Bạo hành tàn độc liên quan "bố hờ, mẹ kế", chuyên gia tội phạm nói gì?

Thảo Trinh

(Dân trí) - Trung tá Đào Trung Hiếu nhận định, hành vi bạo hành trẻ em của thủ phạm xuất phát từ thói quen dùng bạo lực giải tỏa bức xúc, coi thường các chuẩn mực về đạo đức và pháp luật.

Đã ba ngày trôi qua, thông tin về cháu Đ.N.A (3 tuổi) ở xã Canh Nậu, Thạch Thất (Hà Nội) nghi bị bạo hành, trong hộp sọ có phát hiện những vật lạ giống đinh găm khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Chiều 20/1, Công an Hà Nội đã khởi tố, bắt giam 4 tháng đối với Nguyễn Trung Huyên (30 tuổi) về tội Giết người. Cơ quan công an cũng tiếp tục làm rõ vai trò của Nguyễn Thị Luyến (27 tuổi, mẹ đẻ của bé A. và cũng là người tình của Huyên).

Bạo hành tàn độc liên quan bố hờ, mẹ kế, chuyên gia tội phạm nói gì? - 1

Hình ảnh dị vật bất thường trong sọ não của bé A. trong vụ án bé gái 3 tuổi nghi bị bạo hành ở Thạch Thất (Ảnh: BSCC).

Trước đó không lâu, một số vụ án mà nạn nhân là trẻ em xảy ra cũng khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Tháng 9/2021, bé gái L.H.A. (6 tuổi, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã qua đời sau khi bị bố đánh đập bằng đũa gỗ, chổi và que tre. Hay gần đây nhất, bé gái N.T.V.A. (8 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) bị bạn gái của bố hành hạ tới tử vong vào cuối tháng 12 vừa qua.

Từ những sự việc vừa qua, tiến sĩ - trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) đã đưa ra loạt phân tích "giải mã" nguyên nhân các vụ bạo hành trẻ em. Chuyên gia nhận định các vụ án mạng mà nạn nhân là trẻ em vừa xảy ra đều dưới hình thức bạo hành gia đình. Kẻ trực tiếp bạo hành với trẻ chủ yếu là mẹ kế, chồng hờ, nhân tình của bố, mẹ trẻ. 

Điểm chung trong đặc điểm tâm lý thủ phạm là sự thoái hóa, lệch lạc về nhân cách với các dấu hiệu như: tính ích kỷ cao độ, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, lối sống vị kỷ, hưởng thụ, thói quen dùng bạo lực để giải tỏa bức xúc tâm lý trong giao tiếp xã hội, coi thường các chuẩn mực về đạo đức và pháp luật.

Bạo hành tàn độc liên quan bố hờ, mẹ kế, chuyên gia tội phạm nói gì? - 2

Nguyễn Trung Huyên bị cáo buộc dùng 9 chiếc đinh bạo hành con gái của người tình (Ảnh: Đ.X).

Ngoài ra, người liên quan trực tiếp sau hung thủ là bố hoặc mẹ của trẻ. Họ cũng đồng điệu với kẻ thủ ác ở thái độ thờ ơ trước an nguy, hạnh phúc của con.

Trung tá Đào Trung Hiếu cho hay, rất có thể những người liên quan trực tiếp đến thủ phạm tồn tại suy nghĩ đứa con là một gánh nặng và coi việc phải nuôi chúng như một nghĩa vụ thay vì xuất phát từ tình mẫu tử, phụ tử thật lòng. 

Vị chuyên gia nhận định thêm, trong sâu thẳm, họ cũng thấy đứa con như một trở ngại cho hành trình tìm duyên mới. Chưa hết, đứa bé còn nhắc họ nhớ về những buồn thảm đã qua với mảnh ghép cũ không hoàn hảo. Với các sắc thái tâm lý này, ở một chừng mực nào đó, họ có thể đồng tình với hành động bạo hành của nhân tình với chính con mình.

"Những cái chết oan khuất ấy là hậu quả tất yếu của chuỗi tội ác ngày qua ngày nhằm vào các cháu. Nếu có ý thức bảo vệ con, chuyện này sẽ được ngăn chặn trước khi việc bạo hành phát triển thành án mạng", chuyên gia phân tích.

Vị chuyên gia cũng nhận định, ở các vụ án đã xảy ra, xếp sau kẻ trực tiếp gây tội ác về mặt trách nhiệm chính là người thân của các cháu, rồi đến hàng xóm, giáo viên,… Thái độ vô cảm của những người thân thích, liên quan cũng chính là nguyên nhân dẫn đến loạt sự việc đau lòng trên.

"Tội của họ là tội thờ ơ, vô cảm, chỉ chăm lo cho mối quan tâm hay lợi ích của mình, mà không biết rằng giá như họ bao đồng chút thôi, là một sinh linh đã có thể được giữ lại. Bệnh vô cảm là chứng ung thư tâm hồn đã ở giai đoạn di căn trong cuộc sống kim tiền này", tiến sĩ ngành tội phạm học nhận định.

Không chỉ "giải mã" nguyên nhân các vụ án liên quan đến trẻ em mà xuất phát từ vấn nạn bạo hành, trung tá Đào Trung Hiếu còn chỉ ra sự tương đồng về thân phận các nạn nhân. Vị chuyên gia tội phạm học cho rằng, trước khi trở thành bị hại trong các vụ án hình sự, trẻ em đều ở cảnh "lời ru chia đôi". Họ là nạn nhân trực tiếp, đầu tiên của những cuộc hôn nhân tan vỡ.

"Khi bố hoặc mẹ đưa chúng đến ở cùng với những người "khác máu tanh lòng", cuộc sống các con trở thành địa ngục nếu kẻ gá nghĩa đó là những kẻ ích kỷ, máu lạnh, nhẫn tâm", trung tá Hiếu phân tích.

Ông cho rằng trong sâu thẳm tâm lý nội tâm, những kẻ gây án thường coi "núm ruột của bồ" là cái gai trong mắt. Trong khi đó, vì thơ ngây và không có khả năng tự vệ, phản kháng hay thông đạt chuyện xảy ra với mình đến những người xung quanh nên các bé phải âm thầm chịu trận, lãnh đủ sự tàn bạo, vô nhân tính của người lớn.

Trước khi án mạng xảy ra, trẻ đã có một khoảng thời gian hứng chịu bạo lực, đòn roi, với những chấn thương để lại trên thân thể. 

Vị chuyên gia tội phạm học cũng bày tỏ nỗi băn khoăn khi các vụ việc thương tâm xảy ra nhưng không ai biết cho đến lúc nạn nhân là những đứa trẻ ấy lìa bỏ cuộc đời. Ông cho rằng, không khó để nhận biết việc trẻ có bị bạo hành hay không. 

"Tiếng quát tháo, đòn roi, đổ vỡ, tiếng khóc ré vọng ra từ nhà bên, sao không thể nghe thấy? Rồi người cha, người mẹ dù không ở cùng con, nhưng khi đến thăm, lẽ nào không nhìn thấy những vết bầm tím vì đòn roi? Rồi cô giáo mầm non, thầy giáo trường học,… có khó gì khi nhận ra những biểu hiện tâm lý và thể chất khác lạ, bất thường của một học sinh?", trung tá Hiếu phân tích.

"Chỉ cần có một lòng thật tâm yêu trẻ, một ý thức trách nhiệm công dân thì sẽ không khó để nhận ra việc trẻ cần được cứu trước khi quá muộn", vị chuyên gia bày tỏ thêm. 

Trung tá Hiếu cũng nhận định, để ngăn chặn các sự việc đau lòng trên thì vấn đề xã hội hệ trọng cần đặt ra là phải làm sao để khôi phục lại truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam.

"Ông bà, cha mẹ nêu gương, con cháu thảo hiền, làm sao để gia đình Việt bền vững trước đại dịch có tên "ly hôn". Chỉ khi gia đình bền vững, mới đỡ đi những cái chết tức tưởi như đang thấy", ông nói.

Từ những vụ án đã xảy ra, vị chuyên gia cho rằng một bản án thích đáng dành cho đối tượng gây án là đòi hỏi của xã hội. Theo ông, hình phạt ở mức cao nhất, về bản chất "là sự trả thù của cộng đồng" dành cho những thành viên đã mất lương tri, tính người, không thể giáo dục, cải tạo để tái hòa nhập với đời sống chung.