Bánh trung thu truyền thống lại mơ "vừa bán vừa la vẫn đắt hàng"
(Dân trí) - Thị trường bánh Trung thu tại Hà Nội đã bắt đầu nhộn nhịp, trong khi các công ty lớn đưa ra các chiến dịch hút khách văn phòng thì các thương hiệu truyền thống cũng bắt đầu mơ đến cảnh "vừa bán vừa la vẫn đắt hàng" đã từng diễn ra.
Gần 1 tháng nữa mới đến Tết Trung thu nhưng thị trường bánh trung thu đã bắt đầu sôi động động. Trên nhiều phố phường ở Hà Nội như Kim Mã, Phan Đình Phùng, Quang Trung, Kim Liên… đã nhộn nhịp các gian hàng trưng bày và mua bán các thương hiệu bánh trung thu trong nước. Theo khảo sát của PV Dân trí, mùa bánh năm nay, các thương hiệu tung ra hàng loạt mẫu mã, sản phẩm bánh trung thu chưa có nhiều khác biệt so với năm ngoái. Nhưng giá thành của mỗi sản phẩm tăng nhẹ từ 2.000 – 3.000 đồng/cái.
Ghi nhận tại một cửa hàng trên phố Kim Mã, có khoảng 10 loại bánh hương vị quen thuộc như: Bánh dẻo đậu xanh hạt dưa, bánh nướng khoai môn hạt sen; bánh dẻo sữa dừa… Người bán hàng cho biết, phải đến dịp cao điểm (từ Rằm tháng 7 âm lịch đến Rằm tháng 8) lúc đó bánh bán chạy, các hãng bánh mới tung ra các loại mẫu mã bánh, hương vị đa dạng cho khách hàng lựa chọn. Ngoài ra, các thương hiệu cũng nhanh nhạy nắm bắt thị trường cho ra đời những sản phẩm dành riêng cho người ăn chay, ăn kiêng và trẻ em.
Theo nhận định của một lãnh đạo công ty sản xuất bánh, kẹo nổi tiếng năm nay thị trường vẫn sẽ tăng trưởng và sức mua còn tiếp tục tăng cao ở phân khúc thưởng thức biếu tặng của người tiêu dùng cũng như phân khúc biếu tặng của khối cơ quan, doanh nghiệp.
Tại phân khúc bánh truyền thống, một cơ sở bánh nổi tiếng Hà Nội cũng bắt đầu bán hàng và lại mơ đến cảnh "vừa bán vừa la vẫn đắt hàng" đã từng diễn ra. Chủ một cửa hàng sản xuất, kinh doanh bánh trung thu trên phố Thụy Khê, Hà Nội cho biết, "bí quyết" để giữ chân khách hàng quen thuộc tạo hương vị bánh Trung thu riêng trên thị trường. Như bánh trung thu thập cẩm cổ xưa được làm từ nguyên liệu truyền thống như hạt sen, mứt dừa, hạt bí trần, lá chanh, thịt bò khô, thịt mỡ… được chế biến và phải mang đậm phong cách truyền thống. Tất cả nguyên liệu này đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Không thể phủ nhận, trong nhiều năm nay bánh trung thu mang phong vị truyền thống đã tạo ra "cơn sốt". Không cầu kỳ về hình thức, bao bì thô sơ, nhưng bánh truyền thống được lòng nhiều người Hà Nội bởi sự thể hiện tính cổ truyền xưa cũ và hương vị thân quen. Mùa bánh Trung thu năm ngoái từng diễn ra cảnh tại một cửa hàng truyền thống, người dân xếp hàng mua kiểu "tem phiếu", chỉ đươc mua tối đa...2 bánh/lần, người nào muốn mua tiếp phải xếp hàng vòng tiếp theo. Thậm chí, khách mua còn bị người bán mắng té tát dẫn đến xô xát tại cửa hàng.
Một điểm thu hút của bánh trung thu truyền thống, đó chính là giá thành sản phẩm khá cạnh tranh so với bánh của các công ty. Hầu hết các loại bánh trung thu truyền thống giá thấp hơn bánh do các công ty sản xuất ở mức giá từ vài nghìn đồng đến vài chục nghìn/cái.
Do hầu hết các cơ sở kinh doanh đều dùng nơi sản xuất làm điểm bán hàng nên người tiêu dùng có thể quan sát thấy được quy trình làm bánh ngay tại cửa hàng.
Theo một chủ cửa hàng bánh truyền thống này, tất cả nguyên liệu này đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Khi người tiêu dùng chứng kiến được mọi công đoạn từ khi làm bột bánh, làm nhân bánh, đến đóng bánh, nướng bánh… thì khó có thể làm sai sót hoặc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được. Tuy nhiên, theo phản ánh của người tiêu dùng thì tại một số cửa hàng bánh trung thu truyền thống chỉ ghi hạn sử dụng trên từng sản phẩm nhưng lại không ghi ngày sản xuất. Điều này khiến người tiêu dùng chưa thực sự an tâm hoàn toàn về chất lượng sản phẩm ở đây.
Kiều Việt Thành