Bếp Ngon: Bí quyết tạo nên sự hòa quyện hoàn hảo cho hương vị mỳ vằn thắn

(Dân trí) - Công đoạn chế biến mỳ vằn thắn cần đến rất nhiều công phu và tỉ mỉ. Không dễ gì để thưởng thức được một bát mỳ ngon, mang đầy đủ hương vị khiến cho thực khách khi ăn đến thìa nước dùng cuối cùng vẫn thấy vị ngọt đọng lại nơi đầu môi. Kỳ này, Bếp Ngon cùng diễn viên Việt Anh và một đầu bếp nổi tiếng Hà Thành sẽ tiết lộ cho độc giả cách thức “chuẩn” nhất để làm nên vị mỳ vằn thắn đúng điệu.

Tiết lộ bí quyết tạo nên hương vị hoàn hảo cho món mỳ vằn thắn

Hiếm có món ăn nào lại đem đến cho thực khách nhiều trải nghiệm thú vị về vị giác đến vậy: sợi mỳ dai, nước lèo ngọt sắc một vị rất riêng, miếng gan bùi, miếng xá xíu béo ngậy, trứng vàng rộm, tôm tươi đỏ au, sủi cảo mềm mượt, hẹ và cải cúc thơm ngào ngạt và xanh mướt... Tất cả màu sắc, mùi vị đều mạnh mẽ và hòa hợp vô cùng. Mỳ vằn thắn là minh chứng cho sự giao thoa, kết hợp một cách tinh tuý của của ẩm thực mà không phải ở đâu cũng có.

Nguyên liệu

Một số nguyên liệu làm mỳ vằn thắn
Một số nguyên liệu làm mỳ vằn thắn

Nguyên liệu (6 người)

Mộc nhĩ : 8g

Nấm hương : 8g

Sâm tươi : 5g

Củ mã thầy : 3 củ

Thịt nạc vai băm nhỏ : 100g

Hành khô : 2 củ

Lá hẹ : 50g

Rau xà lách : 100g

Tôm tươi : 500g

Gan lợn luộc : 80g

Thịt xá xíu : 50g

Vỏ há cảo : 300g

Mỳ vằn thắn : 5-600g tuỳ khẩu vị

Sơ chế

Củ mã thầy, hành, nấm hương, mộc nhĩ đem rửa sạch rồi thái nhỏ.

Cho các nguyên liệu đã thái nhỏ kể trên vào vỏ há cảo, cuốn tròn rồi hấp cách thủy. Cho thêm gia vị gia giảm cho hợp khẩu vị người ăn.

Nước dùng: Tôm he đem xao trên bếp trong khoảng 30 phút cho đến khi khô, vàng và có độ giòn là đạt yêu cầu. Sau đó, ta cho tôm vào nồi nước luộc gà, ninh trong vòng 12 tiếng (nên để qua đêm) đến khi nước vàng óng như mật ong.

Với xương ống, ta đem luộc qua rồi cho xương ống và chân gà vào ninh chung trong một nồi nước mới từ 6-8 tiếng. Sau đó, ta trộn 3 loại nước ninh tôm, ninh xương và ninh chân gà lại với nhau làm thành nước dùng.

Mỗi nguyên liệu đều cần đảm bảo sự tươi ngon mới có thể khiến hương vị thật đậm đà, hoàn hảo.
Mỗi nguyên liệu đều cần đảm bảo sự tươi ngon mới có thể khiến hương vị thật đậm đà, hoàn hảo.

Chế biến

Cho mỳ vào bát cùng tất cả các nguyên liệu đã sơ chế, gồm: xà lách, viên há cảo, gan, tim, xá xíu, trứng, tôm, vài miếng bóng, hẹ, nấm hương và thịt xá xíu vào bát. Tùy vào khẩu vị của từng người mà nêm nếm gia vị, bột ngọt cho vừa ăn. Sau đó, các bạn cho nước dùng đã chế vào bát và thưởng thức.

Lưu ý

Sâm và mã thầy khi cho vào mỳ vằn thắn sẽ giúp món ăn có mùi thơm, vị thanh mát, giòn. Khi chế nước dùng, các bạn có thể dùng sá sùng hoặc nước mực khô để thay thế.

Nguyên liệu của mỳ vằn thắn và mỳ thường đều gồm bột và trứng, nhưng mỳ vằn thắn khác mỳ thường ở chỗ mỳ vằn thắn nhiều trứng hơn, nên sợi mỳ cũng vì thế mà giòn, dai và không bị nát.

Chuyên mục “Bếp ngon” xin trân trọng cảm ơn diễn viên Việt Anh và nhà hàng Vườn ẩm thực 37 Cửa Nam đã giúp đỡ chúng tôi thực hiện chương trình này.
Chuyên mục “Bếp ngon” xin trân trọng cảm ơn diễn viên Việt Anh và nhà hàng Vườn ẩm thực 37 Cửa Nam đã giúp đỡ chúng tôi thực hiện chương trình này.

Hà Trang- Hoàng Ngọc

Video và ảnh: Toàn Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm