7 tuổi kết hôn với ếch

(Dân trí) - Mới đây, một ngôi làng hẻo lánh tại bang Tamil Nadu, Ấn Độ đã “vung tay” chi tiền tổ chức một đám cưới tập thể thật hoành tráng cho hai cô bé 7 tuổi và hai... "hoàng tử” ếch.

Hàng trăm người dân của một ngôi làng ở Pallipudpet, cách thủ phủ Madras 250km, đã đổ ra đường tham gia đám rước như trong chuyện cổ tích. Hai “cô dâu” Vigneswari và Masiakanni được mặc bộ đồ sari truyền thống và đeo trang sức bằng vàng. Trong khi đó, 2 chàng “hoàng tử” ếch ngồi chễm chệ trên chiếc gậy được quấn hoa xung quanh.

Đám cưới này là một phần trong nghi lễ Pongal đã có từ nhiều thế kỷ trước ở bang Tamil Nadu. Nhiều người tin rằng ghi lễ Pongal có thể giúp phòng chống sự bùng phát của những căn bệnh bí ẩn xảy ra trong làng.

7 tuổi kết hôn với ếch - 1

Hôn lễ được một vị thầy tu chủ trì. Người này lầm rầm khấn vái trước một đống lửa, tiếp đến ông thay mặt “chú rể” buộc tay của “cô dâu” và tuyên bố họ đã chính thức trở thành “vợ chồng”.

Sau khi cử hành nghi lễ xong xuôi, người ta lại thả 2 “chàng rể” ếch trở về với thiên nhiên.


7 tuổi kết hôn với ếch - 2

Sau nghi lễ, 2 “chàng rể” ếch sẽ được trở về với thiên nhiên

Nghi lễ này bắt nguồn từ câu chuyện vị thần Hindu Shiva tự biến mình thành ếch sau một trận cãi vã nảy lửa với bà vợ Parvati. Parvati khóc lóc thảm thiết trong nhiều ngày khiến bệnh tật lan ra khắp các ngôi làng trong vùng. Dân làng sợ hãi đến khẩn cầu Parvati thì bà phán rằng hãy đi tìm thần Shiva và thuyết phục ngài cưới một cô vợ trẻ. Sau đó Parvati đóng giả làm cô gái trẻ, họ cuới nhau và quay trở về hình hài ban đầu. Ngay sau đó mọi bệnh tật bỗng dưng biến mất.

Dominic Bosco, một phóng viên cho hay: “Tiêu chuẩn chọn cô dâu là những bé gái chưa đến tuổi dậy thì và được cha mẹ cho phép để thực hiện nghi lễ. Đôi khi các bé gái bị cha mẹ ép buộc vì họ tin rằng chỉ có cách này mới giúp ngôi làng rũ bỏ bệnh tật. Thiếu hiểu biết và ít học chính là nguồn gốc của hủ tục này”.

Từ lâu chính quyền Ấn Độ đã lên án việc tổ chức đám cưới cho các bé gái với ếch. Họ cử các chuyên gia tâm lý, nhà xã hội học và những nhà lãnh đạo tôn giáo đến từng làng để thuyết phục người dân từ bỏ hủ tục này nhưng kết quả không mấy khả quan.


Đàm Loan 

Theo Telegraph