8 loài vật dành trọn mùa đông để ngủ
(Dân trí) - Ngủ đông là món quà đặc biệt của thiên nhiên đối với các loài động vật hoang dã, giúp chúng sống sót qua những tháng mùa đông khắc nghiệt.
Quá trình ngủ đông cho phép một số loài đối phó với mùa đông dài lạnh giá bằng cách giảm nhiệt độ cơ thể xuống đáng kể và rơi vào trạng thái ngủ đông trong nhiều tháng. Nếu không có quá trình này, chúng sẽ không thể sống sót qua mùa đông khắc nghiệt.
Gấu là loài động vật hoang dã phổ biến nhất. Tuy nhiên, chúng không phải là loài vật duy nhất không hoạt động trong suốt mùa lạnh.
1. Rùa
Rùa là loài động vật máu lạnh, có nghĩa là chúng không thể tự tạo ra thân nhiệt. Đây là lý do tại sao chúng phải ngủ đông khi nhiệt độ bên ngoài bắt đầu giảm. Thời gian ngủ đông của các loại rùa khác nhau sẽ khác nhau. Ví dụ, rùa hộp ngủ đông trong khoảng bốn tháng còn rùa nước ngọt chọn cách ngủ đông trong nước, nơi nhiệt độ của chúng vẫn ổn định và không xuống dưới mức đóng băng.
Rùa nước ngọt ngủ đông phụ thuộc vào năng lượng dự trữ trong suốt những tháng lạnh giá và hấp thụ oxy từ nước bằng cách di chuyển oxy đến các bộ phận của cơ thể thông qua các mạch máu. Điều này cho phép rùa có đủ oxy mà không cần sự hỗ trợ của phổi.
2. Rắn
Hầu như tất cả các loài rắn đều đi vào trạng thái ngủ đông vào một số thời điểm trong năm. Tuy nhiên, thời gian ngủ đông của chúng phụ thuộc vào vị trí và loài. Ví dụ, một con rắn ở Minnesota sẽ ngủ đông trong nhiều tháng, trong khi một con rắn ở Texas sẽ chỉ ngủ trong vài tuần. Các loài rắn độc ở Bắc Mỹ như rắn lục, rắn đầu đồng và rắn độc cottonmouth sẽ ngủ đông khi thời tiết lạnh xuống.
Hang động, khe sâu trên sườn đồi đá, lỗ dưới gốc cây hoặc bên trong khúc gỗ mục nát, là một số địa điểm phổ biến nhất để rắn ngủ đông. Một số loài rắn cũng trải qua mùa đông lạnh giá theo nhóm, vì điều này có thể giúp giữ ấm cho nhau. Một con rắn gầy sẽ không thể sống sót trong quá trình ngủ đông nên nó sẽ cần ăn đủ trước khi quá trình này bắt đầu.
Điều thú vị là các loài rắn từ vùng khí hậu nhiệt đới, như trăn lại không hề ngủ đông.
3. Vượn cáo đuôi vòng
Theo Trung tâm Duke Lemur, vượn cáo đuôi vòng được biết đến là loài linh trưởng duy nhất ngủ đông trong một thời gian dài. Thời gian ngủ đông lâu nhất của chúng là bảy tháng một lần. Khi đó, nhiệt độ cơ thể của vượn cáo giảm dần cùng với sự giảm của quá trình trao đổi chất và giảm nhịp tim. Điều này cũng xen lẫn với các giai đoạn khởi động trở lại được gọi là 'kích thích xen kẽ', diễn ra 6-12 ngày một lần trong thời gian ngủ đông.
Trước khi bắt đầu ngủ đông, vượn cáo đuôi vòng tích tụ chất béo ở đuôi bằng cách ăn thật nhiều vào mùa mưa. Khi quá trình ngủ đông bắt đầu, chúng sẽ sống sót nhờ chất béo được tích trữ trong đuôi của mình.
4. Nhím
Nhím được coi là một trong số ít các loài động vật có vú ngủ đông, nhưng chúng không ngủ mà thay vào đó, chúng giảm nhiệt độ cơ thể để phù hợp với môi trường xung quanh và đi vào trạng thái hôn mê. Bằng cách này, chúng tiết kiệm được nhiều năng lượng và làm chậm tất cả các chức năng khác của cơ thể. Tuy nhiên, các hoạt động bình thường sẽ không thực hiện được trong trạng thái ngủ đông.
Nhím ngủ đông từ tháng mười hoặc tháng mười một đến tháng ba hoặc tháng tư. Chúng sẽ tích tụ chất béo trong mùa hè để chuẩn bị cho thời gian không hoạt động vào mùa đông.
5. Dơi
Dơi bắt đầu ngủ đông vào khoảng tháng 10 và tháng 11 khi lũ côn trùng chạy trốn khỏi thời tiết lạnh giá. Những loài động vật có vú biết bay này có thể vẫn bận rộn trong giai đoạn ngủ đông nhưng thường không thực hiện bất kỳ hoạt động nào.
Hình thức ngủ đông của dơi thay đổi tùy theo vùng và sự khác biệt về nhiệt độ theo mùa. Giống như hầu hết các loài động vật có vú, quá trình trao đổi chất của dơi chậm lại đáng kể khi ở trạng thái ngủ đông. Nhịp tim của chúng từ 200-300 nhịp/ phút nay chỉ còn 10 nhịp/ phút. Mặc dù điều này nghe có vẻ nguy hiểm, nhưng nó cho phép dơi duy trì năng lượng ở mức 2% so với các chức năng sống bình thường và cũng có thể tồn tại với một lượng mỡ cơ thể dự trữ tối thiểu trong khoảng sáu tháng.
Vào thời điểm ngủ đông, một con dơi có thể giảm một nửa trọng lượng cơ thể.
6. Ốc sên
Ốc sên là sinh vật thú vị khi nói đến chế độ ngủ đông. Ốc sên bao phủ mình bằng chất nhầy mỏng trong suốt giai đoạn ngủ đông. Về cơ bản, nó trông giống như một chất nhờn khô trên miệng vỏ, bảo vệ chúng khỏi nhiệt độ lạnh trong vài tháng.
Các ngóc ngách trong tường, đá bên dưới hoặc sâu trong lớp lá mục là một số điểm ngủ đông lý tưởng cho ốc sên, vì sương giá sẽ không dễ dàng xâm nhập vào những nơi này.
Hầu hết ốc sên ngủ đông theo nhóm, ở cùng nhau tại các địa điểm ưa thích.
7. Ếch gỗ
Ếch gỗ là một trong số ít các nhóm động vật có thể đóng băng nhưng không chết. Vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân, bạn có thể bắt gặp những con ếch gỗ đang ngủ đông trông như thể chúng đã chết. Tuy nhiên, hoàn toàn không phải vậy.
Trong suốt thời gian ngủ đông, tim của ếch gỗ ngừng đập và có tới 65% lượng nước trong cơ thể nó biến thành băng. Điều này nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng ếch gỗ dành gần hai đến ba tháng trong tình trạng đóng băng mỗi mùa đông. Trong giai đoạn này, nhiệt độ cơ thể của nó dao động trong khoảng -1°C đến -6°C. Khi thời tiết ấm lên, băng tan và tim chúng bắt đầu đập trở lại.
8. Chim Poorwill
Poorwill là chim ngủ đông đầu tiên được biết đến. Loài chim nhỏ giống cú vọ này sống sót nhờ ăn những con côn trùng bay. Tuy nhiên, trong những tháng mùa đông, các loài côn trùng biến mất, và những chú chim màu xám chuyển sang trạng thái ngủ đông thay vì di cư đến nơi có khí hậu ấm hơn như hầu hết các loài chim khác.
Giống như phần lớn các loài động vật ngủ đông, chim poorwill giảm tỷ lệ trao đổi chất trong quá trình ngủ đông để tồn tại hàng tuần và thậm chí hàng tháng mà không cần ăn. Quá trình hô hấp của chúng có thể giảm tới 90% trong giai đoạn này và nhiệt độ cơ thể giảm xuống 4°C.