Bí ẩn ngôi mộ cổ của người sáng lập ra chợ Thủ Đức
(Dân trí) - Ngôi mộ cổ nằm lẫn trong khu dân cư ở quận Thủ Đức đã tồn tại hơn 124 năm vẫn còn nhiều điều bí ẩn ít người biết đến.
Nhiều người đi qua đường số 10, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TPHCM dễ dàng nhìn thấy một ngôi mộ được xây dựng kiên cố, bề thế. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, ngôi mộ nằm lẫn trong khu dân cư này là mộ phần của ông Tạ Dương Minh (Tạ Huy) - tên hiệu là Thủ Đức, người đã có công khai phá ra vùng đất Thủ Đức, tên hiệu của ông được đặt tên quận Thủ Đức ngày nay.
Theo nhiều tài liệu ghi chép, ông Tạ Dương Minh vốn là một trong những người trong nhóm "phản Thanh phục Minh" bị truy đuổi phải di cư sang Việt Nam và thần phục nhà Nguyễn. Ông được thu nhận và định cư tại vùng Linh Chiểu Đông xưa để cùng dân lập ấp, khai hoang.
Để thuận tiện cho việc trao đổi, buôn bán của người dân, ông cho xây ngôi chợ lớn nằm ở vị trí đẹp, thuận tiện giao thương ở vùng đất này và gọi là chợ Thủ Đức. Đây là một trong những ngôi chợ lớn và sầm uất của Sài Gòn.
Ngôi mộ có tổng diện tích khoảng 108 m2 gồm 2 vòng tường bao xung quanh bình phong tiền, bình phong hậu và ngôi mộ nằm ở giữa. Công trình được xây dựng bằng đá ong và gạch, bên ngoài gia cố thêm bằng lớp hợp chất cổ.
Ở vòng tường phía trong có 2 trụ đá ong hình vuông cao 1,45m, bên trên gắn búp sen. Phần mộ có hình con trâu nằm ngủ khá đặc biệt. Phía trước mộ phần là tấm bia đá xanh khắc 37 chữ Hán với nội dung ghi lại thông tin chủ nhân ngôi mộ, tạm dịch là: "Mộ ông Tạ Huy, hiệu Thủ Đức, tiền hiền thôn Linh Chiểu Đông. Ông mất ngày 19 tháng 6. Hương chức trong thôn lập mộ bia vào ngày lành tháng 2 năm 1890".
Nguyễn Quang