9x sở hữu một vạn tờ tiền cổ: Bỏ làm giảng viên để theo đuổi đam mê
(Dân trí) - Từ bỏ cơ hội làm giảng viên đại học để đi theo đam mê sưu tầm tiền cổ, Trần Văn Nam (SN 1992, sống tại TP. Đà Nẵng) đang sở hữu bộ sưu tập tiền cổ, tem phiếu, giấy tờ cổ đồ sộ.
Bỏ việc ở giảng đường theo đam mê tiền cổ
Khi còn học cấp 3 ở Hà Nam, Nam đã có sở thích sưu tầm những loại tiền cổ, nhưng thời điểm ấy, điều kiện kinh tế không cho phép khiến Nam gác lại đam mê. Sau khi tốt nghiệp Đại học, năm 2012, Nam sang Indonesia học theo dạng trao đổi sinh viên. Ở xứ vạn đảo, Nam được một người thầy truyền cảm hứng, từ đó, đam mê với những tờ tiền cổ được nhen nhóm lại trong anh.
Về nước, anh lại bắt đầu sưu tập tiền cổ. Trong thời gian đến Huế để học tập chuẩn bị sang Nhật Bản làm nghiên cứu sinh, Nam có mang tiền cổ ra phố đi bộ để bán cho những người đam mê. Nhận thấy sức mua của mặt hàng này rất lớn, đôi khi, bán một đêm có thể kiếm được bằng nhiều người đi làm cả tháng, Nam suy nghĩ gác công việc để theo đuổi đam mê.
Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ ở Nhật Bản, Nam về nước. Nhận thấy mức lương giảng viên không đủ để trang trải cuộc sống, anh bỏ hết công việc để "nuôi" đam mê sưu tập.
Nhưng để gắn bó với đam mê và sống nhờ đam mê cũng không hề dễ như Nam tưởng tượng. Lúc mới bắt đầu sưu tập chuyên nghiệp, anh gặp nhiều khó khăn về tài chính vì đây là một "thú vui" tốn kém. Chưa kể, nghề sưu tầm cũng phải cần "duyên", nhiều khi, có tiền cũng không mua được.
"Nghề gì mới bắt đầu cũng chắc chắn phải mất "học phí", nghề này cũng vậy. Bản thân tôi cũng từng mất khoảng 1.000 USD khi đặt mua tiền cổ từ nước ngoài, khi gửi về Việt Nam thì vướng thủ tục nên hàng bị chuyển trả và cũng mất liên lạc với chủ", Nam nhớ lại.
Để sưu tầm được các loại tiền cổ quý, hiếm, Nam chủ yếu dò hỏi, tìm mua của người dân và qua mối lại. Một phần nữa là anh em sưu tầm tiền cổ, tem phiếu cổ trao đổi với nhau. Hiện, số người đam mê, sưu tầm tiền cổ ngày càng tăng nhanh, trong khi lượng tiền không tăng lên khiến giá mua ngày càng cao.
"Tôi cũng gọi là có duyên với nghề sưu tập, lúc mới bắt đầu sưu tầm, tôi tìm hiểu các tờ phiếu gạo được sử dụng ở khu vực Tây Bắc trong giai đoạn 1945-1954. Tôi có một người bạn, ông bà bạn đó sinh sống ở Tây Bắc thời điểm đó, sau chuyển về Đà Nẵng. Biết tôi sưu tầm, người bạn đó đã tặng lại cho tôi số tem phiếu mà ông bà cho bạn. Tôi không mất đồng nào mà vẫn có được bộ sưu tập thuộc dạng của hiếm", Nam kể.
Ấp ủ mở "bảo tàng" tiền cổ
Sau hơn 8 năm bén duyên với nghề sưu tầm tiền cổ, hiện, Nam có bộ sưu tập khoảng 10 ngàn tờ tiền cổ của Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, chưa kể đến các loại tem phiếu, giấy tờ xưa…
Nam đã sưu tầm được 90% tiền cổ của Việt Nam và gần như đầy đủ tiền cổ của các quốc gia trên thế giới. Anh còn xuất bản một cuốn sách với tựa đề "Tiền kỷ niệm của các quốc gia trên thế giới, những điều bạn chưa biết?".
Vào Đà Nẵng từ tháng 8/2019, ban đầu, Nam phải thuê phòng trọ ở đường Ông Ích Khiêm sinh sống. Khi cuộc sống và công việc đã ổn định, anh thuê một ngôi nhà 3 tầng ở đường Duy Tân để mở quán cà phê. Ngoài việc tạo một "bảo tàng" thu nhỏ để trưng bày bộ sưu tập đồ sộ của mình, đây cũng là nơi để những người có đam mê sưu tầm tiền cổ, tem phiếu cổ giao lưu, trao đổi.
"Nếu tôi ở TP HCM và Hà Nội, cơ hội phát triển sẽ nhiều hơn. Nhưng tôi không quen với cuộc sống quá xô bồ và bon chen, vì thế, tôi chọn thành phố đáng sống để có thể nuôi dưỡng đam mê", anh Nam chia sẻ lý do chọn Đà Nẵng là nơi phát triển sự nghiệp.
Quán cà phê của Nam như một "bảo tàng" thu nhỏ của các loại tiền cổ của Việt Nam và thế giới. Mỗi tờ tiền nằm ở vị trí nào đều có dụng ý, bước chân lên từng bậc thang là thấy được hành trình theo chiều dài lịch sử của các loại tiền cổ.
Ở tầng 1, Nam trưng bày tiền giấy từ thời Đông Dương (tiền được người Pháp sản xuất và lưu hành tại 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia), các loại tem phiếu ngày xưa. Ngoài ra, Nam còn sáng tạo kết hợp thư pháp với tiền cổ để tạo ra một bức tranh có ý nghĩa, dùng để trưng bày hoặc biếu tặng.
Ở các cầu thang dẫn lên các tầng, Nam trưng bày quốc kỳ của tất cả các quốc gia trên thế giới. Trên từng lá quốc kỳ là những đồng xu riêng của mỗi nước. Tầng 2 là bộ sưu tập đầy đủ các loại tiền giấy của Việt Nam từ năm 1945 đến nay.
Đặc biệt, Nam dùng những tờ tiền cũ, nát không còn giá trị sử dụng, tạo hình thành bản đồ Việt Nam. Cuối cùng, ở tầng 3 là tiền giấy của các nước trên thế giới qua từng giai đoạn lịch sử khác nhau.
"Các tờ tiền trên 100 năm tuổi tôi sưu tầm được rất nhiều như tiền của Nga, Đức trong giai đoạn 1905 - 1907, tiền Đông Đương trong giai đoạn 1907-1908… Hiện, tôi đang sở hữu một trong những tờ tiền lớn nhất thế giới của Nga được in từ năm 1910", Nam cho hay.
Trong tương lai, Nam đang ấp ủ dự định mở một "bảo tàng" mini để trưng bày các loại tiền cổ, tem phiếu cổ như một nơi lưu giữ lịch sử, kí ức, sự phát triển theo thời gian của tiền tệ, tem phiếu cho con cháu đời sau.