Ấn Độ: nước biển hóa vị ngọt
(Dân trí) - Hàng nghìn người đang đổ xô về thành phố Mumbai, Ấn Độ để nếm thử vị ngọt diệu kỳ của nước biểm Mahim, sự hiếu kì xem lẫn những hoài nghi hư thực về hiện tượng độc đáo được coi là “dấu thánh”.
Đông đảo dân chúng, chủ yếu là người Hồi giáo sùng đạo từ khắp nơi xa xôi đã tụ tập ở đây từ chiều tối hôm thứ 6 tuần trước (18/8), vừa nếm nước biển ngọt, vừa tranh thủ đóng chai đem về cho người thân.
Ông lão Rafique vừa nhấp từng ngụm nước bùn đục ngầu, vừa hồ hởi: “Rõ là nước có vị ngọt. Chúng tôi xem đây là sự cầu phúc của thần Baba. Tôi sẽ mang về 1 ít cho 2 cụ thân sinh và 2 đứa con trai tôi đang trông chờ ở nhà”.
Một số người khác thì cho đây là hành động ban phước lành của thánh Makhdoom Ali Mahimi - sống thế kỷ thứ 13, hiện đang được thờ cúng trong 1 ngôi đền nổi tiếng linh thiêng ở Mahim.
Dù là thánh nào phù hộ đi nữa thì cảnh sát vẫn cứ phải trông chừng tính mạng cho những kẻ sùng đạo thái quá, nhất là khi thủy triều lên cao. Còn các quan chức y tế địa phương thì rát cả họng cảnh báo nước biển mất vệ sinh không nên uống chút nào.
| |
Hỗn loạn trên bờ biển Mahim |
Để làm rõ nội tình sự việc kỳ lạ, cơ quan y tế Ấn Độ đã nhanh chóng lấy mẫu nước từ các bờ biển chính của Mumbai là Dadar, Prabha Devi, Juhu và đem đi thử nghiệm.
Kết quả cho thấy, hàm lượng clorua-natri (muối ăn) trong các mẫu nước chỉ đạt 600PPM (phân tử trên 1 triệu), thay vì nồng độ 10.000 PPM như nước biển thông thường.
Giám đốc Viện Hải dương học Quốc gia, ông S Shetye giải thích hiện tượng này như sau: “Có thể giữa lúc thủy triều rút, ảnh hưởng của dòng nước ngọt được tăng cường lên gấp bội. Khi đó có người uống nước biển, thấy kém mặn hơn hẳn bình thường và cho rằng nước có vị ngọt, thế là rùm beng bắt đầu. Cũng có khả năng nước sông quá đầy và tràn ra các nhánh của Mahim, hiện tượng này còn phải theo dõi thêm”.
Tuy nhiên, việc làm sáng tỏ bí ẩn nước biển ngọt vẫn không làm nguôi ngoai “cơn khát” của dân tình. Giải thích cứ việc giải thích, uống vẫn cứ uống, nhiễm bệnh cũng chẳng màng, ai mà cấm được?
Thùy Vân
Theo AFP