Bắt được cá vây tay quý hiếm ở Tanzania
(Dân trí) - Loài cá vây tay đuôi 3 thùy này đã bị ngỡ là tuyệt chủng cho đến khi sa lưới lần đầu tiên tại vùng biển Nam Phi năm 1938. Tanzania là một trong số ít những quốc gia ghi nhận sự xuất diện của nó quá 2 lần.
Tổ chức Hệ sinh thái cá vây tay châu Phi cho biết, loài cá tiền sử khổng lồ này kể từ năm 1938 đến nay mới xuất hiện thêm ở 5 quốc gia khác: Comoros, Indonesia, Kenya, Madagascar và Mozambique.
Vùng biển Zanzibar thuộc Thái Bình Dương, nơi 4 ngư dân Tanzania bắt được con cá quý hiếm hôm thứ Bảy (14/7) là địa điểm thứ 3 cá vây tay sa lưới trên đất nước này. Trước đó kể từ tháng 9/2003, tất thảy 35 con cá vây tay đã sa lưới ở tỉnh Mtwara phía nam và ở vùng biển Tanga phía bắc.
“Khi ngư dân báo tin bắt được cá lạ, chúng tôi ngay lập tức tìm đến huyện Nungwi, phía bắc quần đảo Zanzibar và vui mừng nhận ra đó là cá vây tay, một loài cá quý hiếm từng bị cho là tuyệt chủng từ hơn 80 triệu năm về trước” - giáo sư Nariman Jiddawi thuộc Viện khoa học Hải dương, trường ĐH Dar es Salaam cho biết.
Theo giám đốc Sở ngư nghiệp Mussa Aboud Jume, sau khi chết con cá nặng 30 kg và dài 12 mét này sẽ được ướp lạnh và đem tới Viên bảo tàng Zanzibar để trưng bày.
“Với việc bắt được con cá vây tay này, quần đảo Zanzibar tới đây sẽ được ghi tên vào danh sách những địa điểm có loài cá quý thuộc vùng biển quốc gia” - giáo sư Jiddawi khẳng định.
Là loài cá nằm trong “sách đỏ”, lệnh cấm buôn bán cá vây tay đã được ban hành trên toàn thế giới, điều này được ghi trong “Hiệp định Thương mại quốc tế về các loài có nguy cơ tuyệt chủng thuộc quần thể động thực vật hoang dã”.
Theo Viện Khoa học Hải dương, cá vây tay là loài cá duy nhất còn sống phát triển một cách hoàn thiện khớp nối trong hộp sọ - phần chia tách tai, não riêng biệt khỏi các bộ phận mắt mũi.
Hải Minh
Theo AP