Bảng chi tiêu Tết siêu tiết kiệm chỉ 5 triệu đồng của bà mẹ hai con

Hồng Anh

(Dân trí) - Chồng bị nợ lương, còn mình thì không có thưởng nên chị Phạm Thị Thu (quê Nam Định) lên kế hoạch chỉ tiêu Tết chỉ trong khoảng 5 triệu đồng.

Chị Thu vốn là giáo viên một trường tiểu học ở Nam Định. Mức lương hàng tháng của chị khoảng 5 triệu đồng. Vợ chồng chị có hai con (một trai, một gái) đang ở độ tuổi tiểu học. Chồng chị làm công nhân cho một đơn vị chuyên nhận thi công các hạng mục nội thất của các dự án chung cư ở Hà Nội. Mức thu nhập tính theo ngày công khoảng 350.000 đồng/ngày.

Vì đơn vị chồng chị Thu làm chỉ là một nhà thầu phụ của dự án nên việc thanh toán lương luôn bị chậm trễ, nhất là vào thời điểm cuối năm. "Nhiều khi 2-3 tháng chồng tôi mới được nhận một lần lương. Gần đây, nghe nói thị trường bất động sản gặp khó khăn nên chủ lại xin nợ lương", chị Thu nói.

Cũng theo chị Thu, tổng thu nhập của hai vợ chồng chị khoảng 13-15 triệu đồng/tháng. Hàng tháng, chị chi tiêu cho gia đình mình khoảng 6-7 triệu đồng, phần còn lại, chị trích ra để trả nợ tiền xây nhà. Vậy nên, hầu như cả hai không có nhiều tiền tích lũy.

Nói về kế hoạch chi tiêu tết Nguyên đán, chị Thu cho hay bản thân sẽ chỉ gói gọn trong khoảng 5 - 5,5 triệu đồng.

Bảng chi tiêu Tết siêu tiết kiệm chỉ 5 triệu đồng của bà mẹ hai con - 1
Bảng chi tiêu Tết dự kiến của chị Thu.

Chị liệt kê: "Tôi sẽ dành 1 triệu đồng biếu bố mẹ hai bên (mỗi bên 500.000 đồng). Thông thường các gia đình sẽ mua giỏ quà Tết nội, ngoại. Tuy nhiên, năm nào tôi cũng thấy bố mẹ được nhận rất nhiều quà Tết. Vậy nên, tôi quyết định biếu tiền để bố mẹ hai bên để chi tiêu vào những việc cần thiết".

Về phần quà biếu họ hàng đôi bên nội ngoại, chị Thu chi 600 nghìn đồng để mua 6 suất quà. Quê chị Thu có thói quen biếu các thực phẩm, gia vị cho người thân. Vậy nên, chị Thu chọn mua quà biếu là 1kg đường (khoảng 27.000 đồng) và 1 gói hạt nêm loại 900g (khoảng 66.000 đồng). Tổng mỗi phần quà là khoảng 100.000 đồng.

Chị Thu dành 1,5 triệu đồng mua thực phẩm, hoa quả thắp hương và ít bánh kẹo, hạt hướng dương tiếp khách.

"Ông bà ngoại cho vợ chồng tôi 4 chiếc bánh chưng, ông bà nội thì năm nào cũng gói cho nhà tôi 1 cây giò thủ. Trong vườn nhà thì đã có sẵn các loại rau, có gấc để đồ xôi, có 4 con gà và 2 con ngan. Vì biết gia đình còn khó khăn nên từ mấy tháng trước tôi đã mua ít ngan gà giống về nuôi để ăn Tết.

Bảng chi tiêu Tết siêu tiết kiệm chỉ 5 triệu đồng của bà mẹ hai con - 2

Chị Thu chỉ cần mua thêm chút ít thực phẩm là có thể có một cái Tết ấm cúng. (Ảnh minh họa: N. D).

Vậy nên, về thực phẩm, tôi chỉ cần mua thêm ít thịt lợn, khoảng 1kg thịt bò giá 300.000 đồng nếu muốn ăn lẩu, chút măng, miến, mộc nhĩ nữa là đủ ăn Tết. Tôi vẫn nói vui với bạn bè, cách đón Tết siêu tiết kiệm vẫn là "tăng xin giảm mua", có sự chuẩn bị lâu dài", chị Thu cho hay.

Bảng chi tiêu Tết siêu tiết kiệm chỉ 5 triệu đồng của bà mẹ hai con - 3

Ngày Tết, bố mẹ chị Thu tự gói giò cho con cái để tiết kiệm chi phí.

Trong tổng số tiền 5 triệu, chị Thu dành khoảng 1,5 triệu đồng để mừng tuổi. Nữ giáo viên cho biết, chị thường chỉ mừng từ 20.000 đến 50.000 đồng cho mỗi trẻ nhỏ.

Ngày Tết, bất cứ trẻ nhỏ nào cũng thích được mặc quần áo mới. Vì không muốn để các con thiệt thòi nên trong kế hoạch chi tiêu của mình, chị vẫn dành ra một khoản để mua cho hai con bộ đồ mới.

Tết của bà mẹ nghèo chỉ với gói mứt tự làm

Chị Vương Thị Nguyệt (26 tuổi, quê Chiêm Hóa, Tuyên Quang, công nhân Công ty TNHH SD, Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) thành thật kể rằng, chị phải chi tiêu tiết kiệm trong nhiều tháng liền để dành dụm tiền cho dịp Tết.

Vợ chồng Nguyệt đều là công nhân. Thu nhập của cả hai chỉ hơn 10 triệu đồng một tháng. Với đồng lương eo hẹp đó, họ thuê một căn phòng trọ nhỏ với giá 500.000 đồng một tháng ở Kim Chung, Đông Anh làm nơi tá túc. Tiền học của con, tiền điện nước, tiền ăn của gia đình ba người cũng ngốn hết gần tổng thu nhập nên họ gần như không có tiền tích lũy.

Tiền chi tiêu cho Tết bằng cả tháng lương nên cứ đến cuối năm, chị Nguyệt vô cùng lo lắng. Người phụ nữ thở dài: "Tiền vé xe di chuyển dịp Tết cho gia đình 3 người khoảng 1 triệu đồng. Hai năm trước chưa đi làm tôi không biếu được gì bố mẹ nên Tết này cũng cố gắng biếu mỗi bên nội ngoại 500.000 đồng. Tiền mừng tuổi, tiền mua sắm ít đồ ăn thức uống khoảng 3 triệu đồng nữa. Vậy là bay cả tháng lương".

Sáng 27 Tết, chị Lường Thị Mến (công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long) cũng tất tưởi chuẩn bị về quê ở Đà Bắc (Hòa Bình). Món quà Tết của chị dành cho hai con ở nhà là gói mứt dừa chị tự làm.

Bảng chi tiêu Tết siêu tiết kiệm chỉ 5 triệu đồng của bà mẹ hai con - 4

Chị Mến bên số mứt dừa tự làm mang về cho con đón Tết. (Ảnh: H. A).

"Hai cháu nhà tôi một học lớp 10, một học lớp 7. Các cháu đã lớn, biết thương mẹ nên không đòi hỏi nhiều, cũng không xin mua quần áo mới", chị Mến kể.

Nhắc đến chi tiêu Tết, người phụ nữ này lại thở dài bảo Tết gần như không dám tiêu gì với đồng lương công nhân 5,1 triệu đồng.

Chị nói: "Riêng tiền xe đi lại dịp Tết đã hết gần 1 triệu đồng. Tôi phải đi ba tuyến xe từ Đông Anh đến bến xe Mỹ Đình, từ bến xe Mỹ Đình đến bến xe Hòa Bình và từ bến xe Hòa Bình về Đà Bắc. Mỗi tuyến hết 100.000 đồng. Tết là dịp tôi về thăm gia đình thôi, ngoài ra không dám chi tiêu gì khác thường bởi số tiền ít ỏi còn lại chỉ đủ để mua thức ăn, lo tiền học hành cho các con trong tháng".

Tết Nguyên đán luôn là dịp chi tiêu nhiều nhất của người Việt. Với những gia đình có mức thu nhập hạn chế, việc mua sắm cho 4-5 ngày Tết thường bằng cả tháng chi tiêu thông thường của họ. Vì vậy, Tết với họ lại là bài toán cân đối chi tiêu không hề đơn giản.