Thực hư khu lăng mộ được đồn có trị giá 3000 cây vàng ở Kiên Giang
(Dân trí) - Tồn tại hơn 100 năm, Lăng mộ Hội đồng Suông (Kiên Giang) được xem là lăng mộ có kiến trúc độc đáo ở Nam Bộ. Mộ được xây từ chất liệu quý hiếm nên nhiều người đồn, nó có trị giá 3000 cây vàng.
Nằm ở con hẻm nhỏ thuộc phường An Hòa, thành phố Rạch Giá, Kiên Giang, Lăng mộ Hội đồng Suông được mệnh danh là lăng mộ bạc tỷ với thiết kế đồ sộ nhưng tinh xảo trong từng chi tiết.
Hội đồng Suông tên thật Hà Mỹ Suông là một đại điền chủ người Việt gốc Hoa có thế lực rất lớn ở đất Hà Tiên xưa. Dù sở hữu khối tài sản đồ sộ nhưng ông Hội đồng Suông lại không có con. Ông nhận nuôi người con của chị thứ 2, người con đó tên là Thiềm Sơn.
Năm 1936, ông Hà Mỹ Suông bắt đầu xây dựng công trình lăng mộ cho gia tộc nhưng chưa được bao lâu thì ông đột ngột qua đời. Biết rõ tâm nguyện của cha lúc còn sống, ông Thiềm Sơn cố gắng hoàn thành nốt những hạng mục còn dở dang. Năm 1938 công trình hoàn tất.
Ông Nguyễn Anh Tuấn (59 tuổi) là cháu cố của ông Hội Đồng Suông cho biết: Công trình lăng mộ Hội đồng Suông bao gồm các hạng mục chính: Khu mộ, Hòn non bộ (gồm Thiên cung và Thủy cung), Long đình, Cung Ngọc hoàng và Địa cung với tổng diện tích gần 1.000 m2.
Trung tâm là nơi đặt mộ phần có diện tích 7 x 7 m, cổng mộ cao 2,8 m, vòm cổng vòng cung, hai mặt đều có hình "lưỡng long triều nguyệt". Đây là mộ của song thân ông Hội đồng Suông là ông Hà Mỹ Đức và bà Trần Thị Nghĩa Hương. Cả hai ngôi mộ đều được làm bằng đá cẩm thạch, có chạm khắc hình thú tinh xảo.
Tường bao bọc khu mộ có chạm khắc các bức phù điêu bằng cẩm thạch. Các cột đá cũng được trang trí họa tiết đặc sắc như đầu lân, búp sen, lá cúc, các loại hoa quả miền Nam...
Đặc biệt hơn nữa, số đá cẩm thạch để trang trí này có tận 4 màu gồm trắng, xám, hồng nhạt và hồng đậm. Khi có ánh nắng chiếu vào loại đá này sẽ phát sáng như có ánh kim.
Hai bên mộ có hai hòn non bộ gọi là Thiên cung và Thủy cung làm từ đá san hô. Đây là hai vòm cổng dẫn vào cung ngọc hoàng và địa cung sau mộ.
Đi tiếp vào trong xuất hiện một ngôi nhà hai gian ba chái, được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu đình, chùa truyền thống của người Hoa. Gian giữa là nơi thờ tự, hai chái dành cho người ở để trông nom, hương khói cho khu mộ. Nơi đây được ông Tuấn giới thiệu là Cung Ngọc hoàng.
Trong đó, chánh điện lợp mái ngói uốn cong, bên trên trang trí hoa văn hình rồng và hoa cúc. Vách tường ốp nhiều bức họa khảm sành sứ, miêu tả phong cảnh thiên nhiên. Đặc biệt, dưới nền nhà của cung Ngọc hoàng là một tầng hầm rộng cả trăm mét vuông, vách tường xây bằng đá, có cửa thông về hướng Tây, nơi đây chính là Địa cung…
Lý giải về tin đồn "Lăng mộ 3000 cây vàng" ông Tuấn cho biết: "Nhiều năm trước có một đoàn khách đến tham quan gồm chuyên gia khảo cổ, kiến trúc sư, kỹ sư, nhà báo… Trong lúc họ trò chuyện với nhau, họ nói nếu bây giờ có 3000 cây vàng chưa chắc xây được lăng mộ bề thế như thế này". Từ đó tên gọi lăng mộ 3000 cây vàng "ra đời"".
Với kiến trúc độc đáo làm từ những nguyên liệu quý hiếm, năm 1998 Lăng mộ Hội đồng Suông đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh Kiên Giang. Hàng năm luôn có nhiều du khách từ khắp các tỉnh đổ về tham quan, chiêm ngưỡng.