An toàn thực phẩm Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức

(Dân trí) - Dư lượng hóa học bảo vệ thực vật trong rau quả, dư lượng kim loại nặng, hoóc môn... là thách thức lớn về an toàn thực phẩm hiện nay. Ngộ độc, virus, ký sinh trùng, tay chân miệng… là hậu quả của việc sử dụng thực phẩm không đảm bảo chất lượng.

Theo báo cáo, mỗi năm trên Thế giới có khoảng 40 triệu vụ ngộ độc xảy ra, riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm tới 50%. Theo tổ chức Y tế thế giới, 50% ca tử vong trên toàn cầu có liên quan đến thực phẩm.

Tại Việt Nam, tình trạng thực phẩm không an toàn được bày bán trà lan hiện nay đang là nỗi lo của mọi nhà, đặc biệt trong dịp Tết khi nhu cầu thực phẩm tăng cao và ồ ạt thì việc kiểm soát nguồn thực phẩm trên thị trường lại càng trở nên khó khăn.

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết thêm, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi cả nước có 1.500 người đến khám vì ngộ độc thức ăn, 5 người tử vong. Những con số “biết nói” như trên về thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết đã khiến nhiều người lo sợ.

Mới đây một cuộc Hội thảo Sức khỏe và An toàn Thực phẩm đã được diễn ra ở Hà Nội do TW Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tổ chức. Tại buổi hội thảo, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Trưởng Ban Gia đình và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh rằng an toàn thực phẩm là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu đối với sức khỏe con người. Chính vì thế người nội trợ cần đặc biệt chú ý lựa chọn thực phẩm an toàn cho các bữa ăn hằng ngày của gia đình, đặc biệt là trong dịp Tết cổ truyền sắp đến.

 


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ông Đỗ Hữu Tuấn – Cục Phó Cục An toàn thực phẩm cung cấp thông tin: Tại Việt Nam, an toàn thực phẩm là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu đối với sức khỏe con người. Nhiều luật bảo vệ sức khỏe cũng như văn bản nghị định đã được đưa ra nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, trên thực tế việc buôn bán thực phẩm ở Việt Nam quy mô vẫn còn nhỏ lẻ dẫn đến việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn. Nhiều bệnh truyền nhiễm do sử dụng thực phẩm không an toàn như virus, ký sinh trùng, tay chân miệng, … vẫn diễn ra.

Hiện nay, Việt Nam đang phải đổi mặt với nhiều thách thức do tình trạng mất vệ sinh ở các lò mổ gia súc, gia cầm, hàng quán ven đường, các bếp ăn tập thể. Tình trạng dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong rau quả, dư lượng kim loại nặng, hoóc môn, kiểm soát trong sản phẩm thực vật. Trạng thực phẩm giả, kém chất lương nhập lậu qua biên giới còn nhiều… dẫn đến ô nhiễm, mất an toàn VSTP.

Theo phâm tích của ông Hữu Tuấn, nguyên nhân dẫn tới mất an toàn VSTP là do trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh tực phẩm còn ảnh hưởng bởi mục tiêu kinh doanh vì lợi nhuận. Nhận thức, thực hành và trách nhiệm của người tiêu dùng chưa cao, còn nhiều thói quen không đảm bảo an toàn thực phẩm. Tình trạng gian dối trong thương mại buôn lậu thực phẩm khó quản lý triệt để…

Đại diện Viện Kiểm nghiệm Thực phẩm, bà Lê Thị Hồng Hảo cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn mua những loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, sản phẩm đã được chứng nhận và kiểm nghiệm bởi cơ quan chức năng. Tuyệt đối không dùng thực phẩm đã hết hạn sử dụng, nên trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để tránh ăn phải các loại thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên.

Nhữ Trang