Bão Noru tăng cấp, người dân Đà Nẵng vội sắm vật liệu chèn chống nhà cửa
(Dân trí) - Ứng phó với cơn bão Noru, người dân Đà Nẵng hối hả đến các cửa hàng mua vật dụng về chèn chống nhà cửa.
Trước dự báo bão số 4 (bão Noru) ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực miền Trung, nhiều người dân TP Đà Nẵng đã gấp rút mua sắm vật liệu thiết bị chèn chống nhà cửa để đón bão.
Theo ghi nhận của PV Dân trí vào sáng 26/9, ngay từ sớm, người dân địa phương đã đổ xô đến các cửa hàng thiết bị, vật liệu để mua đồ chèn chống, gia cố nhà cửa.
Theo một chủ cửa hàng trên đường Tôn Đức Thắng (quận Liên Chiểu), các loại hàng hóa người dân mua chủ yếu là các loại dây thừng, bao tải đựng cát, dây thép. Giá cả vẫn giữ nguyên, không có tình trạng lợi dụng thời điểm nhu cầu tăng cao để tăng giá.
Anh Lê Phước Duy (20 tuổi, trú tại phường Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) cho biết, để chuẩn bị đón cơn bão số 4 sắp đổ bộ, gia đình anh đã dùng nhiều cách để chèn chống, kiên cố nhà cửa.
"Nghe thông tin bão sẽ rất mạnh, nên sáng nay tranh thủ tôi đã đi mua bao, dây thép để về cố định mái tôn và cây xanh trước nhà", anh Duy nói.
Xách trên tay 20 bao ni lông vừa mua, anh Mai Phúc Hậu (30 tuổi, trú quận Liên Chiểu) cho hay, mấy lần trước, anh dùng bao tải đổ cát chằng mái nhà. Tuy nhiên cách làm trước đó vừa tốn sức lại mất thời gian nên đợt này anh chọn cách đổ nước vào bao thay cho cát.
"Sáng nay tôi mua bao, dây thép tổng hết 500.000 đồng. Tuy nhiều tiền thật, nhưng nghe thông báo bão mạnh, nhà tôi lại mái tôn nên cũng lo, mới sáng sớm đã chạy đi mua đồ về chằng chống nhà cửa", anh Hậu bộc bạch.
Trước khi bão Noru đổ bộ, các cửa hàng chuyên doanh các loại vật liệu gia cố nhà tại Đà Nẵng liên tục đắt khách (Ảnh: Hoài Sơn).
Liên quan đến tình hình Đà Nẵng có thể sẽ chịu ảnh hưởng từ bão Noru, Sở Công thương thành phố Đà Nẵng đã làm việc với các đơn vị phân phối lương thực phẩm trên địa bàn về dự trữ hàng hóa, bảo đảm cung ứng cho người dân trong mùa mưa bão.
Theo đó, hàng hóa thường xuyên được bảo đảm, phong phú, dồi dào, luôn duy trì khả năng cung ứng trong vòng khoảng 1-3 tháng và khả năng huy động nguồn hàng trong vòng 7-10 ngày.
Lượng hàng hóa thiết yếu dự trữ hằng ngày tại 4 chợ lớn của thành phố ước khoảng 700 triệu đồng, hàng hóa được lưu chuyển về các chợ thường xuyên theo chu kỳ 2-3 ngày/lần.
Tổng lượng lương thực thực phẩm dự trữ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ trên địa bàn thành phố đạt khoảng là 80 tỷ đồng, với những lượng hàng phong phú như: 193 nghìn thùng mỳ, 20 nghìn thùng lương khô, 2.800 tấn gạo, nếp các loại, 40 nghìn thùng nước đóng chai, 50 nghìn quả trứng gà/ngày và 800 tấn các mặt hàng lương thực thực phẩm khác.