Bản đồ Covid-19 thế giới: Dự án gắn nghiên cứu và thực tiễn
(Dân trí) - Dự án Bản đồ theo dõi Covid-19 toàn thế giới do Viện Nghiên cứu chính sách nông nghiệp và sức khỏe thuộc UEH phối hợp với Công ty HERE Technologies đã được triển khai rộng rãi, giúp theo dõi và kiểm soát đại dịch Covid-19.
TS. Võ Tất Thắng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách nông nghiệp và sức khỏe (Health and Agricultural Policy Research Institute - HAPRI) đã có buổi trao đổi sâu hơn về dự án và các hoạt động tại Viện ở địa chỉ 279 Nguyễn Tri Phương, Phường 5, Quận 10, Tp. HCM.
Chào Tiến sĩ (TS), TS có thể chia sẻ thêm thông tin về dự án phát triển bản đồ theo dõi Covid-19 trên toàn thế giới?
Thời gian qua, Viện Nghiên cứu chính sách nông nghiệp và sức khỏe đã liên tục cập nhật, thu thập thông tin và dữ liệu về những ca nhiễm mới, không chỉ ở Việt Nam mà còn tại các nước khu vực Đông Nam Á. HAPRI còn tiến hành hợp tác với Công ty HERE Technologies thực hiện dự án phát triển bản đồ theo dõi Covid-19 trên toàn thế giới (Covid-19 Interactive Tracker Map). HERE Technologies là một công ty đa quốc gia về GPS và Mapping có trụ sở chính tại Hà Lan, từng là công ty con của Nokia và Microsoft, hiện nay do Volkswagen, BMW, Daimler, Intel, Mitsubishi và Nippon nắm quyền sở hữu.
Thông tin về các ca nhiễm, phục hồi và tử vong do Covid-19 ở Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và Philippines đến cấp địa phương do HAPRI tổng hợp tại https://app.developer.here.com/coronavirus/. Dữ liệu các ca được xác nhận (màu vàng) và các ca tử vong (màu đen) được hiển thị dưới dạng vòng tròn đồng tâm tại tất cả các quốc gia và địa phương (nếu có). Trên bản đồ, số ca nhiễm và tử vong cũng được thể hiện theo địa phương tại từng quốc gia. Đặc biệt, người dùng còn có thể truy cập và sử dụng miễn phí dữ liệu của Viện tại https://github.com/HAPRIvn/Open-Access-Data.
Thông tin thu thập từ đây có thể được kết hợp với các dữ liệu khác để thực hiện các nghiên cứu trong tương lai.
Được biết HAPRI là Viện nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế sức khỏe và nông nghiệp, TS có thể chia sẻ thêm về vai trò của và ý nghĩa của Viện trong việc nghiên cứu những vấn đề trên?
Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết về nghiên cứu chính sách và sức khỏe và nông nghiệp: Dân số Việt Nam ngày càng đông, người cao tuổi ngày càng nhiều, chi tiêu cho sức khỏe trong cơ cấu GDP ngày càng tăng. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi, đòi hỏi phân tích kinh tế trong lĩnh vực y khoa. Tuy nhiên, các cơ sở nghiên cứu về kinh tế sức khỏe, đặc biệt là ở khu vực phía Nam vẫn đang thiếu.
Đồng thời, trước xu thế toàn cầu hóa, các nghiên cứu về nông nghiệp và chính sách lương thực càng quan trọng với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Nghiên cứu chính sách nông nghiệp là rất cần thiết và đang thu hút sự quan tâm của nhiều quỹ nghiên cứu lớn trên thế giới.
Nhằm đáp ứng nhu cầu trên, với định hướng trở thành đại học nghiên cứu đóng góp vào thực tiễn kinh tế, kinh doanh và chính sách theo xu hướng phát triển của các trường đại học quốc tế, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh(UEH) đã thành lập Viện Nghiên cứu chính sách nông nghiệp và sức khỏe (HAPRI) từ năm 2019.
Viện HAPRI là một mắt xích trong chuỗi các Viện thuộc trường UEH và các trung tâm nghiên cứu trong cả nước. Viện sẽ là nơi các chuyên gia giỏi đến làm việc và chia sẻ kinh nghiệm. Bên cạnh các nghiên cứu hàn lâm, các dự án trong lĩnh vực kinh tế sức khỏe và nông nghiệp thì HAPRI cũng thực hiện các tư vấn chính sách phát triển kinh tế xã hội cho các địa phương. Các dự án và hoạt động của HAPRI hướng đến mục tiêu phát triển cộng đồng và cải thiện phúc lợi xã hội.
Đến năm 2025, Viện sẽ trở thành một trong những đơn vị nghiên cứu mạnh trong nước về lĩnh vực kinh tế sức khỏe và chính sách nông nghiệp được sự ghi nhận từ các tổ chức nghiên cứu quốc tế và các trường đại học trên thế giới.
Tiến sĩ có thể chia sẻ thêm thông tin về các hoạt động và dịch vụ cụ thể tại HAPRI?
HAPRI vừa có khả năng nghiên cứu hàn lâm chất lượng cao vừa có kinh nghiệm thực tiễn. Viện cung cấp các dịch vụ tư vấn chính sách phát triển cho từng địa phương; đào tạo cập nhật các công cụ quyết định và thực thi chính sách địa phương; tư vấn phát triển nghiên cứu sau đại học; hỗ trợ ý tưởng và thiết kế nghiên cứu hàn lâm; hỗ trợ ý tưởng và thiết kế bản khảo sát; hỗ trợ kết nối trường đại học, trung tâm nghiên cứu và chuyên gia quốc tế; tư vấn tìm và phân tích dữ liệu nghiên cứu; tư vấn phân tích dữ liệu thị trường theo ngành.
Ngoài ra, các đơn vị quan tâm đến cộng tác nghiên cứu khoa học có thể liên lạc với Viện thông qua email HAPRI@ueh.edu.vn hoặc tại website https://www.hapri.ueh.edu.vn/ .
Chân thành cảm ơn TS. Võ Tất Thắng. Hy vọng ngoài dự án phát triển bản đồ theo dõi Covid-19, HAPRI sẽ ngày càng có nhiều đóng góp giá trị cho nền kinh tế sức khỏe, nông nghiệp Việt Nam và thế giới.
Nguồn theo: Viện Nghiên cứu chính sách nông nghiệp và sức khỏe.
Trường Thịnh