng đành xuống nước cho con xem điện thoại, ti vi để các con đỡ buồn… ", chị Bích chia sẻ.

Ngày ba bữa, chị Bích cố gắng nấu đa dạng món ăn trong điều kiện có thể. Đến bữa, chị bê vội mâm cơm lên tầng, đặt ở cửa rồi nhanh chóng rời đi bởi chỉ cần đứng đó lâu, cậu con trai 4 tuổi nhìn thấy mẹ lại nhào ra.

Dù ở trong tình cảnh khá ngược đời, F0 phục vụ F1 nhưng chị Bích vẫn cảm thấy may mắn vì bản thân có đủ sức khỏe chăm sóc cho mọi người trong nhà.

Nghe tin chị Đỗ Hồng Loan (38 tuổi, An Dương, Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội) bị Covid-19, bạn bè người thân gọi điện hỏi han liên tục, động viên chị cố gắng nghỉ ngơi, dưỡng sức để mau khỏi bệnh. Đầu dây bên kia, chị Loan tếu táo nói: "Khổ quá bác ạ. Nhà người ta F0 được phục vụ, còn nhà em 3 F0 cơm bưng nước rót, hầu hạ dạ vâng 1 F1 trên tầng 4 đây".

F1 lẻ bóng, F0 quây quần

Chia sẻ với Dân trí, chị Loan cho hay, cuối tháng 1, đầu tháng 2, mẹ chồng chị không may bị Covid-19. Bà cụ tuy không sống cùng nhà nhưng thường xuyên tiếp xúc với các thành viên trong gia đình chị.

Hai ngày sau, con gái chị sốt cao gần 40 độ và nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Vợ chồng chị Loan sau đó cũng trở thành F0, cậu con trai lớn 16 tuổi may mắn "chỉ 1 vạch" nên được tách riêng ở trên tầng 4.

Hàng ngày, vợ chồng chị Loan thay nhau nấu cơm mang lên để ở cửa phòng cho con. Con trai đã lớn, đã biết chủ động chăm sóc bản thân nên chị Loan cũng an tâm phần nào. Hàng ngày, cậu bé học online theo lịch học ở trường, thời gian rảnh rỗi thì nghe nhạc và sáng tác nhạc.

Tuy vậy, phải ở lâu trong phòng suốt khoảng thời gian dài, con trai chị Loan có lúc cũng cảm thấy ngột ngạt, cứ ngỡ như mình là F0 chứ không phải bố mẹ hay em gái.

Nhìn cảnh 3 F0 trong nhà rôm rả trò chuyện, cùng nhau đón năm mới vui vẻ ở dưới tầng, cậu lại thở ngắn than dài hỏi: "Mẹ ơi lâu thế?", "Mẹ sắp khỏi chưa ạ?". Nhiều hôm, cậu chỉ mong đến giờ bố mẹ đưa cơm để có tiếng người nói chuyện.

Sau hơn 1 tuần chiến đấu với Covid-19, uống vitamin, tăng đề kháng và bồi bổ bằng thực phẩm, vợ chồng chị Loan đã khỏi Covid-19. Khỏi phải nói con trai đã vui mừng thế nào. Cậu bé vui không chỉ vì bố mẹ khỏi ốm mà còn bởi mình được thoát cảnh F1 bị "nhốt" trên tầng suốt nhiều ngày liền.

Bi hài chuyện cả nhà F0 cơm bưng nước rót chăm sóc F1 - 2

Anh Long được vợ tiếp tế đồ ăn theo cách đặc biệt (Ảnh: NVCC).

Là F1 duy nhất trong nhà, những ngày qua, anh Hoàng Tuấn Long (46 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng phải sinh hoạt theo cách đặc biệt. Anh Long ở riêng một phòng, nhường toàn bộ không gian bên ngoài cho 3 F0 trong nhà.

Mấy ngày đầu, anh được vợ tiếp tế đồ ăn cho qua khe cửa. Những ngày sau, anh chờ vợ con vào phòng thì ra ngoài nấu ăn nhanh rồi quay trở lại phòng của mình.

Hiện con trai đầu của anh Long đã dương tính, vợ và con trai thứ 2 vẫn đang tiếp tục đương đầu với Covid-19. Anh Long mong chờ từng ngày khoảnh khắc gia đình được "đoàn tụ", trở về cuộc sống bình thường trước đây.

Những ngày qua, số F0 ở Hà Nội liên tục tăng, khoảng 4.000-5.000 ca mỗi ngày. Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, tới hết ngày 17/2, Hà Nội có 97% F0 mắc Covid-19 thể nhẹ hoặc không có triệu chứng đang điều trị tại nhà.

Bi hài chuyện cả nhà F0 cơm bưng nước rót chăm sóc F1 - 3

Anh Long ở phòng riêng chụp cảnh các F0 quây quần bên bàn ăn (Ảnh: NVCC).

Nhiều gia đình, hầu hết các thành viên trong nhà là F0, chỉ có 1-2 thành viên còn lại là F1. Chính vì vậy, việc cách ly giữa F0 và F1 không còn tách biệt như trước đây mà linh hoạt theo hoàn cảnh từng nhà.

Các bác sĩ khuyến cáo, trong tình cảnh F0 phải sống chung cùng nhà với F1, các gia đình cần tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc 5K. F0 cần mang khẩu trang thường xuyên (trừ khi ăn uống, vệ sinh cá nhân), thay khẩu trang 2 lần/ngày hoặc khi cần, sát khuẩn tay bằng cồn trước khi bỏ khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn tay, khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu...

Ngoài ra, cần đặc biệt lưu ý khâu xử lý rác thải. Rác thải sinh hoạt của gia đình có F0 cần xử lý an toàn ngay tại chỗ (phun dung dịch Chloramin B 0,1% vào thùng rác) để tránh lây lan ra cộng đồng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm