DNews

Bé trai bị bỏ ở chân cầu Quảng Ngãi 18 năm trước và bước ngoặt đổi đời

Quốc Triều

(Dân trí) - Lộc, 18 tuổi nói rằng hành trình từ khi cất tiếng khóc nơi chân cầu đến bây giờ là quá dài. Đó là quãng thời gian lẫn lộn nhiều cảm xúc, nhưng đọng lại vẫn là niềm hạnh phúc và lòng biết ơn.

Bé trai bị bỏ ở chân cầu Quảng Ngãi 18 năm trước và bước ngoặt đổi đời

Đứa trẻ bị bỏ rơi nơi chân cầu

Nửa đêm 18 năm trước, một đứa trẻ cất tiếng khóc nơi chân cầu Bà Tá (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Tiếng khóc của đứa trẻ khát sữa thu hút vợ chồng người thợ hồ vô tình đi ngang qua.

Đứa trẻ với dị tật hở hàm ếch. Vợ chồng người thợ hồ mang đứa trẻ đến cô nhi viện Phú Hòa cách đó không xa. Từ đó, nơi đây trở thành ngôi nhà của Lê Văn Lộc, tên được sơ trưởng đặt cho đứa trẻ.

Lúc mới nhận Lộc, các sơ rất lo lắng. Khiếm khuyết trên khuôn mặt quá nặng khiến Lộc gặp khó khăn khi uống sữa. Sữa cứ trào lên mũi đứa bé còn đỏ hỏn.

Chưa đầy 1 tuổi, các sơ đưa Lộc đi phẫu thuật đóng khoảng hở vòm môi. Sau đó, Lộc phải trải qua 2 ca phẫu thuật chỉnh hình khác. Khiếm khuyết dần hoàn thiện nhưng những vết sẹo lớn vẫn còn.

Lộc nói, một đứa trẻ có hình hài không trọn vẹn lại bị bỏ rơi phải chịu nhiều thiệt thòi. Từ lúc vào tiểu học, Lộc lờ mờ hiểu câu chuyện về cuộc đời mình. Bạn bè trêu chọc, nhiều ánh nhìn dị nghị khiến cậu tủi thân.

"Lúc nhỏ, có bạn nói em là quái vật. Câu nói đó ám ảnh em suốt hàng chục năm. Em sợ phải đứng trước đám đông nên lựa chọn cách thu mình lại", Lộc chia sẻ.

Bé trai bị bỏ ở chân cầu Quảng Ngãi 18 năm trước và bước ngoặt đổi đời - 1

Lê Văn Lộc đạt học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2023-2024 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Cô nhi viện Phú Hòa là nhà, các sơ là mẹ. Ngoài kia dẫu có nhiều thiệt thòi, nhưng khi về nhà, Lộc được các sơ yêu thương. Tình thương của các mẹ sưởi ấm cuộc đời đứa trẻ chịu quá nhiều thiệt thòi.

Đứng ở một góc sân trường nhìn các bạn vui chơi, được ba mẹ đưa đón, Lộc cảm giác thua thiệt, tự ti. Thế nhưng trong cuộc đời mình, cậu chưa bao giờ khóc. Lộc bảo đó là ngưỡng cảm xúc cuối cùng cậu tự đặt ra cho chính mình.

"Ở cô nhi viện, em là một đứa trẻ bình thường giống các anh, chị, các em ở đây. Em được yêu thương, thấu hiểu và chia sẻ. Nhưng cứ bước ra ngoài kia, cảm xúc tiêu cực lại ùa đến. Em chỉ thực sự thay đổi khi gặp người mẹ thứ hai", Lộc chia sẻ.

Chiếc khẩu trang và nụ cười trọn vẹn

Được sự chỉ dạy của các sơ, Lộc cố gắng đạt thành tích khá, giỏi trong học tập. Thế nhưng, cậu chưa đủ can đảm bước qua ranh giới của sự mặc cảm. Chỉ đến khi Lộc gặp cô Phan Thị Kim Chi, giáo viên môn lịch sử, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, cô Chi là người mà Lộc xem là mẹ thứ hai của mình.

Cô Chi là giáo viên của Lộc từ năm lớp 11. Nhận thấy Lộc học khá lại yêu thích môn lịch sử, các thầy cô động viên em vào đội tuyển học sinh giỏi.

Cô Phan Thị Kim Chi chia sẻ, Lộc chăm ngoan có điều rất nhút nhát. Đi học, em luôn đeo khẩu trang bởi còn tự ti về khiếm khuyết của mình.

"Tôi nói với Lộc, khiếm khuyết đó không phải lỗi của em. Mọi người không nhìn vào vẻ bề ngoài để đánh giá em, mà họ nhìn vào nghị lực trong cuộc sống và học tập. Em đã làm tốt điều đó, tại sao em không tôn trọng chính mình", cô Chi nói.

Bé trai bị bỏ ở chân cầu Quảng Ngãi 18 năm trước và bước ngoặt đổi đời - 2

Lê Văn Lộc cùng Trưởng phụ trách công đoàn cô nhi viện Phú Hòa (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Tình yêu thương của người mẹ thứ hai khiến Lộc phải suy nghĩ. Lộc chăm học hơn, bắt đầu hòa mình cùng bạn bè. Có những chuyện không thể nói với các sơ, Lộc đến trường chia sẻ với cô giáo, điều chưa bao giờ xảy ra trước đó.

Suốt nhiều ngày, Lộc suy nghĩ về buổi nói chuyện với cô giáo. Cậu nhận thấy bản thân đang tự giam mình trong khoảng tối của sự mặc cảm. Sau một đêm gần như thức trắng, Lộc quyết định thay đổi cuộc đời mình.

"Nói nôm na là chỉ cần thêm một bước chân thôi, em đã trở thành người hoàn toàn khác. Nhưng khoảng cách đó với em lại quá lớn. Suốt hàng chục năm qua em đã do dự. May mắn được gặp cô Chi đã giúp em làm được điều đó", Lộc cho biết.

Lộc quyết định đến trường với con người thật của mình. Cậu đăng ký vào đội tuyển học sinh giỏi sử, làm Bí thư Chi đoàn của lớp. Năm học 2023-2024, Lộc đạt giải nhì môn sử trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Quảng Ngãi.

Ngày lớp chụp kỷ yếu, Lộc mời sơ trưởng đến trường. Tấm ảnh cậu cười rạng rỡ như minh chứng cho sự thay đổi.

Đi để trở về

Hành trình từ khi cất tiếng khóc nơi chân cầu đến bây giờ với Lộc là quá dài. Đó là quãng thời gian lẫn lộn nhiều cảm xúc, nhưng đọng lại là hạnh phúc và lòng biết ơn.

Sắp tới, Lộc sẽ bước vào giảng đường đại học. Cậu phải rời xa nơi được coi là nhà suốt 18 năm. Lộc yêu thích công việc thiện nguyện và muốn trở thành nhà báo.

Bé trai bị bỏ ở chân cầu Quảng Ngãi 18 năm trước và bước ngoặt đổi đời - 3

Lộc cho biết sau này sẽ trở về hỗ trợ các sơ ở cô nhi viện chăm sóc cho các em (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Các sơ ở cô nhi viện Phú Hòa động viên Lộc yên tâm học tập. Chi phí học tập sẽ được các sơ vận động nhà hảo tâm giúp đỡ. Với điểm số học bạ hiện tại, Lộc đã được một trường xét tuyển thằng. Em cho biết, ước mơ của mình là được học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM khoa Báo chí nên vẫn đang đợi kết quả.

Điều Lộc lo lắng nhất là những đứa em ở cô nhi viện Phú Hòa còn quá nhỏ. Lê Văn Lộc hiện là anh cả của 28 đứa trẻ tại đây.

"Em đi rồi sẽ trở về", Lộc khẳng định và nói thêm, trở về không có nghĩa là em sẽ về đây ở. Bởi em lớn rồi, không ở đây được nữa. Dù có thành công hay không, em cũng trở về hỗ trợ sức mình giúp các sơ có điều kiện chăm sóc các em. Những gì em nhận được cần phải chia sẻ cho lớp kế tiếp. Hạnh phúc sẽ nhiều hơn khi mình biết sẻ chia.

Giọng chàng trai 18 tuổi chùng xuống khi nhắc đến cội nguồn. Lộc từng oán trách người đã sinh ra mình, nhưng bây giờ điều đó không còn nữa.

"Nếu một ngày biết cha mẹ mình là ai, em sẽ nói lời cảm ơn vì đã sinh ra em trong cuộc đời này", Lộc nói.