8 loại thực phẩm giả của Trung Quốc gây hoang mang
(Dân trí) - Đây là những món thực phẩm rất gần gũi trong cuộc sống nhưng lại bị làm giả, làm nhái, ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng. Bởi vậy, các bà nội trợ cần tỉnh táo khi lựa chọn cho gia đình.
Ngành công nghiệp thực phẩm Trung Quốc từng trở thành tiêu điểm quan tâm của quốc tế vào năm 2008 khi vụ bê bối an toàn thực phẩm xảy ra khiến hàng loạt trẻ sơ sinh qua đời vì uống phải sữa bột bị lẫn hóa chất melamine. Sau đó, liên tiếp nhiều vụ về thực phẩm không đạt tiêu chuẩn vệ sinh bị phát hiện. Đến nay, trên thị trường thậm chí xuất hiện một số loại thực phẩm giả có nguồn gốc xuất xứ từ quốc gia này, gây ảnh hưởng trực tiếp tới gan, tổn thương thận, gây ung thư.
Dưới đây là những món thực phẩm làm giả ở Trung Quốc khiến dư luận quan tâm nhất trong thời gian qua.
Trứng gà giả
Ngay cả món thực phẩm quen thuộc và đơn giản nhất trong đời sống như trứng gà cũng bị làm giả ở Trung Quốc. Loại trứng này đã xuất hiện trên thị trường, có vẻ ngoài giống hệt trứng thật. Vỏ trứng làm từ canxi cacbonat, lòng trắng trứng gồm thành phầm chứa tinh bột, nhựa và chất làm đông, còn lòng đỏ có các phụ gia. Khi luộc chín, trứng gà giả ném xuống đất giống như quả bóng cao su.
Gao giả
Loại lương thực này được làm giả từ loại vật liệu tương tự như nhựa. Chúng làm bằng bột khoai tây với loại nhựa công nghiệp tổng hợp có thể gây chết người. Theo báo cáo, loại gạo này sau khi nấu chín vẫn rất khó tiêu hóa, ảnh hưởng tới sức khỏe. Các chuyên gia cho hay, ăn ba bát gạo giả thậm chí tương đương với việc tiêu hóa một túi nhựa.
Thịt bò giả
Tại Trung Quốc, thịt lợn có số lượng dồi dào và giá thành rẻ. Một số nhà cung cấp thậm chí đã “biến hóa” tài tình thịt lợn thành thịt bò nhờ ngâm tẩm hóa chất. Tất cả được thực hiện trong quá trình kéo dài khoảng 90 phút. Theo các bác sỹ, loại thịt này sẽ khiến người tiêu dùng ngộ độc, thậm chí gây ung thư.
Thịt cừu giả
Thịt cừu giả từng xuất hiện trên thị trường Trung Quốc. Cảnh sát nước này đã bắt giữ hơn 900 người, tịch thu khoảng 20.000 tấn thịt cừu giả chỉ trong vòng 3 tháng. Theo báo cáo, mức độ E.Coli trong thịt cừu giả “vượt ngưỡng tiêu chuẩn an toàn nghiêm trọng”.
Rượu vang giả
Rượu vang là một trong số những thứ bị làm giả nhiều nhất ở Trung Quốc. Theo báo cáo, có tới 70% các loại rượu xuất hiện trên thị trường nước này bị làm nhái. Truyền thông nước ngoài nhiều lần cảnh báo du khách hãy thận trọng khi mua rượu tại đây.
Mật ong giả
Mật ong giả từng bị phát hiện tại thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông. Trong quá trình điều tra, hai loại mật ong được làm giả nhiều nhất, một loại là hỗn hợp của mật ong thật với si rô, củ cải đường và rất khó phân biệt. Loại kia làm từ hỗn hợp của đường phèn, nước và chất tạo màu. Một lít mật ong thật chỉ mất khoảng 10 tệ (1.6 USD), trong khi đó, giá bán trên thị trường là 60 tệ (9.5 USD).
Nhân sâm giả
Nhân sâm là cây thuốc phổ biến, được dùng như loại thuốc bổ ở Trung Quốc trong nhiều thế kỷ qua. Là mặt hàng có giá thành đắt đỏ nên nhiều nhà bán lẻ tìm cách để kiếm lợi nhuận. Nhân sâm giả được tạo ra bằng đun chúng với đường. Bởi vậy, loại giả này chứa tới 70% lượng đường, trong khi nhân sâm thật chí có lượng đường khoảng 20%.
Đậu Hà Lan giả
Đậu Hà Lan giả được làm từ đậu nành với thuốc nhuộm xanh lá cây và sodium metabisulfite (một chất hóa học được sử dụng như các chất tẩy và chất bảo quản). Loại thuốc nhuộm này bị cấm dùng trong thực phẩm vì gây ung thư, ức chế cơ thể hấp thụ canxi tự nhiên.
Huy Hoàng
Theo PP, WK