Đắk Nông:
Anh nông dân hiến đất để xây trường, làm nhà văn hóa
(Dân trí) - Hơn 4000 m2 đất mặt đường được anh nông dân người M’Nông- Điểu Tam hiến tặng để xây trường mầm non và nhà văn hóa cộng đồng. Khi được hỏi về hành động này, Điểu Tam cho biết, anh chỉ mong muốn bà con và các cháu trong bon không phải vất vả.
Đầu năm 2018, con đường dẫn vào bon Đắk R’Moan (xã Đắk R’Moan, TX. Gia Nghĩa) như được “khoác thêm áo mới”. Hai bên đường, trường mầm non, rồi nhà truyền thống mới được xây dựng, trở thành điểm nhấn của bon. Hỏi ra mới biết, đây là công trình được thị xã Gia Nghĩa đầu tư xây dựng trên phần đất do anh Điểu Tam tự nguyện hiến với tổng diện tích khoảng 4.000m2 .
Căn nhà nhỏ của vợ chồng Điểu Tam sinh sống cùng 6 đứa con nằm ở giữa bon Đắk R’Moan. Phải đến 11 giờ hơn, cha con Điểu Tam mới đi rẫy về, gương mặt nhễ nhại mồ hôi, nhưng người đàn ông này vẫn hồ hởi đón tiếp khi biết chúng tôi tới đây tìm hiểu về việc hiến tặng đất của gia đình.
Người đàn ông M’Nông cười xuề xòa, nói rằng: “Mấy hôm nay nhiều người đến đây hỏi thăm, chụp hình mình lắm. Ngày trước, thấy bon thiếu đất xây trường, làm nhà văn hóa cộng đồng thì gia đình mình cho thôi, chứ không phải để lên báo, lấy bằng khen đâu!”.
Điểu Tam cho biết, những năm trước, mấy chục trẻ mầm non của bon phải học trong một căn nhà tạm bợ, ngày nắng thì nóng; ngày mưa thì ẩm ướt nên rất thương mấy đứa nhỏ. Điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, nhiều gia đình phải đưa con đi học tận ngầm 18 (cách bon gần 10km), việc đưa đón rất vất vả nhất là vào mùa mưa.
“Ngày xưa vợ chồng mình cũng không có điều kiện ăn học, con thì đứa được đến trường, đứa nghỉ học do xa quá. Mình may mắn khi biết được ít chữ, riêng vợ thì không được đi học, đến nay vẫn không biết chữ. Bây giờ, thương con cháu phải đi học đường xa, nên khi thôn vận động hiến đất để làm trường, hai vợ chồng mình đồng ý ngay”, vợ chồng anh Điểu Tam vui vẻ kể về chuyện hiến đất.
Mảnh đất nằm ngay trục đường chính chạy qua bon, ngày xưa được anh em trong gia đình Điểu Tam khai phá. Trước đây gia đình trồng điều, mỗi năm đều đem lại một khoản thu nhập đáng kể, nhưng không vì vậy mà người đàn ông này tiếc nuối khi hiến tặng.
“Mình còn hai đứa con đang đi học, nên việc hiến đất xây trường này không những giúp cho con em trong bon mà con cháu của mình cũng được hưởng lợi. Từ ngày khởi công đến khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, hai vợ chồng mình đều đi xem tiến độ xây dựng trường đến đâu. Mừng lắm, vì trẻ trong bon từ nay được học ở nơi đàng hoàng”, anh nông dân chia sẻ thêm.
Sau khi hiến đất xây trường mầm non, vợ chồng Điểu Tam lại tiếp tục hiến một miếng đất liền kề để xây dựng nhà truyền thống. Nhiều người nói Điểu Tam “khùng” vì cho không diện tích đất lớn mà không đòi hỏi quyền lợi, nhưng anh chỉ cười cho qua.
Anh kể: “Từ trước tới nay, bà con trong bon chỉ có dịp gặp gỡ nhau tại nhà thờ, lại thiếu sự gắn kết trong việc sinh hoạt tập thể, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, nên việc xây dựng nhà truyền thống của bon là rất cần thiết. Thế nên, khi có đề xuất xây dựng một căn nhà truyền thống, mình đề nghị làm luôn trên đất nhà mình, sau này mảnh đất ấy tặng luôn cho bon”.
Đầu năm 2018, căn nhà dài truyền thống của cộng đồng người M’Nông bon Đắk R’Moan đi vào sử dụng. Đối với người dân, đây không chỉ là nơi sinh hoạt, gắn kết cộng đồng mà còn là lưu giữ những di sản truyền thống văn hóa dân tộc mình để truyền lại cho thế hệ sau.
“Mình bán mảnh đất đấy cũng được, nhưng có tiền rồi cũng sẽ tiêu hết, chỉ có xây nhà truyền thống thì nó mới không bao giờ mất. Thấy các cháu nhỏ có nơi học hành thuận tiện, bà con có nơi tụ tập, giao lưu, mình cảm thấy rất vui vì việc làm có ích cho xã hội. Thực tế, không riêng gì gia đình mình, mà nhiều bà con ở địa phương khác cũng hiến đất để bon làng ngày càng khang trang, khởi sắc hơn mà”, Điểu Tam nói giọng chân chất.
Già làng Điểu Nham, trưởng bon Đắk R’Moan cho biết: “Nhà truyền thống là không gian sinh hoạt chung cho bà con, sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu niên và là nét đẹp văn hóa dân tộc. Việc xây dựng được bà con trong bon ủng hộ, mỗi người góp công, góp sức để xây dựng, đặc biệt là gia đình Điểu Tam hiến tặng cho bon mảnh đất đó luôn”.
Được biết, nhà văn hóa truyền thống này sẽ góp phần thực hiện việc xây dựng mô hình bon trọng điểm về văn hóa du lịch của tỉnh Đắk Nông. Đây là nơi trưng bày những hiện vật gắn với sự hình thành và phát triển của bon Đắk R’Moan cũng là nơi lưu giữ những hiện vật đặc trưng trong đời sống sinh hoạt người M’Nông.
Đánh giá về việc làm ý nghĩa của Điểu Tam, trưởng bon Đắk R'moan- Điểu Nham cho biết: “ Quỹ đất của địa phương hạn chế, việc anh Điểu Tam tự nguyện hiến đất giúp xã giải tỏa áp lực hoàn thành nông thôn mới về các tiêu chí xây dựng hạ tầng cơ sở. Việc hiến tặng đất rất có ý nghĩa, thể hiện sự đồng lòng, nhất trí cao về các chủ trương, chính sách. Đồng thời, giúp Nhà nước tiết kiệm được kinh phí trong công tác giải phóng mặt bằng, đền bù, hỗ trợ”.
Dương Phong