Bạc Liêu: Tấm lòng người cao tuổi được đặt cả tên "cầu, đường Phụ Lão"

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Với phong trào “Tuổi cao - Gương sáng”, nhiều người cao tuổi Bạc Liêu đã ra sức hiến kế, hiến công, nêu gương ở nhiều lĩnh vực, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng quê hương nông thôn mới…

UBND tỉnh Bạc Liêu vừa phối hợp cùng Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị biểu dương người cao tuổi tiêu biểu trong phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng” giai đoạn 2015 - 2020.

Bạc Liêu: Tấm lòng người cao tuổi được đặt cả tên cầu, đường Phụ Lão - 1

Bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể Hội Người cao tuổi có thành tích trong công tác người cao tuổi ở các địa phương.

Ông Trang Thanh Sơn, Phó trưởng Ban đại diện Hội NCT tỉnh Bạc Liêu, nhấn mạnh, NCT Bạc Liêu trong tỉnh có truyền thống đoàn kết, yêu nước, là lớp người đã từng trải qua các giai đoạn lịch sử của cách mạng Việt Nam, có công sinh thành, nuôi dạy con cháu nên người, có vị trí, vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội, lời nói, hành động, việc làm của NCT là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.

Toàn tỉnh Bạc Liêu có hơn 88.650 NCT, chiếm 9,77% dân số chung của tỉnh; có 80.000 hội viên Hội NCT. HIện nay, có 2.188 NCT có điều kiện, còn sức khỏe tiếp tục tham gia công tác ở địa phương, trong đó có trên 1.900 NCT đang tham gia công tác tại các xã, phường, thị trấn, khóm, ấp,…

Tại hội nghị, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tặng Bằng khen cho ông Trần Văn Nay, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Vĩnh Lợi.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tặng Bằng khen cho ông Nguyễn Hiền Lương, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Bạc Liêu và 10 tập thể, 20 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng” trong giai đoạn 2015 - 2020.

Trong các năm qua, NCT Bạc Liêu đã xuất hiện nhiều gương sáng trong các phong trào sản xuất, kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo bền vững; khuyến học, khuyến tài; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh…

Qua các hoạt động tuyên truyền, đã vận động trên 20.000 hội viên và NCT còn sức khỏe, có điều kiện, kinh nghiệm, có tay nghề tham gia phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực và một số ngành nghề truyền thống ở địa phương, trong đó có trên 12.000 cụ là chủ doanh nghiệp, chủ cửa hàng sản xuất, kinh doanh có doanh thu hằng năm từ 200 triệu đồng đến trên 20 tỷ đồng.

Điển hình như cụ Huỳnh Văn Tào (70 tuổi, huyện Hòa Bình), cụ Phạm Văn Công (67 tuổi, thị xã Giá Rai), cụ Lâm Văn Thành (65 tuổi, TP Bạc Liêu), cụ Trần Văn Bé (65 tuổi, huyện Phước Long), các cụ là những chủ doanh nghiệp hằng năm doanh thu mỗi cụ đạt từ 10 - 24 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 300 lao động có việc làm, bình quân mỗi lao động có thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.

Trong lĩnh vực khuyến học, khuyến tài, toàn tỉnh hiện có trên 173.500 hộ được công nhận là gia đình học tập, trong đó có trên 70% hộ có NCT; trên 80% dòng họ học tập, đa số trưởng dòng họ đều là NCT. Hằng năm, các cụ đã phối hợp vận động, giúp đỡ cho hàng trăm học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện đến trường.

Nhiều NCT đã đầu tư cho con cháu ăn học, đỗ đạt thành tài, có công ăn việc làm ổn định. Như cụ Võ Văn Luận (67 tuổi, huyện Phước Long) đã vận động con cháu thành lập Quỹ khuyến học của gia đình, mỗi năm trên 15 triệu đồng và 3 người con của cụ đều tốt nghiệp cao đẳng, đại học.

Chia sẻ của cụ Trần Minh Mười - người cao tuổi tiêu biểu

Bên cạnh đó, toàn tỉnh có hàng chục ngàn lượt cán bộ, hội viên và NCT đã đóng góp tiền, vật tư, hàng ngàn ngày công lao động, hiến hơn 200.000m2 đất để làm các công trình dân sinh, với tổng giá trị trên 100 tỷ đồng, góp phần cùng địa phương nâng cấp, sửa chữa hàng trăm tuyến lộ, cầu giao thông,... để xây dựng nông thôn mới.

Điển hình như cụ Trần Minh Mười (69 tuổi, Chủ tịch NCT xã Tân Thạnh, thị xã Giá Rai) đã đăng ký đảm nhận xây dựng một tuyến lộ bê tông hơn 1,8km và cụ Bùi Trung Cộng (71 tuổi, Chủ tịch NCT xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) đã đảm nhận xây dựng một cây cầu bê tông dài 27m. Các cụ đã vận động cán bộ, hội viên, NCT, con cháu trong gia đình góp tiền, vật tư… và sau 2 tháng thi công đã hoàn thành 2 công trình trị giá trên 200 triệu đồng. Đặc biệt, tuyến lộ và cây cầu này đã được đặt tên là "đường Phụ Lão", "cầu Phụ Lão".

Cụ Trần Minh Mười chia sẻ, công tác chăm sóc NCT là rất quan trọng, do đó cụ đã chủ động phối hợp với các ngành trong xã nắm chặt tình hình NCT để có đề xuất kịp thời những vấn đề quan trọng, bức xúc trong NCT. Như vấn đề tổ chức mừng thọ, chúc thọ các cụ hằng năm gần 100 cụ, kinh phí hàng chục triệu đồng, trong đó có nguồn từ “Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò NCT” do cụ và Hội NCT xã thành lập; vấn đề trợ cấp xã hội hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các cụ đầy đủ; chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho các cụ cũng được thực hiện thường xuyên.

Bạc Liêu: Tấm lòng người cao tuổi được đặt cả tên cầu, đường Phụ Lão - 2

Ông Nguyễn Huy Thái, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Bạc Liêu (giữa) trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân người cao tuổi có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Tuổi cao - Gương sáng".

Cụ Võ Văn Luận (67 tuổi, Chủ tịch NCT xã Phong Thạnh Tây B, huyện Phước Long) có tham luận cho biết, ngoài thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với NCT, cụ đã chủ động đề xuất cùng NCT ở xã có điều kiện ủng hộ trên 100 triệu đồng và cá nhân cụ kêu gọi 3 người con trích một phần thu nhập, vận động bạn bè ủng hộ trên 300 triệu đồng. Từ số tiền có được, Hội NCT xã đã tổ chức chăm sóc, giúp đỡ cho hàng trăm hội viên, NCT có hoàn cảnh khó khăn.

“Cán bộ làm công tác NCT ở cơ sở nói chung, phải là người có tâm huyết, có trách nhiệm, uy tín với tổ chức và NCT, xem công tác này chính là tình thương và trách nhiệm của mình, mọi nguồn lực được các tổ chức, cá nhân ủng hộ phải báo cáo đầy đủ, kịp thời công khai minh bạch, không để thất thoát xảy ra”, cụ Luận chia sẻ bài học kinh nghiệm trong công tác NCT trong tham luận của mình.

Bà Lâm Thị Sang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nhấn mạnh, tuy tuổi cao, sức khỏe kém nhưng với ý chí vươn lên, với kinh nghiệm và uy tín của bản thân, hàng ngàn cụ NCT trong tỉnh đã vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng, góp phần làm giảm bớt khó khăn, thách thức khi Việt Nam ta đang bước vào ngưỡng cửa của già hóa dân số, tạo cơ hội cho NCT còn sức khỏe và có điều kiện tiếp tục cống hiến cho gia đình, cho xã hội,...

Bạc Liêu: Tấm lòng người cao tuổi được đặt cả tên cầu, đường Phụ Lão - 3

Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu Lâm Thị Sang đề nghị các cấp Hội Người cao tuổi, địa phương không để người cao tuổi nào được hưởng chế độ mà không được hưởng.

"Các cấp Hội Người cao tuổi trong tỉnh, nhất là cơ sở cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với người cao tuổi, như trợ cấp xã hội hàng tháng, mừng thọ, chúc thọ, bảo hiểm y tế, quản lý theo dõi bệnh và khám sức khỏe định kỳ cho các cụ, hỗ trợ kịp thời mai táng phí khi các cụ qua đời...; không để cụ nào được hưởng chế độ mà không được hưởng", Phó Chủ tịch Bạc Liêu đề nghị rõ.