Bà mẹ "ôm con cõng cả thế giới" từng gây sốt mạng, giờ ra sao?
(Dân trí) - Cách đây 14 năm, bức ảnh một người phụ nữ trẻ cõng trên lưng bao tải khổng lồ còn trên tay ôm em bé sơ sinh từng khiến dư luận Trung Quốc xôn xao. Đến nay, số phận của bà mẹ và em bé thế nào?
Người phụ nữ "ôm con cõng cả thế giới"
14 năm trước, tại nhà ga Nam Xương (Trung Quốc), khoảnh khắc một người mẹ trẻ mang theo khối lượng hành lý khổng lồ cao hơn người, một tay xách balo còn tay kia ôm đứa con nhỏ đang ngủ say sưa vô tình lọt vào ống kính phóng viên Chu Khoa của Tân Hoa Xã.
Bức ảnh sớm trở thành hiện tượng gây xôn xao dư luận nước này, nhận giải vàng trong cuộc thi nhiếp ảnh. Nhiều người xúc động, băn khoăn đặt câu hỏi không biết số phận của người mẹ và em bé giờ ra sao?
Suốt nhiều năm liền, phóng viên Chu Khoa liên tục tìm kiếm người mẹ để tìm hiểu xem số phận của hai mẹ con ra sao. Nhưng kết quả đều vô vọng. Tới tận năm 2021, anh mới lần tìm ra nơi cô gái đang sinh sống.
Danh tính của người phụ nữ cũng được xác nhận. Cô gái có tên Ba Mộc Ngọc Bố Mộc. Cô là người dân tộc Di, sống ở huyện Việt Tây, tỉnh Tứ Xuyên.
Bức hình được chụp vào thời điểm người mẹ 21 tuổi kết thúc ngày làm việc cuối cùng trong năm ở Nam Xương và bắt chuyến tàu về quê.
Lúc đó, cô con gái trong tay mẹ mới vài tháng tuổi. Hai mẹ con nghỉ một đêm ở Thành Đô rồi lại bắt tàu ngồi 14 tiếng về quê. Suốt hành trình về quê kéo dài 3 ngày 2 đêm. Để chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cho con, Ba Mộc mang mọi thứ từ quần áo, tã lót, sữa cho tới mì ăn liền.
Ba Mộc chưa từng đến trường. Cô không biết chữ, cuộc sống chỉ quanh quẩn cắt cỏ, chăn gia súc. Năm 18 tuổi, cô lấy chồng sinh con. Cô gái dân tộc Di không hề biết mình nổi tiếng trên mạng chỉ nhờ một tấm ảnh.
Khi được hỏi về em bé, Ba Mộc không giấu nổi nước mắt. Cô cho biết năm 21 tuổi đã sinh 2 con. Sau đó hai vợ chồng rời quê nhà tới thành phố xin làm bốc vác trong một xưởng gạch.
Không có tiền gửi con, Ba Mộc thường địu em bé trên lưng tới chỗ làm. Lúc con lâm bệnh, vì không có tiền đưa tới bệnh viện, lại không biết tiếng phổ thông, cô bàn với chồng đưa con về quê.
Thời điểm phóng viên Chu Khoa chụp ảnh là lúc Ba Mộc đưa con gái thứ 2 về nhà. Do mắc bệnh không được chạy chữa, em bé đã qua đời.
Cái chết của con khiến cô lâm vào trạng thái trầm cảm, luôn tự dày vò bản thân. Sau khi có em bé thứ 3, gia đình cũng không giữ được con. Sau khi chứng kiến 2 con lần lượt qua đời, cô nhốt mình trong phòng và muốn tự giải thoát. Nhưng nghĩ tới con gái lớn, Ba Mộc cố gượng dậy.
Cuộc đời sang trang
Vì không muốn cuộc đời mãi tăm tối, Ba Mộc bàn với chồng rời quê lên thành phố đi xin việc như trước. Nhưng lúc này, huyện Việt Tây có chương trình hỗ trợ người dân làm nghề để xóa đói giảm nghèo từ cây ăn quả, cây trồng lấy thuốc.
Năm đầu tiên, hai vợ chồng kiếm được 5.000 tệ (18 triệu đồng). Với Ba Mộc, đây là con số lớn bởi gia đình quanh năm túng bấn. Sau đó, chị lần lượt sinh thêm 3 người con gồm một trai, 2 gái.
Năm 2018, nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền xã và tiết kiệm thêm, cả hai xây nhà mới khang trang hơn, không còn chạy ăn từng bữa như trước.
Những năm tiếp theo, diện tích trồng cây tăng lên gấp 3, tổng thu nhập một năm đạt 100.000 tệ (350 triệu đồng). Cuộc sống của cả nhà khấm khá còn các con không chịu cảnh mù chữ như bố mẹ.
Trước dịp Tết Nguyên Đán năm 2024, phóng viên Chu Khoa lại một lần nữa về thăm gia đình Ba Mộc. Người mẹ 4 con cho biết hai vợ chồng trước đó từng làm công nhân lắp ráp cho một nhà máy điện tử nhưng lần này quyết định về hẳn quê nhà lập nghiệp.
"Chúng tôi sẽ mở rộng diện tích trồng cây. Ngoài việc tiết kiệm, giờ tôi chỉ mong cuộc đời các con sẽ thay đổi không tăm tối như đời của cha mẹ chúng", người mẹ bộc bạch.