Bạn biết gì về các loại gạo và lợi ích của chúng?
(Dân trí) - Bạn ăn cơm hàng ngày nhưng bạn có biết có bao nhiêu loại gạo và công dụng khác nhau của chúng không? Một số loại tốt cho sức khỏe, trong khi loại khác lại không có lợi nếu ăn nhiều.
Dưới đây là một số loại gạo chính và các lợi ích dinh dưỡng của chúng.
1. Gạo lứt
Gạo lứt rất phổ biến hiện nay. Không giống gạo trắng, gạo lứt chế biến sơ, không có cám và loại bỏ mầm. Điều này khiến gạo lứt có nhiều giá trị dinh dưỡng hơn gạo trắng. Nó chứa các chất dinh dưỡng có lợi như quercetin, luteolin và apigenin.
Những chất dinh dưỡng này có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa, như bệnh tim và một số bệnh ung thư. Ngoài ra, gạo lứt chứa nhiều chất xơ gấp 3 lần và nhiều protein hơn so với gạo trắng. Nó khiến bạn cảm thấy no lâu hơn, và tốt cho tiêu hóa. Gạo lứt rất giàu magiê và có thể giúp ngăn ngừa việc tăng đột biến lượng đường trong máu, nên nó an toàn và có lợi cho những bệnh nhân bệnh tiểu đường.
2. Gạo trắng
Gạo trắng là loại gạo được loại bỏ cám, mầm trong quá trình chế biến. Đây cũng là loại gạo phổ biến nhất vì quá trình chế biến giúp kéo dài thời gian sử dụng của gạo, nhưng cũng tước đi nhiều chất dinh dưỡng của nó.
Sản phẩm cuối cùng không chỉ ít dinh dưỡng mà còn ít chất xơ, khoáng chất, vitamin, protein và chất chống oxy hóa. Đó là lý do tại sao gạo trắng không an toàn cho người bị tiểu đường. Ăn quá nhiều gạo trắng cũng không tốt cho sức khỏe của bạn.
3. Gạo cẩm
Trong thời kỳ Trung Quốc cổ đại, gạo cẩm là món ngon chỉ dành riêng cho hoàng tộc, vì thế, nó còn có tên gọi khác là Gạo cấm. Khi nấu, màu đen của gạo chuyển dần sang tím đậm. Có nhiều loại gạo cẩm, tất cả đều là loại gạo rất giàu chất chống oxy hóa.
Điều này có nghĩa là gạo cẩm có tác dụng giúp chống lại tác động của oxy hóa và có thể ngăn chặn sự tiến triển của các bệnh thoái hóa liên quan đến tuổi tác, các vấn đề về tim, suy giảm nhận thức và bệnh tiểu đường loại 2.
Ngoài ra, gạo cẩm giàu anthocyanin, sắc tố thực vật flavonoid liên quan đến một loạt các đặc tính chống viêm và chống ung thư.
4. Gạo đỏ
Gạo đỏ có nhiều màu, từ màu nâu sẫm đến màu gạch. Nó kết hợp được các lợi ích của gạo cẩm như chống oxy hóa flavonoid, giàu hàm lượng protein và chất xơ. Các nghiên cứu cho thấy gạo đỏ có tác dụng tốt hơn gạo lứt trong việc chống lại các gốc tự do và ngăn ngừa căng thẳng do oxy hóa. Tuy nhiên, giống như hầu hết các loại ngũ cốc nguyên hạt, gạo đỏ đắt hơn gạo trắng và nấu mất thời gian hơn. Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí, bạn có thể trộn gạo đỏ hoặc gạo cẩm với gạo nâu hoặc gạo trắng. Cách này vừa kinh tế hơn lại vừa đảm bảo chế độ ăn lành mạnh hơn.
Thảo Nguyên
Theo BM