Bác sĩ Việt từ Hungary viết về khẩu trang kháng khuẩn của Việt Nam
(Dân trí) - “Khẩu trang làm từ vải dệt thoi rất khít được tráng lớp Nano bạc của Việt Nam, đặc tính kháng khuẩn giữ được qua 30 lần giặt bằng xà phòng bình thường, thân thiện với da mặt và môi trường...”.
Từ lúc dịch Covid-19 bắt đầu bùng nổ theo tuyên bố của Trung Quốc vào đầu tháng 1-2020, khi cả Châu Âu còn đang ngỡ ngàng chưa hiểu chuyện gì đã xẩy ra ở một nơi “rất xa xăm” nào đó, khẩu trang đã là một vấn đề nóng hổi.
Ban đầu, nhiều nhà máy sản xuất khẩu trang tại Châu Âu còn hơi vui mừng vì xuất được hàng cho Trung Quốc. Thực ra từ trước tới nay, Châu Âu chưa bao giờ có thói quen đeo khẩu trang. Ngay trong các bệnh viện, phòng khám, khẩu trang chỉ được dùng khi các bác sĩ vào phòng mổ, các bác sĩ răng phải khoan đục, hay tiếp xúc với những ca viêm nhiễm nặng. Người dân thường ra đường không ai đeo khẩu trang tránh bụi hay chống lạnh.
Chính vì vậy, nhu cầu khẩu trang của Châu Âu rất ít, chỉ vài nơi sản xuất hoặc nhập khẩu bán với giá bèo bọt. Ở Hung, sau khi đã bán đi trắng kho lưu trữ khẩu trang, Coronavirus tràn vào Châu Âu với tốc độ tên lửa, chẳng nơi nào còn kịp trở tay: sản xuất không kịp nhu cầu tăng lên gấp cả chục trăm lần, công nhân không có (phải huy động cả tù nhân làm khẩu trang), máy không đủ, nguyên vật liệu vốn dĩ phải đi nhập khẩu từ Trung Quốc bây giờ cũng bị cắt nốt.
Vậy các nhà lãnh đạo chỉ còn một phương án duy nhất: quay sang mua hàng từ Trung Quốc. Đắt cũng được, giá cả không thành vấn đề! Chất lượng thì ai hơi đâu mà kiểm tra kiểm chứng, có mà dùng là may rồi! Máy bay chờ hàng từ Trung Quốc về tới sân bay được tiếp đón như tiếp các nguyên thủ quốc gia: thủ tướng, bộ trưởng cúi rạp người, cám ơn đại sứ Trung Quốc như thể cứu nhân cho cả đất nước.
Mà nào có phải chỉ mấy nước như Đông Âu làm thế, cả các nước lớn cũng tranh giành ăn cắp hàng, nẵng tay trên của nhau: Mỹ nẫng tay trên khẩu trang của Đức, Pháp bị đánh cắp khẩu trang tại sân bay… Đọc truyền thông của nhà nước mà ngỡ như báo lá cải đưa tin trẻ con đánh nhau.
Rồi cháy nhà kiểu gì cũng lòi ra mặt chuột, ngày càng có nhiều tin các nước giàu, nhanh chân mua được hàng trước ngỡ ngàng về chất lượng hàng mình “may mắn” mua được từ Trung Quốc. Hà Lan thông báo mấy triệu khẩu trang N95 chẳng lọc được gì vì trong toàn giấy, Tây Ban Nha ném trả lại toàn bộ kit thử nhanh vì độ sai lệch lên tới 70-80%, những nước nhỏ mà nghèo như Hung đã trót dốc hết ví ra mua hàng rồi thì ỉm tịt, phát biểu trên báo chí “mỗi hàng mỗi nước nhập về chất lượng mỗi khác!”. Dân Hung cũng đành thở dài: thôi mình nghèo thi mình chịu, ối nơi bị lừa to kia kía.
Một khía cạnh ít người nghĩ tới ngoài việc phải mua khẩu trang đắt với chất lượng không đảm bảo là vấn đề môi trường. Nếu sử dụng đúng cách, một người bình thường phải dùng tới gần chục chiếc khẩu trang giấy mỗi ngày, dùng rồi vứt, dùng rồi vứt… Mấy ai nghĩ rằng đang tạo ra một lượng rác khổng lồ cho chính môi trường mình đang sống!
Chính tại thời điểm này, Việt Nam - một trong những nước nghèo nhất thời kỳ chống dich Covid-19, không những đẫ kiên cường giữ cho khỏi bị “vỡ toang” hàng tháng trời qua mà khi “cái khó ló cái khô”, đã phát minh ra một loại khẩu trang vải kháng giọt bắn kháng khuẩn 3 lớp…
Với may mắn 30 năm hợp tác với khách hàng Nhật Bản, Vinatex nhận ra chính loại vải dệt thoi rất khít được tráng lớp nano bạc rất thích hợp trong hoàn cảnh này. Bấy lâu nay công ty chỉ may quần áo bảo hộ bác sĩ mổ cho Nhật với loại vải này.
Khẩu trang mới ra mắt ngày 17-3-2020 của Tập đoàn Vinatex có lớp ngoài sản phẩm là vải dệt thoi kháng nước, kháng bụi, kháng khuẩn công nghệ Nano bạc. Đây là lớp vải đặc biệt khác hẳn với những khẩu trang thời trang tự may bằng vải từ trước tới nay. Như ai cũng biết, virus sẽ lây lan qua những giọt bắn khi nói chuyện và tiếp xúc. Khẩu trang bình thường nếu không có lớp cách nước sẽ không làm được chức năng này. Theo thử nghiệm khi cấy hai loại vi khuẩn Escherichia Coli và Staphylococcus trên vải kháng khuẩn, sau 24 giờ đồng hồ, lượng vi khuẩn giảm tới 97%!
Đặc tính kháng khuẩn giữ được qua 30 lần giặt bằng xà phòng bình thường. Như vậy vừa giảm giá thành cho người sử dụng, vừa đỡ hủy hoại môi trường. Chất liệu vải nhẹ, êm không gây bí thở khi sử dụng lâu dài, và thân thiện với da mặt. Phải công nhận công nhân của Vinatex có tay nghề rất cao vì khi may 3 lớp vải, vật liệu rất dễ xô lệch, không phẳng khó tạo form. Nhưng rồi ai cũng học hỏi được kỹ thuật mới, làm hết, may hết rất thành thạo. Thời điểm này, công suất của Vinatex đã lên tới con số đáng khâm phục: 100 triệu khẩu trang một tháng! Đảm bảo được phục vụ thị trường trong nước và xuất ra nước ngoài tạo công ăn việc làm và thu nhập cho công nhân.
Điều cốt lõi, giá thành của một chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn công nghệ mới chỉ bằng một chiếc khẩu trang giấy Trung Quốc xuất sang Châu Âu!
Sau một thời gian lúng túng, giờ đây nhiều nơi ở Châu Âu và cả Mỹ cũng ra sắc lệnh bắt buộc ra đường phải có khẩu trang, nhất là khi di chuyển trên các phương tiện công cộng, vào những không gian kín. Như vậy khẩu trang vải thật là một giải pháp tối ưu cho mọi người dân.
Khi được hỏi “làm cách nào để ngành dệt may Việt Nam vượt qua giai đoạn khủng hoảng dịch bệnh này?”, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex nói: “Đây là lúc mọi ứng xử với nhau phải xuất phát từ cái tâm chân thành”. Tôi nghĩ rằng chính suy nghĩ này và những sáng tạo của Tập đoàn Vinatex sẽ góp phần giúp Việt Nam và thế giới vượt lên chống lại được dịch bệnh trong thời gian tới.
Bác sĩ Đặng Phương Lan
(từ Budapest)
Theo Nhịp cầu TG online