Ấm lòng những suất cơm 1.000 đồng giúp đỡ bệnh nhi ung thư ở Hà Nội
(Dân trí) - Hơn một tháng nay, vào thứ 5 và chủ nhật hàng tuần, "Quán cơm 1k" được khởi xướng bởi anh Trần Trung Kiên lại có mặt ở cổng một số bệnh viện để gửi tặng những suất cơm đến bệnh nhi ung thư khó khăn.
Ý tưởng mở quán cơm được anh Trần Trung Kiên, 35 tuổi (Ba Đình, Hà Nội) ấp ủ từ nhiều năm nay bởi chưa tìm được địa điểm để nấu lâu dài. Tháng 10 vừa qua, một tình nguyện viên của quán cơm đã cho mượn không gian quán vào hai ngày thứ 5 và chủ nhật hàng tuần nên ông bố trẻ đã kêu gọi mọi người cùng chung tay nấu cơm tặng cho các em nhỏ ở bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện E, bệnh viện Bạch Mai...
Từng chăm con gái điều trị ung thư ở bệnh viện Nhi Trung ương, hơn ai hết, anh Kiên hiểu rất rõ những đau đớn của các con: "Các bé bệnh nhi ung thư phải truyền hóa chất nhiều nên rất mệt, dinh dưỡng bữa ăn rất quan trọng. Chúng tôi đã lên thực đơn gồm 3 món mặn, cơm, rau, canh, bánh và sữa để các con có thêm năng lượng chiến đấu bệnh tật".
Khi biết con gái bị bệnh, anh Kiên xin xuất ngũ để đồng hành cùng con, anh thực hiện nhiều chuyến thiện nguyện lên vùng cao, tổ chức Tết Trung thu cho các em nhỏ, và mở "quán cơm 1k": "Để bố mẹ không mặc cảm, chúng tôi quyết định thu phí 1.000 đồng/suất cơm, tuy nhiên vì dịch bệnh nên nhóm hỗ trợ các con, không thu tiền. Quán cơm đã thực hiện được 10 buổi, mỗi ngày một thực đơn mới", anh Kiên nói.
Anh Đỗ Vy Anh (50 tuổi) ở Cầu Giấy, Hà Nội là một họa sĩ và dạy cắm hoa cho biết, dù chỉ phát 2 buổi nhưng nhóm phải làm việc trong 4 buổi, bởi những món mặn chế biến cầu kỳ phải chuẩn bị nguyên liệu, sơ chế từ chiều tối hôm trước, sáng sớm hôm sau chuẩn bị rau và những món chế biến nhanh thì mới kịp gửi đến các bé vào lúc 10 giờ trưa.
"Tôi quen Kiên trong nhóm của những người yêu nấu ăn, tham gia nhiều chương trình thiện nguyện thiện nguyện cùng Kiên nên khi biết bạn ấy mở quán cơm này tôi cũng đến đây góp sức cùng mọi người", anh Đỗ Vy Anh nói.
Dù đi làm hành chính cả tuần, nhưng chị Trần Hoàng Linh (Mỹ Đình, Hà Nội) vẫn thu xếp thời gian, công việc để đến điểm nấu cơm đều đặn vào 7 giờ sáng, cùng các tình nguyện viên nhặt rau, rán xúc xích, dọn dẹp, đi tặng cơm.
"Nhìn các em nhỏ trạc tuổi như con mình phải chiến đấu với bệnh tật, tự trong lòng mình thức tỉnh và thôi thúc mình cần làm điều gì đó để chia sẻ cùng con. Tôi nghĩ, nếu muốn thực hiện thì dù công việc có bận đến mấy mình cũng có cách sắp xếp để đến quán phụ cùng mọi người nấu cơm", chị Linh chia sẻ.
9 giờ 30 sáng, sau khi các món ăn đã hoàn thành, đến công đoạn đóng hộp chuyển tới các viện, anh Kiên hô lớn: "Hôm nay đi viện Nhi 104 suất, viện E 16 suất và viện Bạch Mai 25 suất".
Anh Kiên cho biết, kinh phí để thực hiện các suất cơm được anh kêu gọi trên facebook cá nhân, anh mở tài khoản riêng, ai ủng hộ quán cơm hệ thống sẽ tự cập nhật minh bạch. Tuy nhiên 10 buổi nấu cơm vừa qua, quán chưa phải chi tiền quỹ nhiều vì được mọi người ủng hộ thực phẩm, người thì thùng sữa, người gửi những bịch rau tươi từ Đà Lạt ra, người mang tới bịch xúc xích, bánh ngọt…
Trước khi nấu, anh Kiên dựa vào số lượng các bố mẹ ở một số nhóm của bệnh viện đăng ký cơm để chuẩn bị nguyên liệu cho phù hợp. Trung bình, mỗi lần tiệm nấu từ 140-160 suất.
Đưa con lên viện Nhi điều trị bệnh bạch cầu cấp, anh Đỗ Đình Vinh (43 tuổi), ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang có mặt từ sớm ở cổng viện chờ nhóm chú Kiên phát cơm đến, anh nói: "Tôi biết đến quán cơm 1.000 đồng của Kiên 2 tháng nay, trừ những hôm hai bố con về quê còn đã lên viện Nhi lần nào cũng đăng ký nhận suất cơm của nhóm chú Kiên. Cơm các cô chú làm nhiều món, cháu nhận được rất vui, phụ huynh như chúng tôi cũng giảm đi được phần nào".
Lần đầu tiên đăng ký "cơm 1000 đồng" của nhóm anh Kiên, bế cô con gái nhỏ đến nhận cơm, chị Chẻo Thị Minh (21 tuổi) bất ngờ vì suất cơm đầy đủ các món, ngoài ra còn có thêm bánh, sữa. Chị liên tục nói "Cảm ơn các cô, các chú".
Buổi tặng cơm kết thúc khi những suất cơm cuối cùng được trao tận tay các bố mẹ, anh Kiên nói trong hạnh phúc: "Tôi vui lắm, nhìn bố mẹ dắt theo con đến nhận cơm làm tôi cũng nhớ con gái lắm nhưng phải kìm nén, mạnh mẽ, cố gắng thực hiện những điều ý nghĩa hơn nữa cho các bé, cho cộng đồng".